Theo dõi Báo Tây Ninh trên
“Tôi cho rằng “dám nghĩ, dám làm” nên được coi là một tiêu chí cứng, một điểm cộng cho những ứng viên vào các vị trí lãnh đạo trong tương lai. Những con người có tư duy và khát khao đột phá, sáng tạo sẽ có những hành động quyết liệt tạo ra sự thay đổi tích cực, đột phá cho địa phương, đất nước”, TS. Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nói.
Tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành T.Ư sáng 16/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng, chứa đựng nhiều quan điểm, định hướng chỉ đạo với quá trình chuẩn bị cho đại hội các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Phóng viên Tiền Phong có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh quanh những vấn đề đặt ra trong bài phát biểu của Tổng Bí thư.
Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Ảnh: TTXVN
TS. Nguyễn Văn Đáng cho biết: Dự kiến, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sẽ được tổ chức vào đầu năm 2026. Bài phát biểu của Tổng Bí thư có ý nghĩa rất quan trọng, có tính chất chỉ đạo quá trình chuẩn bị đại hội, cụ thể là việc xây dựng Đề cương các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng cũng như đại hội đảng bộ các cấp. Mỗi kỳ đại hội Đảng diễn ra trong bối cảnh khác nhau, không chỉ là dịp để Đảng nhìn lại kết quả lãnh đạo của nhiệm kỳ 5 năm trước đó, mà còn phải nhận diện những vấn đề mới, từ đó đề ra chủ trương, đường lối lãnh đạo phù hợp cho giai đoạn 5 năm tiếp theo…
Xác định đường hướng lãnh đạo, phát triển đất nước
Ông có thể phân tích những chỉ đạo định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc chuẩn bị các Báo cáo trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV?
Với mỗi kỳ đại hội, báo cáo chính trị, báo cáo kinh tế - xã hội, báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng luôn được quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, mỗi báo cáo sau khi được thông qua tại đại hội sẽ trở thành văn bản chính trị, điểm tựa cho các hoạt động lãnh đạo của Đảng, hoạch định và thực thi chính sách của Nhà nước. Nhờ đó, cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp, cũng như mỗi người dân sẽ biết được chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, định hướng chính sách của Nhà nước trong nhiệm kỳ tiếp theo, và cả trong tương lai.
Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, có nhiệm vụ tiếp tục cụ thể hoá Cương lĩnh của Đảng để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong nhiệm kỳ mới. Nội dung của Báo cáo chính trị phải mang tầm khái quát cao những vấn đề thuộc về quan điểm, tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội”. Trong khi đó, báo cáo kinh tế - xã hội, báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng là những báo cáo chuyên đề, chuyên sâu về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đã yêu cầu về sự nhất quán, gắn kết giữa các báo cáo. Có thể hiểu, nếu Báo cáo chính trị vạch ra đường hướng Đảng sẽ lãnh đạo đất nước như thế nào thì Báo cáo kinh tế - xã hội là sự cụ thể hóa thành hành động chính sách. Còn Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng có tính chất tổng kết hoạt động của tổ chức Đảng, phục vụ nhu cầu hoàn thiện mô hình tổ chức, nguyên tắc hoạt động, hệ thống quy định… nếu cần thiết.
Cần cán bộ bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm
Thưa ông, trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ. Theo ông, phải làm gì để chuẩn bị tốt nhất về công tác cán bộ cho nhiệm kỳ tới?
Chuẩn bị nhân sự luôn là công việc có tầm quan trọng then chốt bậc nhất ở mọi kỳ đại hội Đảng các cấp. Bởi lẽ, sự phát triển của đất nước trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều, nếu không muốn nói là quyết định, vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo được lựa chọn tại các đại hội. Để có được đội ngũ cán bộ chất lượng cho nhiệm kỳ tới, trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đã nêu ra những vấn đề cần quan tâm trong quá trình chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp.
