BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công tác đào tạo, thu hút nhân tài: Đào tạo nhiều, thu hút chưa mạnh

Cập nhật ngày: 23/10/2009 - 05:40

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên: Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần quan tâm đến việc tìm kiếm, sử dụng, đào tạo nhân tài!

Báo cáo của UBND tỉnh tại hội nghị sơ kết việc thực hiện Quyết định 48/2007/QĐ-UBND ngày 20.12.2007 về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, nhận định: Qua gần hai năm thực hiện QĐ 48, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã đạt được một số kết quả nhất định. Tính đến đầu năm 2009, toàn tỉnh có 25.763 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 2 tiến sĩ, 127 thạc sĩ và khoảng 6.800 người có trình độ đại học. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho 1.952 lượt cán bộ, công chức, viên chức; 917 người được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; 10.409 cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Tính đến tháng 7.2009, đã có 87 cán bộ, công chức, viên chức được hỗ trợ mức 5 triệu đồng/người khi hoàn thành chương trình đào tạo đại học; có 70 người được tham quan, khảo sát, học tập ở nước ngoài. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận tạo nguồn 576 sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường. Trong số này, các cơ quan, đơn vị đã tuyển dụng 231 người, 275 người còn đang hưởng chính sách tạo nguồn và có 70 người được tạo nguồn đã xin nghỉ việc. Tỉnh cũng đã thu hút được 2 thạc sĩ về công tác ở địa phương.

Tuy nhiên, công tác thu hút nhân tài vẫn còn nhiều tồn tại: một số cán bộ, công chức, viên chức sau khi được cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ lại có xu hướng “xin” bồi hoàn kinh phí đào tạo để… chuyển công tác sang địa phương khác; chưa chọn, cử được cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài; chưa thu hút được hiệu quả người có trình độ cao về tỉnh công tác; nhiều cơ quan, đơn vị chưa bố trí, sử dụng hợp lý lực lượng tạo nguồn; việc bố trí sử dụng lực lượng tạo nguồn chưa phù hợp với ngành, nghề đào tạo; chưa phân công, phân nhiệm rõ ràng…

Nguyên nhân của những tồn tại trên, theo nhận định của nhiều cơ quan, đơn vị thì chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài ở tỉnh ta còn nhiều hạn chế. Chưa có cơ chế, kế hoạch cụ thể đối với công tác đưa cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức chưa cao, dẫn đến việc thi tuyển đầu vào gặp khó khăn. Đối với 2 thạc sĩ tỉnh “thu hút” được, chỉ mới thực hiện chính sách hỗ trợ “đầu vào” số tiền 50 triệu đồng/người, phần hỗ trợ hàng tháng ngoài lương (quy định từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng) vẫn chưa thực hiện. Một số thủ trưởng cơ quan còn “thờ ơ” đối với công tác thu hút người có trình độ, có sự “so sánh” về tiền lương giữa các thạc sĩ, tiến sĩ đang công tác trong tỉnh và người mới thu hút về, viêc thu hút sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi về tỉnh để tạo nguồn còn hạn chế do cơ chế tiền lương hiện nay không đủ sức “giữ chân” họ.

Tại hội nghị sơ kết ngày 22.10.2009, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên đánh giá: Một trong những hạn chế trong việc thu hút nhân tài của tỉnh hiện nay là kinh tế – xã hội của tỉnh còn chưa phát triển nhiều, bên cạnh đó, tỉnh còn thiếu “đất dụng võ” cho họ. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Biết quan tâm, phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết của những người làm công tác lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Trong xu hướng cạnh tranh thu hút nhân lực hiện nay, các ngành, địa phương cần chủ động đề ra những kế hoạch, biện pháp hợp lý để cải thiện môi trường thu hút và “giữ chân” nhân tài; đồng thời phải bình tĩnh trước việc “chảy máu chất xám” vì đây là quy luật tất yếu.

HOÀNG THI