BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công ty cơ khí Tây Ninh: Vẫn còn vướng mắc trong quá trình cổ phần hoá

Cập nhật ngày: 16/04/2009 - 11:15

PHƯƠNG ÁN CỔ PHẦN HOÁ CHƯA PHÙ HỢP

Nhà xưởng Công ty đang nằm trong khu dân cư đông đúc

Ở Tây Ninh từ trước đến nay các doanh nghiệp CPH theo hình thức Nhà nước nắm giữ 51% vốn CP chỉ bán ra 49% trong tổng vốn, hoặc CPH 100% vốn Nhà nước đã được xác định. Như vậy, sau khi CPH thì tổng nguồn vốn vẫn không gia tăng. Riêng Công ty Cơ khí đã mạnh dạn đề xuất CPH phương án mới là tổng giá trị tài sản hiện có được xác định là 51% phần vốn của Nhà nước. Công ty tăng vốn bằng cách phát hành thêm 49% bằng hình thức bán cổ phiếu. Nếu thực hiện được phương án này, vốn của Công ty Cơ khí sẽ tăng gần gấp đôi. Cụ thể, giá trị tài sản của Công ty được xác định là hơn 9 tỷ đồng, được tính là 51% vốn của Nhà nước, Công ty phát hành thêm 49% CP, khoảng gần 9 tỷ đồng nữa. Như thế vốn điều lệ của Công ty Cơ khí sau khi CPH sẽ tăng hơn 18 tỷ đồng. Khi tiến hành CPH, Công ty Cơ khí Tây Ninh ký hợp đồng với Công ty Chứng khoán Thăng Long- Chi nhánh TP.HCM tổ chức bán đấu giá CP. Thế nhưng sau 2 lần thông báo đấu giá thì vẫn chưa có nhà đầu tư nào đăng ký mua CP, bởi vì phương án CPH này quá mới đối với Tây Ninh, chưa tạo được sự tin tưởng ở các nhà đầu tư.

Nhận thấy những hạn chế này, cuối tháng 7.2007 Công ty Cơ khí Tây Ninh có văn bản gửi UBND tỉnh xin chủ trương điều chỉnh phương án CPH doanh nghiệp. Sau khi nghiên cứu các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến CPH doanh nghiệp, Công ty Cơ khí đề xuất xây dựng lại phương án CPH với hình thức bán toàn bộ vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp (Nhà nước không giữ 51% vốn chi phối), đồng thời sẽ không bán CP thêm ngoài tổng giá trị tài sản đã được xác định. Đầu tháng 10.2007, Sở Tài chính có văn bản đề xuất UBND tỉnh cho bán 70% vốn Nhà nước tại Công ty Cơ khí và được UBND tỉnh đồng ý tại Công văn số 2692/UBND-KTTH ngày 19.10.2007.

TIẾP TỤC GẶP VƯỚNG MẮC

Mặc dù đã được UBND tỉnh đồng ý cho điều chỉnh phương án CPH từ cuối năm 2007, nhưng đến nay Công ty Cơ khí Tây Ninh vẫn chưa tiến hành CPH được. Nguyên nhân là vì phương án điều chỉnh vẫn chưa được lập hoàn chỉnh. Ông Nguyễn Xuân Rạng- Giám đốc Công ty cho biết, có nhiều lý do khiến phương án điều chỉnh CPH Công ty chưa lập hoàn chỉnh. Giai đoạn đầu là do các ngành liên quan chậm hướng dẫn việc xác định lại giá trị doanh nghiệp. Còn hiện nay tiếp tục có khó khăn là do có thông tin Công ty sẽ phải di dời đi nơi khác.

Chi phí di dời và lắp đặt lại những thiết bị là rất đáng kể

Công ty Cơ khí Tây Ninh thành lập từ những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Công ty được quy hoạch xây dựng nhà xưởng tại khu vực Mũi Tàu đường 30.4. Lúc đó khu vực này còn rất hoang vu, trống vắng. Tuy nhiên, đến nay tại vị trí mà Công ty đang hoạt động đã trở thành phố thị sầm uất, dân cư đông đúc nên không còn phù hợp cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp cơ khí nữa. Hơn nữa, giá trị đất khu vực này được nâng cao, đồng nghĩa với tiền thuê đất cũng được nâng cao làm tăng chi phí rất lớn đối với Công ty. Từ đó dẫn đến việc Công ty sớm muộn gì cũng phải di dời đi nơi khác phù hợp hơn. Chuyện di dời Công ty Cơ khi là hoàn toàn hợp lý, nhưng sẽ phải tốn kém thêm phần kinh phí không nhỏ. Nếu phương án được lập với giá trị tài sản được xác định như hiện nay thì sau này những cổ đông mua CP của Công ty sẽ phải chịu thêm phần chi phí di dời nếu muốn bảo tồn vốn. Còn nếu cổ đông không bỏ thêm chi phí di dời, buộc Công ty phải lấy vốn hiện có để chi phí cho việc di dời, lúc đó vốn Công ty bị hụt đi và cổ đông tự nhiên mất đi một phần vốn của mình. Đây chính là điều vướng mắc mà Ban giám đốc Công ty Cơ khí đang hết sức băn khoăn.

Làm thế nào giải quyết khó khăn này? Theo Ban giám đốc Công ty Cơ khí Tây Ninh thì trước tiên là phải xác định thời điểm Công ty di dời, vị trí mới mà Công ty sẽ di dời đến. Lúc đó mới xác định được chi phí di dời mất khoảng bao nhiêu. Còn về khoản chi phí di dời, nếu trích từ nguồn vốn của Công ty thì khi xác định lại giá trị tài sản để bán CP thì phải trừ ra khoản này để nhà đầu tư yên tâm là không phải chịu thêm phần chi phí di dời. Còn nếu vẫn giữ nguyên giá trị tài sản như trước đã xác định thì nhất thiết phải có nguồn hỗ trợ của ngân sách đối với khoản chi phí di dời.

SƠN TRẦN