BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dịch bệnh Covid-19:

Công nhân vất vả vượt khó khăn 

Cập nhật ngày: 25/04/2020 - 00:09

BTN - Đại dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều lĩnh vực, khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ luân phiên, nghỉ không lương hoặc tạm thời nghỉ làm. Từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người lao động. Cuộc sống của công nhân vốn đã gặp khó khăn nay càng thêm khó vì không có việc làm.

Công nhân làm việc tại một công ty.

Khó trăm bề

Hơn 10 ngày nay, anh Biện Minh Hiệp, ngụ tại xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu phải đi làm phụ hồ kiếm sống trong thời gian thất nghiệp. Anh Hiệp cho biết, anh làm công nhân tại một công ty ở Khu công nghiệp Trảng Bàng. Anh được công ty thông báo tạm nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng 3 tháng và nghỉ không lương từ ngày 10.4.

Nghỉ việc ở nhà, để có trang trải cuộc sống, anh Hiệp xin đi làm phụ hồ. Công việc mới này đối với anh cũng lắm bấp bênh, bữa làm bữa nghỉ do mưa gió, nên thu nhập cũng không ổn định. Anh Hiệp cho biết mình làm công nhân đã 8 năm, công việc tuy vất vả, xa nhà nhưng đã quen, anh cảm thấy an tâm vì có nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng. Bây giờ, công việc phụ hồ thất thường, vất vả, tiền kiếm được không bao nhiêu, cuộc sống của gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều.

Trong cảnh khó khăn này, anh Hiệp định xin việc ở công ty mới, nhưng hầu như các công ty đều tạm ngừng tuyển dụng. Anh Hiệp chia sẻ: “Trong 8 năm qua, công ty luôn bảo đảm phúc lợi cho công nhân. Trung bình thu nhập mỗi tháng của tôi được 8 triệu đồng; tôi đủ xoay xở cuộc sống cho cả nhà.

Nhưng bây giờ, tôi thấy lo ngại bởi 3 tháng này cuộc sống của gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước”. Anh Hiệp cũng hiểu, do tình hình dịch bệnh, công ty mới phải ngưng hoạt động, cho công nhân tạm nghỉ việc. Anh mong dịch bệnh nhanh qua, công ty hoạt động trở lại để đi làm.

Một công nhân khác cũng đang gặp khó khăn là anh Nguyễn Văn Tuấn, ngụ tại phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng. Anh Tuấn có 15 năm làm công nhân tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Trảng Bàng. Theo anh Tuấn, do ảnh hưởng dịch bệnh, thời gian trước, bộ phận nào hết hàng, công ty cho công nhân nghỉ và được hưởng lương 70%, bộ phận nào còn hàng vẫn đi làm bình thường. Từ ngày 20.4, công ty cho công nhân nghỉ 2 tuần và không được hưởng lương. Nếu trong thời gian 2 tuần đó có hàng, có việc thì công ty sẽ thông báo cho công nhân đi làm lại.

Mấy ngày qua nghỉ ở nhà anh Tuấn thấy rất lo vì thu nhập giảm. Hiện anh chưa biết sẽ làm gì trong 2 tuần nghỉ việc. Dẫu lạc quan xem đây là dịp để thư giãn, nghỉ ngơi nhưng anh lo nếu nghỉ kéo dài, thu nhập giảm, cuộc sống sắp tới sẽ khó khăn hơn. Theo anh Tuấn: “Đây là tình hình chung, ai cũng gặp khó khăn, công nhân càng khó khăn vì nguồn thu nhập giảm, hoặc không có thu nhập. Tôi mong qua 2 tuần, công ty có hàng mới, tôi với nhiều công nhân khác trở lại làm việc bình thường”.

Chị Trần Thị Diễm, ngụ xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, đang làm công nhân tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Phước Đông cho biết, công nhân ở nhiều nơi khác đã phải nghỉ việc hay giảm giờ làm. Công ty của chị chưa đến mức như vậy. Những tuần qua, công ty của chị cho công nhân ở các bộ phân nghỉ luân phiên, hưởng mức lương bằng mức lương tối thiểu vùng.

Chị nói: “Với công nhân, đi làm mà phải nghỉ nhiều ngày trong tháng như thế thu nhập bị giảm rất nhiều, đời sống gặp không ít khó khăn bởi phải chi trả nhiều khoản chi tiêu như tiền nhà trọ, điện, nước... Nhưng cũng may tôi vẫn còn được đi làm, làm được ngày nào mừng ngày đó”.

Với nhiều công nhân, việc làm không ổn định nhưng vẫn phải đắn đo giữa ở lại hay về quê. Chị Phan Thị Lài, công nhân trọ gần Khu công nghiệp Trảng Bàng cho biết, tháng trước công ty cho nghỉ nhiều nên thu nhập của công nhân đều bị giảm.

Mới đây, công ty thông báo dự kiến sẽ cho công nhân tạm nghỉ 1 đến 2 tuần. Hiện chị rất lo vì nghỉ làm nhiều ngày như vậy, tiền lương hạn hẹp sẽ không đủ trang trải cho sinh hoạt trong một tháng. Việc chi trả tiền nhà trọ, tiền điện là nỗi lo chung của nhiều công nhân.

Chị Lài nói: “Nhiều công nhân chung chỗ trọ với tôi tạm ngừng việc từ vài ngày đến 1 tuần, muốn trả chỗ trọ về nhà cũng không được, vì sợ công ty thông báo đi làm lại, không có chỗ ở. Nhưng ở lại thì nhiều chi phí, tiền nhà trọ cũng là nỗi lo lớn”.