Nếu đại hội các cấp mà lựa chọn được chính xác những cán bộ đã khẳng định được bản lĩnh và năng lực của bản thân thông qua những kết quả cụ thể, tạo ra sự thay đổi tích cực nào đó trên quy mô cộng đồng thì sẽ được cán bộ, đảng viên, và nhân dân thừa nhận. Cũng nhờ đó, uy tín của không chỉ các ban lãnh đạo, mà cả uy tín của Đảng cũng như lòng tin chính trị của nhân dân sẽ được gia tăng.
TS. Nguyễn Văn Đáng, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Về nguyên tắc, tôi cho rằng công tác cán bộ sẽ đạt kết quả tốt nếu chúng ta coi trọng những yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc quy trình và quy định của Đảng về công tác cán bộ. Theo đó, mỗi tổ chức Đảng và từng đảng viên tham dự đại hội cần phải nêu cao ý thức tôn trọng và bảo vệ Điều lệ Đảng, cũng như quy trình thể chế, các quy định về điều kiện, tiêu chí liên quan đến cán bộ.
Thứ hai, tại đại hội, mỗi đảng viên cần suy nghĩ và hành động trên cơ sở vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân, đề cao trách nhiệm với tổ chức, với địa phương, với bộ ngành, với nhân dân khi nhận xét, đánh giá, giới thiệu, và bỏ phiếu bầu chọn cán bộ lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới. Cũng có nghĩa, mỗi người cần chủ động góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về cán bộ, loại bỏ mọi biểu hiện “phe nhóm, cánh hẩu”, suy nghĩ và hành động chỉ bởi “lợi ích cá nhân hoặc ê kíp thiển cận”.
Thứ ba, các ban lãnh đạo đương nhiệm cần ý thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ kế tiếp. Mỗi thành viên ban lãnh đạo cần phải khách quan, công tâm, trách nhiệm khi chuẩn bị danh sách ứng viên để giới thiệu, bầu chọn thành viên tham gia ban lãnh đạo của nhiệm kỳ tiếp theo.
Thứ tư, từ sự gia tăng số lượng cán bộ bị xử lý trong nhiệm kỳ XIII hiện nay, các đơn vị chức năng về tổ chức và nhân sự, nội chính, kiểm tra… của Đảng cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm diễn biến thực tế để thiết kế và triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động chuyên môn liên quan đến cán bộ.
Quyết liệt đổi mới công tác cán bộ, cụ thể là các điều kiện, tiêu chí để đánh giá phẩm chất, năng lực của mỗi cá nhân ứng viên, sớm phát hiện những ứng viên không đạt yêu cầu đang là nhu cầu bức thiết để không tái diễn tình trạng ngay sau đại hội đã có cán bộ lãnh đạo bị xử lý vì những vi phạm trước đó.
Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, có nên coi “dám nghĩ, dám làm” là một phẩm chất then chốt, một tiêu chí “cứng” để xây dựng các phương án về cán bộ, lựa chọn lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới?
Theo tôi, không chỉ bối cảnh hiện nay mà việc phát hiện, lựa chọn những cán bộ “dám nghĩ, dám làm” luôn là quan điểm và chủ trương nhất quán của Đảng trong nhiều kỳ đại hội gần đây. Tuy nhiên, khi đất nước đang đối diện với nhiều thách thức nan giải như hiện nay, nhu cầu về những cán bộ có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám đối diện khó khăn lại càng bức thiết. Vì thế, tôi cho rằng “dám nghĩ, dám làm” - và thực tế đã có những thành công nhờ tư duy đột phá - nên được coi là một tiêu chí cứng, một điểm cộng cho những ứng viên vào các vị trí lãnh đạo trong tương lai. Để có những hành động quyết liệt tạo ra sự thay đổi tích cực, đột phá cho địa phương, đất nước, trước hết chúng ta cần những con người có tư duy và khát khao đột phá, sáng tạo.
Cảm ơn ông!
Ngày làm việc thứ hai Hội nghị T.Ư 9 khóa XIII
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Ban Chấp hành T.Ư Đảng làm việc tại tổ thảo luận về Đề cương Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; cho ý kiến vào Đề án Tổng kết Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. 16 giờ, Bộ Chính trị họp xem xét, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của Trung ương về đề cương các báo cáo.
Trường Phong (thực hiện)
Nguồn TPO