Theo dõi Báo Tây Ninh trên
“Có thể khẳng định, với sự cố gắng nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, công tác đối ngoại của chúng ta trong gần 3 năm qua, đặc biệt là trong năm 2017, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước…”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định như vậy trong phát biểu chỉ đạo tại phiên Khai mạc Hội nghị Ngoại giao 30 diễn ra sáng 13/8/2018 tại Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hội nghị Ngoại giao lần này là sự kiện quan trọng không chỉ đối với ngành Ngoại giao, mà còn là Ngày hội của toàn thể cán bộ làm công tác đối ngoại của đất nước.
Đây là dịp để toàn ngành Ngoại giao nhìn lại quá trình gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về đối ngoại và trên cơ sở đó đề xuất các phương hướng, biện pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm cho những năm tới; đồng thời góp phần vào việc chuẩn bị tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới và chuẩn bị văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Khẳng định tính đúng đắn trong đường lối
Tổng Bí thư đánh giá cao công tác đối ngoại (CTĐN) trong ba năm qua đã được triển khai rất thành công theo đường lối đối ngoại Đại hội XII của Đảng, đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước.
Nổi bật là: CTĐN đã đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; CTĐN đã phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại. Hội nhập kinh tế tiếp tục tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước; CTĐN tiếp tục góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.
Quan hệ với các nước lớn tiếp tục được củng cố và thúc đẩy hài hòa; ta đã đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên mọi mặt, tiếp tục phát huy vai trò tích cực tại các thể chế khu vực và toàn cầu, trong đó nổi bật là tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN, đàm phán và tham gia các hiệp định thương mại tự do luôn được quan tâm, thúc đẩy. Đặc biệt ta đã tổ chức thành công năm APEC 2017, tranh thủ tốt vị trí nước chủ nhà, khẳng định được vai trò của Việt Nam trong việc xử lý những vấn đề quốc tế và khu vực.
Công tác bảo hộ công dân, ngư dân tiếp tục được quan tâm; công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện tốt; CTĐN Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai khá đồng bộ, chặt chẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tổng Bí thư cho rằng, những kết quả nêu trên khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại Đại hội XII của Đảng và các chủ trương liên quan đến CTĐN của Đảng. Có được các kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo chặt chẽ, thường xuyên của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước, sự vào cuộc và triển khai tích cực của tất cả các cấp, các địa phương, các ngành, nhất là ngành Ngoại giao.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, những kết quả trên có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung và cán bộ ngoại giao nói riêng, với tâm huyết, trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao, luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ, luôn đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia – dân tộc, luôn cháy bỏng khát khao cống hiến và phục vụ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những đóng góp to lớn, rất có ý nghĩa của đội ngũ cán bộ làm CTĐN nói chung và của ngành Ngoại giao nói riêng.
Tổng Bí thư cũng đề nghị ngành đối ngoại không tự mãn với những kết quả đã đạt được mà cần kiểm điểm kỹ, rút kinh nghiệm và đánh giá những hạn chế để khắc phục như tình trạng triển khai chậm các cam kết quốc tế, công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương có lúc còn thiếu chặt chẽ, công tác nghiên cứu chiến lược cần được tăng cường…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, sáng 13/8. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Những định hướng quan trọng
Tổng Bí thư nhấn mạnh để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của CTĐN từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội, ngành Ngoại giao phải bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết Trung ương, chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Ngoại giao để tiếp tục triển khai công tác đối ngoại.
Các chủ trương, đường lối và nhiệm vụ đối ngoại lớn mà Đại hội XII của Đảng đã thông qua là căn cứ và định hướng quan trọng để đẩy mạnh công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh 8 nhóm biện pháp mà ngành ngoại giao cần tập trung thúc đẩy trong thời gian tới, bao gồm: tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế; tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia dân tộc; chủ động tích cực tham gia đóng góp, xây dựng và định hình các cơ chế đa phương, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030; nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, an ninh – quốc phòng với các nước, tiếp tục đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu; tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước; và chất lượng dự báo chiến lược; nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương, nhất là giữa ngoại giao với quốc phòng – an ninh trong triển khai các hoạt động đối ngoại.
Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh cần tăng cường, chú trọng công tác xây dựng ngành, tập trung vào hai nhiệm vụ chính là sắp xếp tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ theo các nghị quyết liên quan gần đây của Trung ương và Bộ Chính trị.
Sau những phát biểu chỉ đạo mang tính định hướng lớn, chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị quán triệt các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, tập trung tâm huyết và trí tuệ để làm rõ những vấn đề còn tồn tại, phát huy những kết quả đã đạt được nhằm triển khai thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Tại phiên Khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã có bài phát biểu nhấn mạnh những thành tựu đối ngoại đã đạt được từ sau Hội nghị Ngoại giao 29, đánh giá cao sự phối hợp giữa ngành Ngoại giao với các “binh chủng” khác, tạo nên sức mạnh to lớn trên mặt trận đối ngoại thời gian qua.
Nhìn lại để hướng tới
Trước đó, trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (HNNG-30) diễn ra vào thời điểm rất quan trọng. Đây là dịp ngành Ngoại giao và đất nước kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XII của Đảng và hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Phó Thủ tướng cho rằng kể từ HNNG 29 năm 2016 đến nay, tình hình thế giới, khu vực có những chuyển động hết sức nhanh chóng, phức tạp và có những diễn biến mang tính bước ngoặt. Điểm sáng đáng mừng là kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tăng trưởng mới cao hơn, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn đi đầu về tăng trưởng và liên kết kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhân tố gây bất ổn, rủi ro như chủ nghĩa bảo hộ, chống toàn cầu hóa, xung đột thương mại, tác động không thuận đến đà phát triển của kinh tế thế giới và Việt Nam. Tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực cũng đang có nhiều biến động như sự điều chỉnh và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân túy, thực dụng gia tăng; sự vận động, đấu tranh giữa các trào lưu, xu thế cũ và mới diễn ra hết sức gay gắt; tình hình Biển Đông vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, thách thức an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Phó Thủ tướng đánh giá, ngành Ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XII của Đảng, kiên trì về nguyên tắc; kiên định về mục tiêu; chủ động, linh hoạt trong triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Với mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, ngành Ngoại giao đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại mà Đại hội XII của Đảng đề ra, đặc biệt là hai nhóm nhiệm vụ lớn mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao 29 là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Phó Thủ tướng cho rằng, những thành tựu đối ngoại đạt được trong những năm qua, trước hết, là do chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng về đối ngoại, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của các bộ, ban, ngành địa phương, sự quan tâm và đồng hành của người dân và doanh nghiệp đã tạo thành sức mạnh tổng hợp làm nên những thành tựu quan trọng trên mặt trận đối ngoại.
Hội nghị Ngoại giao 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” đã khai mạc tại Hà Nội sáng 13/8/2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự lễ khai mạc còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Đại Quang – Chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội, Trần Quốc Vượng – Thường trực Ban Bí thư, Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công An, Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trương Thị Mai – Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyễn Văn Nên – Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phan Đình Trạc – Trưởng ban Nội chính Trung ương, Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cùng các lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao; trên 500 đại biểu gồm gần 100 đồng chí là các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cán bộ chủ chốt từ các đơn vị của Bộ Ngoại giao và cán bộ làm công tác ngoại vụ 63 tỉnh thành cả nước.
Nguồn Baoquocte