Cùng với cả nước, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng, phát triển tỉnh nhà.
(BTN)- Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật số ra ngày 15.10.1949. Chính vì vậy, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 15.10 hằng năm là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.
Vài nét về việc hình thành công tác dân vận của Đảng
Cách đây 82 năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ tháng 10.1930, hệ thống Ban chuyên môn của Đảng về vận động các giới được xác định bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng, nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật số ra ngày 15.10.1949. Chính vì vậy, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 15.10 hằng năm là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.
Ra quân làm công tác vận động quần chúng ở xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu) |
Nhìn lại quá trình lịch sử đấu tranh cách mạng, công tác dân vận đã gắn liền với những chặng đường vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một bộ phận không thể tách rời sự nghiệp của Đảng và nhân dân ta. Điều đó được minh chứng ngay từ những năm đầu thành lập, Đảng ta đã nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành ngay bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận nhằm tập hợp, tuyên truyền, giáo dục quần chúng, nhân dân thành một lực lượng to lớn, đoàn kết, tham gia các phong trào cách mạng vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Thông qua các phong trào quần chúng, Đảng ta đã xây dựng, phát triển lực lượng chính trị ngày càng đông đảo, hùng hậu, với đầy đủ các thành phần, giai cấp, tầng lớp nhân dân, đồng thời kết hợp với việc xây dựng lực lượng vũ trang, chớp thời cơ làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành độc lập, xây dựng chính quyền công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Vai trò của công tác dân vận trong kháng chiến và xây dựng đất nước
Trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, công tác dân vận của Đảng đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức nên những cao trào rộng lớn, động viên sức người, sức của, huy động được sức mạnh của toàn dân, làm nên những chiến thắng vẻ vang, những chiến công hiển hách, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đạt được thắng lợi to lớn trên, chính là thành công của đường lối mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh “vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”.
Trong thời kỳ thực hiện sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lại một lần nữa công tác dân vận được khẳng định và tiếp tục được đổi mới một cách cơ bản cả về nhận thức, quan điểm và tổ chức thực hiện. Những đường lối, chính sách cơ bản về công tác dân vận, Mặt trận, xây dựng các giai cấp, đoàn thể, dân tộc, tôn giáo… từng bước được ban hành và ngày càng hoàn thiện, tạo mối quan hệ Đảng – dân ngày càng gắn bó, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới thu được nhiều thắng lợi to lớn.
Những thành tựu trong công tác dân vận của Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh.
Cùng với cả nước, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng, phát triển tỉnh nhà. Trong thời kỳ 1954-1960, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, tất cả cán bộ, đảng viên đều làm công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng đấu tranh chính trị, thực hiện phương châm 4 cùng trong dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng quần chúng đấu tranh. Từ những phong trào chống cướp bảo vệ xóm làng đến các phong trào đấu tranh chống khủng bố trả thù người kháng chiến cũ, chống bắt lính… đã trở thành cao trào cách mạng làm nên chiến thắng Tua Hai vang dội (26.1.1960), mở đầu cho phong trào Đồng Khởi vũ trang ở miền Đông Nam bộ.
Tháng 5.1961, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Tây Ninh được tổ chức và thành công tốt đẹp. Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh được thành lập, các đoàn thể thanh niên giải phóng, phụ nữ giải phóng, nông dân giải phóng được hình thành ở cấp tỉnh, huyện, xã. Cũng trong năm 1961, Khu uỷ miền Đông lập Ban Dân vận để vận động quần chúng đấu tranh cách mạng. Tỉnh uỷ Tây Ninh đã thành lập Ban Dân vận Tỉnh uỷ do đồng chí Tư Thái được Khu uỷ cử về làm Trưởng ban. Kể từ đó, công tác vận động, tập hợp lực lượng quần chúng vào tổ chức ngày càng phát triển; hệ thống dân vận các cấp đã xây dựng được nhiều cơ sở nòng cốt, tổ chức nhiều phong trào đấu tranh như chống gom dân, chống khủng bố, đòi bồi thường thiệt hại, chống lập ấp chiến lược, chống rải chất độc hoá học, tố cáo tội ác giặc… Đặc biệt là phong trào phá ấp chiến lược được diễn ra quyết liệt và rộng khắp trong tỉnh với khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không rời” đã góp phần quan trọng trong việc đập tan các chiến lược của đế quốc Mỹ.
