Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công nhân Việt: 'Người Nhật lạ vô cùng

Cập nhật ngày: 11/01/2017 - 09:56

“Hồi mới sang Nhật, đường sá, xe cộ, đi lại, ngôn ngữ… cái gì tôi cũng lạ và bỡ ngỡ. Tuy nhiên, cách ứng xử của người Nhật còn khiến tôi thấy lạ hơn …” - anh Lê Minh Sơn (công nhân xuất khẩu lao động đang làm việc tại tỉnh Hiroshima, Nhật Bản) chia sẻ.

Anh Sơn cho biết, công ty anh được đặt ở một vùng nông thôn. Nơi đây, đường sá, xe cộ không đông đúc. Ngay cả siêu thị cũng không nhiều. Muốn đi chợ chọn đồ nấu ăn theo món Việt Nam, các công nhân phải đi từ sớm.  

Sau 15 phút đi xe đạp, họ mới đến được trạm xe điện ngầm. Từ đây đến siêu thị, họ mất thêm khoảng 10 phút nữa.


Một công nhân người Việt đi chợ tại Nhật Bản

“Mấy hôm đầu tôi mới sang, anh em người Việt cùng công ty hỗ trợ chỉ đường. Tuy nhiên sau đó, ai làm việc người ấy, mỗi người tự đi chợ nên có hôm tôi phải đi một mình. Chưa quen đường, có lần tôi đi lạc. Đang lo lắng vì không tìm được đường thì tôi gặp một người đàn ông Nhật Bản. Ông ta khoảng 65 tuổi.

Thấy tôi hỏi đường đến trạm xe điện bằng tiếng Nhật chưa thành thạo, người đàn ông ấy dừng hẳn xe rồi chỉ đường cho tôi rất tỉ mỉ. Sau đó, nhìn khuôn mặt chưa mấy tự tin của tôi, ông ta ra hiệu cho tôi đi theo.

Tôi cứ thế đi theo ông ta mà trong lòng không hết hoài nghi. Tôi chỉ sợ ông ấy đùa, sợ ông ấy hiểu sai ý mình và sợ vô vàn thứ khác. Tuy nhiên, vì đường sá vắng vẻ, không biết dựa vào ai nên tôi cứ liều mình đi theo. Không ngờ, ông ấy dẫn tôi đến tận trạm xe điện rồi mới quay về.

Quãng đường hôm ấy khá xa, chắc phải 10 phút đi xe đạp mới hết nhưng ông ấy không tiếc thời gian và công sức để dẫn tôi đi. Điều đó khiến tôi ấn tượng mãi”, anh Sơn kể.


Công nhân Việt mua sắm nhu yếu phẩm tại siêu thị

Anh Sơn nói tiếp: “Một lần khác, tôi đi siêu thị. Vì siêu thị rất rộng nên tôi tìm một chai nước mắm và các nguyên liệu nhưng tìm mãi không ra.

Tôi rón rén ra hỏi nhân viên siêu thị nhưng trong lòng không mấy tự tin. Tôi chỉ sợ nhân viên cau có khó chịu, hoặc thể hiện thái độ khinh khỉnh thì sẽ làm hỏng tâm trạng mua sắm ngày hôm đó của mình.

Tuy nhiên, khác hẳn với lo lắng của tôi, cô nhân viên siêu thị không những chỉ dẫn nhiệt tình mà còn đưa tôi tới tận quầy. Thái độ của cô nhân viên vô cùng nhẹ nhàng khiến tôi thấy rất thoải mái.

Lúc đó tôi vẫn chưa thực sự tin rằng, đó là cách ứng xử đặc trưng của người Nhật ở vùng nông thôn này. Tôi cho rằng, hai người đã giúp đỡ tôi rất nhiệt tình kia chỉ là những trường hợp đặc biệt và tôi là người may mắn nên đã gặp họ.

Nhưng, sau gần 2 năm sống ở đây, có cơ hội đi đây đi đó nhiều hơn để gặp gỡ và tiếp xúc với người Nhật, tôi mới nhận ra rằng, 90% số người Nhật mà tôi gặp, họ lịch sự và nhiệt tình vô cùng”, anh Sơn hào hứng kể.

Khi anh Sơn và các công nhân người Việt ở đây cần sự giúp đỡ hay hỏi đường, hầu hết người Nhật đều hướng dẫn rất cặn kẽ. Nhiều người còn sẵn sàng bỏ ra vài chục phút để giúp đỡ người kia.

Trong siêu thị, nếu một người không rõ vị trí của một món hàng nào đó thì từ tầng 1, nhiều khách hàng cũng sẵn sàng dẫn họ lên đến tầng 2, tầng 3 để chỉ cho người mua thứ họ cần.

“Khi nhận ra những sự nhiệt tình đó, nhiều anh em người Việt cứ thắc mắc bảo, sao người Nhật lạ thế. Họ không sợ muộn giờ làm, muộn giờ đón con, muộn giờ đi chơi… hay sao mà khi mình hỏi, họ lại tận tình đến vậy? Nhưng bây giờ sống ở đây lâu, tôi mới thấy, đó là một phần trong văn hóa ứng xử, giao tiếp của người Nhật. Và chúng tôi cũng đã học được rất nhiều từ sự văn minh, lịch sự đó của họ” - anh Sơn nói thêm.

Nguồn vietnamnet