BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực 

Cập nhật ngày: 24/07/2022 - 23:54

BTN - Môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước dưới đất còn rất tốt, hầu hết các chỉ tiêu quan trắc đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép.

Thu gom rác thải sinh hoạt.

Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường 5 năm giai đoạn 2016-2020, chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện nhiều so với giai đoạn 2011-2015. Môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước dưới đất còn rất tốt, hầu hết các chỉ tiêu quan trắc đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép.

Trong đó, đặc biệt là môi trường nước mặt lục địa tại các điểm quan trắc trên sông Vàm Cỏ Đông, hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn, rạch Tây Ninh từng bước được nâng lên từ mức trung bình đến mức tốt thể hiện qua chỉ số đánh giá chất lượng nước (WQI) từ 57-88, xu hướng cải thiện tốt hơn trong thời gian gần đây.

100% khu công nghiệp, doanh nghiệp hoạt động ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường. Việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải của các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bắt buộc các doanh nghiệp có nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục.

Đến nay, có 48/86 doanh nghiệp đã lắp đặt quan trắc tự động, ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư lắp đặt 6 trạm quan trắc nước mặt, 2 trạm quan trắc không khí tự động, liên tục để giám sát (quan trắc, quản lý lưu vực) truyền dữ liệu trực tiếp về Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND tỉnh và Sở TN&MT để kịp thời phát hiện, xử lý khi có dấu hiệu ô nhiễm cũng như phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.

Ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng, Hoà Thành, huyện Gò Dầu và Châu Thành; tiếp tục phối hợp với huyện Dương Minh Châu, Bến Cầu hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải từ các hộ dân để đưa công trình vào hoạt động. Việc đưa các công trình xử lý nước thải đô thị đi vào hoạt động sẽ góp phần cải thiện chất lượng nước mặt trên địa bàn rất nhiều.

Trên địa bàn tỉnh, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 400 tấn/ngày được UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đấu thầu ký hợp đồng với các đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển đến các khu xử lý. Năng lực thu gom chất thải rắn đô thị tăng dần qua các năm: từ 85% (năm 2012) tăng lên 90% (năm 2013), 96% (năm 2017) và 100% (năm 2020 và khoảng 65% rác thải nông thôn.

Tây Ninh không sử dụng phương pháp chôn lấp mà sử dụng công nghệ đốt kết hợp ủ vi sinh làm phân bón hữu cơ và tái chế. Hai khu xử lý rác thải sinh hoạt đáp ứng được nhu cầu hiện tại là Khu xử lý Tân Hưng của Công ty cổ phần công nghệ Tây Ninh (đang triển khai mô hình đốt rác thải thu hồi năng lượng tái tạo đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ TN&MT thẩm định); khu xử lý ở xã Thạnh Đức của Công ty TNHH MTV môi trường xanh Huê Phương Việt Nam (đang xin chủ trương mở rộng nâng công suất khu xử lý rác thải sinh hoạt).

Chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh khoảng 640 tấn/năm, trong đó, hầu hết thuộc nhóm chất thải rắn được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất, số còn lại thuộc nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường giao đơn vị có chức năng xử lý.

Nhóm chất thải rắn trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng khối lượng phát sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý là 105 tấn/năm, đa số các chất thải rắn xây dựng do các đơn vị thi công thu gom, vận chuyển và tái sử dụng tại công trình hoặc công trình khác theo yêu cầu của chủ đầu tư. Còn lại, chất thải rắn xây dựng được tái chế hoặc xử lý chỉ chiếm khối lượng nhỏ khoảng 199 tấn.

Ngoài ra, chất thải nguy hại phát sinh khoảng 23 tấn/năm, hầu hết các cơ sở đều ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng được Bộ TN&MT cấp phép trong và ngoài tỉnh thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định. Trên địa bàn tỉnh, có 4 đơn vị được phép hoạt động xử lý chất thải nguy hại.

Theo đánh giá của Sở TN&MT, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và hiện nay đang có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường tự nhiên đã được cải thiện; công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải từng bước đi vào nề nếp. Trên địa bàn tỉnh không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng như điểm nóng về môi trường; công tác bảo tồn đa dạng sinh học được quan tâm, chú trọng; các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai đã được lồng ghép vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế. Rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý đạt tỷ lệ thấp, một số dự án xử lý chất thải rắn được triển khai chậm tiến độ theo chủ trương đầu tư của UBND tỉnh. Tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị còn rất chậm, hiện nay, mới thực hiện các thủ tục đầu tư, chưa triển khai xây dựng, trừ hai huyện Dương Minh Châu và Bến Cầu. Việc các doanh nghiệp đầu tư hệ thống quan trắc tự động liên tục còn chậm, đến nay mới đạt khoảng 50%. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng sự cố môi trường cục bộ, một số doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ quy định về quản lý môi trường; thậm chí có doanh nghiệp lén lút xả trộm chất thải xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường.

Trong những năm tới, với việc định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế dựa vào phát triển công nghiệp - đô thị và đột phá về du lịch sẽ gây áp lực lớn về môi trường và hạ tầng xã hội, lượng phát thải sẽ tăng nhanh, tạo ra áp lực đối với công tác bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến thường xuyên và khó lường cùng với tốc độ đô thị hoá nhanh sẽ làm ô nhiễm và suy giảm tài nguyên đất, nước, không khí, nguy cơ mất rừng và suy giảm đa dạng sinh học là những nguy cơ có thể nhận diện được.

Sở TN&MT cho biết, Luật Môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới vừa tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, vừa đẩy mạnh phân cấp, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị xã hội. Thẩm quyền quản lý nhà nước được thống nhất, nâng cao trách nhiệm của bộ máy chính quyền địa phương; thúc đẩy phân loại chất thải tại nguồn... Để đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vào cuộc sống, cần đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức thấu hiểu và tuân thủ.

Trong thời gian tới, Sở TN&MT thực hiện lồng ghép việc phân vùng môi trường vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (chia thành 3 vùng) vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác; đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải, xác định mục tiêu và lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải nhằm hạn chế tiếp nhận và chỉ tiếp nhận các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, tiên tiến, ít phát thải, hạn chế sử dụng tài nguyên và ưu tiên cho các dự án nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ không bảo đảm về môi trường phải chuyển đổi loại hình sản xuất, kinh doanh hoặc di dời theo lộ trình.

Đơn vị cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ nguồn thải, chất thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thông qua áp dụng quy chuẩn kỹ thuật ở mức cao nhất, cấp phép môi trường tương ứng với khả năng chịu tải của môi trường tự nhiên, kết hợp với công tác giám sát bằng thiết bị quan trắc tự động, liên tục online, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm một cách nghiêm túc. Trước mắt khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Vàm Cỏ Đông, rạch Tây Ninh.

Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải các đô thị theo kế hoạch đầu tư công; phát huy vai trò chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư trong việc phát hiện, phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, môi trường xã hội nâng cao hiệu quả phòng ngừa, khắc phục sự cố và nâng cao tính tự giác tuân thủ của người dân và doanh nghiệp.

Giang Hà