BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng phải được thực hiện nghiêm túc, đúng thực chất

Cập nhật ngày: 18/03/2016 - 04:21

Với mục đích phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng; ngăn ngừa, kiềm chế và từng bước đẩy lùi tham nhũng; loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng; xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và các văn bản quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh…

Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra và các cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Người đứng đầu cơ quan thanh tra và các cơ quan liên quan tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm trước cấp uỷ cùng cấp về những vấn đề tồn tại, dư luận bức xúc liên quan đến công tác thanh tra, phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Cơ quan chức năng, người có thẩm quyền phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện theo các nguyên tắc: tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; khởi tố, điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ tham mưu cho cấp uỷ, tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Trước mắt, cấp uỷ, tổ chức Đảng các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thanh tra viên góp phần nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.

Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện tốt công tác giám sát việc phát hiện, xử lý tham nhũng nói chung, nhất là đối với các cơ quan, đơn vị chức năng có nhiệm vụ trực tiếp thực hiện công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -  xã hội, cơ quan thông tin tuyên truyền trong phát hiện tham nhũng. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phát hiện các hành vi tham nhũng.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên và nhân dân, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện sát với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

ĐHM