San sẻ gánh nặng với công nhân

 Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, tính đến hết ngày 15.4.2020, toàn tỉnh có 59 doanh nghiệp đã cho 27.225 người lao động nghỉ việc tạm thời, nghỉ việc. Trong đó, dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động với 3.329 người; tạm ngưng việc hợp đồng lao động không cho hưởng lương với 10.731 người; tạm ngưng có hưởng lương nhỏ hơn mức lương tối thiểu vùng là 3.284 người; tạm ngưng có hưởng lương lớn hơn hoặc bằng mức lương tối thiểu vùng là 13.210 người. 

Ông Phan Văn Bua- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khiến cho đời sống công nhân, lao động gặp khó khăn. Việc làm của hàng chục ngàn công nhân trở nên bấp bênh, thu nhập giảm.

Nhiều công nhân- nhất là công nhân nữ gặp khó trong chăm lo gia đình, con nhỏ; nhiều công nhân phải đi lại bằng xe máy (do công ty không bố trí đủ phương tiện vận chuyển khi yêu cầu mỗi xe chỉ chở tối đa 50%)...

Trước những khó khăn đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có các hoạt động chăm lo cho công nhân, giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn. Hỗ trợ công nhân trong thời điểm dịch bệnh, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn- nhất là Công đoàn Khu kinh tế tỉnh, Liên đoàn Lao động huyện tổ chức vận động trên 60 chủ nhà trọ tại các khu công nghiệp của tỉnh miễn, giảm tiền thuê phòng trọ cho công nhân lao động, với mức giảm tối thiểu 30% tiền thuê phòng; nhiều chủ trọ giảm 100% tiền thuê phòng cho công nhân ở các doanh nghiệp tạm ngừng việc.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên- Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh cho biết: “Trước khó khăn của người lao động, Công đoàn Khu kinh tế tỉnh đã làm việc với các doanh nghiệp để cho người lao động được hưởng mức lương tối thiểu vùng.

Bên cạnh đó, Công đoàn Khu kinh tế cũng đã thăm hỏi tình hình việc làm, cũng như nắm bắt tâm tư của công nhân, lao động. Trước mắt, nhiều công nhân mong muốn được giảm tiền thuê trọ”.

Công đoàn Khu kinh tế đã gửi thư kêu gọi, phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà trọ cho công nhân tại các phường An Tịnh, An Hoà (thị xã Trảng Bàng), xã Chà Là (huyện Dương Minh Châu), xã Phước Đông (huyện Gò Dầu) và Công ty cổ phần đầu tư Sài gòn VRG (Khu công nghiệp Phước Đông- có phòng cho người lao động thuê).

Qua đó, Công đoàn Khu kinh tế đã vận động được trên 17 chủ nhà trọ và Công ty cổ phần đầu tư Sài gòn VRG (Khu công nghiệp Phước Đông) đồng ý miễn, giảm tiền thuê trọ, với hơn 1.000 phòng được chủ nhà trọ giảm tiền thuê trọ từ 30% đến 100% cho người lao động.

Công đoàn Khu kinh tế tỉnh thăm hỏi đời sống, việc làm của công nhân ở khu nhà trọ.

Trong thực tế, nhiều chủ nhà trọ- trước tình hình khó khăn chung cũng đã chủ động giảm tiền phòng để san sẻ gánh nặng cùng công nhân. Ông Đỗ Văn Nhuần, chủ nhà trọ Yến Nhi (phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng) có 60 phòng trọ cho thuê, tháng qua ông đã giảm 50% tiền phòng cho người ở trọ.

Theo ông Nhuần, việc giảm tiền phòng trọ sẽ duy trì cho đến khi dịch bệnh qua đi, công nhân đi làm lại bình thường. Ông nói: “Tôi thấy công nhân hiện nay công việc thất thường, có tuần chỉ đi làm vài ngày nên quyết định giảm tiền trọ nhằm chia sẻ với họ những khó khăn hiện tại. Bởi vì người ở trọ chủ yếu là dân ở xa lên đây làm việc nên cuộc sống khá khó khăn”.

 Chị Hồng Nhung, chủ nhà trọ Trường Hải (xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) cũng đã giảm hơn 20% tiền thuê trọ tháng 4 cho công nhân. Chị có 70 phòng cho thuê. Theo chị Nhung, việc giảm giá phòng trọ lúc này giúp giảm một phần gánh nặng cho công nhân, những người đã nhiều năm gắn bó cùng với mình, họ thêm an tâm, vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Việc những chủ nhà trọ giảm giá phòng lúc khó khăn này, dù ít hay nhiều cũng là sự chia sẻ, tiếp lửa cho những người công nhân tiếp tục bám trụ trong thời gian chờ việc. Bởi với họ, một công việc ổn định cũng có nghĩa bảo đảm được cuộc sống của gia đình, bản thân.

Anh Tâm, một công nhân ở miền Tây đang trọ tại nhà trọ Yến Nhi (thị xã Trảng Bàng) bày tỏ niềm vui: “Tôi mừng lắm. Cuộc sống công nhân còn nhiều nỗi lo, lúc này, được giảm một nửa tiền thuê trọ tôi nhẹ đi phần nào gánh nặng, an tâm, tiếp tục bám trụ chờ công việc ổn định lại rồi làm việc, tích góp gửi về quê lo cho gia đình”.

Thế Anh - Vi Xuân