BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi TN: Nhờ “Dân vận khéo” mà hiệu quả tưới tiêu ngày càng nâng cao

Cập nhật ngày: 14/10/2010 - 06:25

Lãnh đạo Công ty khảo sát thực tế và tiếp cận nông dân

Ông Lê Thành Công là người gắn bó với công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng từ khi xây dựng đến khi đưa vào vận hành. Trước kia, là một cán bộ Đoàn, ông Công từng là người chỉ huy công trường xây dựng thuỷ lợi và sau đó là lãnh đạo đơn vị quản lý thuỷ nông cấp huyện. Sau một thời gian làm việc đạt hiệu quả cao, ông được tỉnh điều động về làm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh.

Sau khi Nhà nước có chính sách miễn thu thuỷ lợi phí từ năm 2008, Giám đốc Lê Thành Công hết sức chú trọng đến công tác “dân vận khéo” và chỉ đạo cán bộ, nhân viên Công ty tiếp cận và vận động nông dân trong vùng tham gia vào công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Từ đó các nhân viên Công ty tạo được sự gần gũi mật thiết với nông dân, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau, kịp thời giải quyết các vướng mắc khó khăn trong quá trình tưới tiêu. Biện pháp để vận động nông dân tham gia quản lý là đẩy mạnh công tác xây dựng các tổ chức hợp tác dùng nước và tích cực hỗ trợ các tổ chức này nâng cao chất lượng hoạt động. Từ năm 2009 đến nay, Công ty đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương xây dựng được 22 hợp tác xã thuỷ lợi điểm ở huyện Trảng Bàng và Châu Thành, đồng thời củng cố hơn 300 tổ thuỷ nông ở các địa phương còn lại. Song song đó, Giám đốc Công ty chỉ đạo các xí nghiệp thuỷ nông cấp huyện duy trì họp giao ban hằng tuần giữa xí nghiệp và các tổ hợp tác dùng nước, cùng bàn bạc các giải pháp giải quyết các khó khăn trong công tác thuỷ nông. Nhờ vậy ở các huyện, thị các xí nghiệp thuỷ nông luôn kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong quá trình tưới, giải quyết nhanh những ý kiến đề xuất, tâm tư nguyện vọng của nông dân đối với công tác thuỷ lợi. Diện tích hợp đồng tưới tiêu ngày càng được khai thác triệt để: năm 2009 tổng diện tích ký hợp đồng tưới tiêu là 74.283,48 ha; năm 2010 tăng lên 77.855 ha. Thông qua các tổ hợp tác, Công ty đã vận động được nông dân tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác sửa chữa, duy tu bảo dưỡng công trình, bảo đảm toàn bộ hệ thống kênh luôn thông thoáng, khắc phục kịp thời những sự cố làm ảnh hưởng đến sản xuất của dân.

Ông Lê Thành Công

Đi đôi với việc vận động nông dân tham gia công tác tưới tiêu, hai năm qua Giám đốc Lê Thành Công và Công ty luôn sát cánh, phối hợp chính quyền địa phương xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ công trình thuỷ lợi”. Nhờ vậy tình trạng mất mát thiết bị cơ khí và xâm hại công trình đã giảm hẳn so với trước đây. Nhằm từng bước hiện đại hoá công tác thuỷ lợi, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước đa dạng, giúp nông dân rút ngắn thời gian dẫn nước tưới, từ năm 2009, Giám đốc Công ty phát động mạnh phong trào thi đua “xây dựng các tuyến kênh mẫu và các khu tưới điểm”. Phong trào này được sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền địa phương và đa số nông dân, trong hai năm 2009, 2010 đã thực hiện xây dựng được 48 tuyến kênh mẫu, 2 khu tưới mẫu, 7 khu tưới điểm với diện tích tưới trên 5.000 ha.

Từ thực tế thực hiện các phong trào vận động nông dân theo phương pháp “Dân vận khéo”, ông Lê Thành Công đã đúc kết được kinh nghiệm: Để thực hiện tốt công việc liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, trước hết cần phải thực lòng quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của dân; đồng thời phải có biện pháp vận động, thuyết phục người dân tự giác tham gia vào công việc quản lý nhằm tạo được cộng đồng trách nhiệm và tăng cường lòng tin, sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau. Đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động trong Công ty phải nghiêm túc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có thái độ tận tuỵ trong công việc, gương mẫu trong lối sống, biết tôn trọng quần chúng. Ông Công nói: “Hình ảnh người công nhân thuỷ nông hằng ngày cần mẫn phát cỏ, vớt rong ở các dòng kênh nhất định sẽ tạo được thiện cảm và lòng tin của người dân. Trong công tác và trong tiếp xúc với người dân “nói phải đi đôi với làm”, không hứa suông mà phải có biện pháp thiết thực góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của bà con. Trong hoạt động thường xuyên phải công khai các thông tin kịp thời đến với dân.Việc gì khó, không giải quyết được phải nói rõ với dân để bà con hiểu và thông cảm, khi có mâu thuẫn về lợi ích trong dân, cần cùng dân thảo luận, phân tích để tìm ra giải pháp hợp tình, hợp lý, đáp ứng quyền lợi của số đông, nhưng phải có cách hạn chế tối đa thiệt thòi của thiểu số còn lại”.

Sơn Trần

 

 

 


 
Liên kết hữu ích