Năm 1975, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục, Tây Ninh phải tự lực giải phóng. Trên tinh thần đó, Tỉnh uỷ đã đề ra nhiệm vụ huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, hệ thống dân vận các cấp đã đẩy mạnh công tác vận động, tập hợp lực lượng; tổ chức các phong trào đấu tranh chính trị, binh vận. Với sức mạnh tổng hợp của công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, tiểu thương, tín đồ các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số… đã góp phần cùng lực lượng vũ trang Tây Ninh tự giải phóng tỉnh nhà.
Giải phóng chưa được bao lâu, Tây Ninh lại phải đương đầu với chiến tranh biên giới Tây Nam; kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; công tác dân vận tập trung vận động các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, quyết tâm vượt qua thử thách, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, vừa từng bước xây dựng cơ sở vật chất. Sau khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, nhiệm vụ công tác dân vận là vận động nhân dân ổn định tình hình, đẩy mạnh thực hiện phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bước vào thời kỳ đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hệ thống dân vận, mặt trận, đoàn thể của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động sát hợp với nhu cầu và lợi ích của nhân dân; thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, vận động “Quỹ vì người nghèo”, xây dựng nhà tình thương, nhà “đại đoàn kết”, làm đường giao thông nông thôn, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Quân dân Gò Dầu làm công tác dân vận |
Trong những năm gần đây, công tác tập hợp quần chúng vào các loại hình tổ chức được đẩy mạnh và có kết quả. Công tác dân vận của chính quyền có sự chuyển biến tốt. Công tác phối kết hợp của chính quyền các cấp với Mặt trận và các đoàn thể trong công tác dân vận ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Hệ thống dân vận, mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng các cấp xây dựng được nhiều mô hình mới, nhân rộng nhiều cách làm hay qua đó góp phần giúp đoàn viên, hội viên nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình, xoá đói giảm nghèo… Lực lượng vũ trang cũng có nhiều cố gắng, đóng góp rất tích cực vào công tác dân vận, ngày càng được nhân dân tin yêu, góp phần quan trọng vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc hơn.
Trong 9 tháng năm 2012, hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội quần chúng phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện mục tiêu 4 giảm của tỉnh và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội quần chúng tổ chức sơ, tổng kết các chương trình, dự án ký kết liên tịch với các ngành liên quan; tổ chức kiểm tra, giám sát theo kế hoạch đề ra; tổ chức tốt đại hội các đoàn thể; rà soát nắm lại số lượng đoàn viên, hội viên; thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân với nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho nhân dân nghèo ở các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia; tổ chức chăm lo tết cho các hộ dân nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, lực lượng vũ trang nhân dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ trọng đại của đất nước. Vận động Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 17,7 tỷ đồng (đạt 118,15%), đã xây và bàn giao 560 căn nhà đại đoàn kết, trị giá hơn 16 tỷ đồng (bình quân 28,75 triệu đồng/căn). Kết quả hoạt động trên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo sự đồng thuận và phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân khi thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận trong thời gian tới ở tỉnh ta
Để tiếp tục phát huy khả năng to lớn của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cộng đồng dân tộc, góp phần xây dựng đất nước và quê hương Tây Ninh giàu mạnh, văn minh; công tác dân vận của tỉnh nhà trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Một là: Công tác dân vận phải tập trung hướng mạnh về cơ sở, đến khu dân cư và hộ gia đình; kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở; tạo chuyển biến thật sự về chất ở cơ sở, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc; nơi có quy hoạch phải giải toả đền bù…
- Hai là: Đội ngũ cán bộ dân vận phải tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân để nghe được những phản ánh, đề xuất của dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân giúp cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội của nhân dân; đồng thời, qua đó phát hiện và đấu tranh, vạch trần những luận điệu sai trái nhằm lôi kéo và chia rẽ quần chúng của các thế lực thù địch.
- Ba là: Hệ thống dân vận, mặt trận và các đoàn thể các cấp phải thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nhất là ở cơ sở; đẩy mạnh việc thành lập các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể các cấp; đặc biệt là ở xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng và từng bước chuẩn hoá cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.
- Bốn là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, chăm lo lợi ích thiết thực cho nhân dân nhằm thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia vào tổ chức; phấn đấu duy trì tỷ lệ tập hợp quần chúng vào tổ chức ở mức trên 80%; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của chi, tổ, hội. Phát động, tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình, dự án nhằm bảo đảm an ninh xã hội; vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
- Năm là: Tiếp tục thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tham gia giám sát hoạt động của chính quyền, phát hiện những hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm dân chủ; tham gia hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Phối hợp thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về tôn giáo, dân tộc; củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta ngày càng đạt nhiều thắng lợi.
Ban Dân vận Tỉnh uỷ Tây Ninh