Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Công tác quản lý ngân sách nhà nước chuyển biến theo hướng tích cực
Thứ tư: 07:43 ngày 27/05/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 27.5, thảo luận quyết toán NSNN năm 2007, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về một niên độ ngân sách sát thực tế hơn, công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước chuyển biến theo hướng tích cực mà nhờ đó, thu chi NSNN năm 2007 đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các đại biểu thảo luận tại cuộc họp tổ

Chiều 27.5, thảo luận quyết toán NSNN năm 2007, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về một niên độ ngân sách sát thực tế hơn, công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước chuyển biến theo hướng tích cực mà nhờ đó, thu chi NSNN năm 2007 đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập liên quan đến cả vấn đề cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện thu – chi ngân sách. Đó là chất lượng công tác dự toán thu, tính khoa học, hợp lý trong dự báo kinh tế - căn cứ để có được dự toán NS sát thực tế, công tác chuyển nguồn, biên độ ngân sách trong 2 năm liền kề, dự toán chi và tính toán bội chi, sự cần thiết rõ ràng, minh bạch trong sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước (NSNN), quy định liên quan đến công bố NSNN,… Trong đó, hai vấn đề là năng lực dự toán và nguồn thu từ khối doanh nghiệp Nhà nước được đa số các ý kiến cho rằng cần tập trung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn cả.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (tỉnh Thái Nguyên) nhận xét, 2007 tiếp tục là một năm thành công của công tác thu NSNN với hầu hết các nguồn thu đều vượt dự toán. Tuy nhiên, điều đáng nói là riêng khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ đạt 93% trong khi đó nguồn thu chung từ sản xuất kinh doanh, từ khối DN ngoài quốc doanh đều vượt. Ông Hùng kiến nghị Nhà nước cần xem xét thêm trong công tác điều hành, phát triển khối DNNN.

Ý kiến này nhận được nhiều đồng tình từ các đại biểu khi cho rằng, trong điều kiện hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, liên tục phải điều chỉnh giảm thuế theo các cam kết hội nhập, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu nhằm góp phần ổn định giá trong nước, chống lạm phát... thì yêu cầu cải thiện hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của khối DNNN – vốn có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cần phải được thực hiện triệt để hơn.

Tương tự, vấn đề dự toán thu NS được nhiều đại biểu nhận định cũng là khâu cần có sự cải cách, thực hiện một cách khoa học, sát thực tế và báo cáo quyết toán sau này hơn. Đại biểu Bùi Thị Hòa (Đắk Nông) cho rằng, qua dự thảo báo cáo quyết toán NSNN 2007 có thể thấy rõ một thực trạng là ở cấp địa phương có sự hạn chế rất lớn về công tác xây dựng dự báo, dẫn tới khó khăn khi tổng hợp dự toán cả nước. Mặt khác, ở địa phương hiện nay quy định thời kỳ ổn định ngân sách mới chỉ 3 – 4 năm là ngắn, không tạo “tầm nhìn” thuận lợi cho công tác dự toán NS hàng năm.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) bổ sung: trường hợp thường thấy mà chậm được khắc phục là NS địa phương kết dư trong khi NSTW nhiều khi thiếu hụt, phải đi vay. Dự toán chi của một số bộ, ngành, địa phương và đơn vị được lập thiếu căn cứ, chưa sát thực tế, chưa phù hợp với khả năng thực hiện nên tiến độ thực hiện chậm là nguyên nhân của tình trạng này...

Kết thúc chương trình thảo luận trước khi Quốc hội xem xét thông qua quyết toán NSNN năm 2007, nhiều đại biểu cũng góp ý về cân đối chi một số lĩnh vực như chi thường xuyên sự nghiệp văn hóa, y tế, khoa học công nghệ, cải tiến thủ tục đối với duyệt và phân bổ chi một số nguồn bổ sung thường triển khai vào giữa và cuối năm,…

Trước đó, Quốc hội đã kết thúc chương trình thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008, phương hướng nhiệm vụ năm 2009. Các ý kiến thảo luận trong sáng nay tập trung vào các vấn đề thời sự của tình hình hiện nay như việc xác lập, sử dụng gói kích cầu kinh tế, vấn đề rà soát các nguồn lực triển khai chủ trương "tam nông", đảm bảo việc làm, bố trí vốn đầu tư phát triển, triển khai các dự án đầu tư, các đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục đào tạo, giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,…

(Theo chinhphu.vn)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục