BAOTAYNINH.VN trên Google News

GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG, KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ EM:

Cốt yếu vẫn là gia đình

Cập nhật ngày: 10/06/2019 - 14:49

BTN - Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng chưa bao giờ trẻ em sống trong một môi trường bất an như hiện nay. Bạo lực học đường, trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, tai nạn thương tích ở trẻ em... xảy ra phổ biến, nhiều người lo lắng, đi tìm nguyên nhân và lời giải đáp.

Có người dồn trách nhiệm cho ngành Giáo dục. Nhiều người coi giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống như là một giải pháp, một con đường, một phương tiện để giải quyết thực tại. Nhưng cần khẳng định một điều, nhà trường sẽ không làm được và không bao giờ thành công nếu như không có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ, đồng bộ giữa gia đình và xã hội. Cần nhìn nhận và khẳng định, gia đình có vai trò, trách nhiệm rất lớn trong việc giáo dục toàn diện đối với trẻ em- trong đó có đạo đức, lối sống, kỹ năng sống.

Lý luận giáo dục đã khẳng định thế “chân kiềng” của lực lượng giáo dục: nhà trường - gia đình - xã hội, trong đó gia đình có vai trò rất lớn. Cần phải hiểu rằng trước hết và cốt yếu là giáo dục của gia đình chứ không thể “phó thác và đổ lỗi” cho giáo dục và xã hội. So với nhà trường và xã hội, gia đình có nhiều ưu thế và thuận lợi hơn trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ.

Ngay từ khi trẻ em được sinh ra, người thầy, nhà trường vẫn rất lạ lẫm, nhưng cha mẹ thì lúc nào cũng ở bên trẻ. Lời nói, cử chỉ, hành vi của cha mẹ và những người thân đã ảnh hưởng đến trẻ. Trước khi đến trường, tiếp xúc với thầy (cô) giáo thì cha mẹ là những “giáo viên” đầu tiên trong đời của các em. Gia đình ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và hình thành thói quen của trẻ em.

Thời gian trẻ em sống, tiếp xúc, sinh hoạt... với cha mẹ, người thân nhiều hơn ở nhà trường và ngoài xã hội. Bởi thế hơn ai hết, cha mẹ là người hiểu biết thấu đáo về sức khoẻ, sinh lý, tâm lý, nhu cầu về vất chất, tinh thần... của con cái mình. Không ai hiểu biết, yêu thương, kỳ vọng... đối với con cái bằng cha mẹ. Cha mẹ, gia đình có “vũ khí” mà nhà trường và xã hội không có được, đó là sự chăm lo về vật chất, chu cấp hoặc không chu cấp phương tiện, tiền bạc... để con cái thực hiện một việc nào đó và nâng đỡ tinh thần khi con gặp “sự cố” về tư tưởng, tâm lý, tình cảm.

Chính gia đình mới có điều kiện theo con từ khi bú mớm cho đến khi trưởng thành, dạy dỗ con từ những việc làm, hành vi, thói quen... nhỏ nhất đến những việc lớn, những kỹ năng phức tạp phù hợp với sức khoẻ, tâm sinh lý, điều kiện kinh tế, gia phong và truyền thống. Nếu cha mẹ không giáo dục con bằng tình yêu thương, cách ứng xử văn hoá, khoa học và nhân văn thì trẻ em sẽ hư hỏng hoặc phát triển lệch lạc, không được như mong muốn. Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em đòi hỏi công phu và khoa học.  

Có ý kiến cho rằng hiện nay chúng ta đang để “vuột mất” những đứa trẻ bởi gia đình bận rộn, thường khoán trắng cho nhà trường. Nhà trường lại lo lắng với những cải cách để tăng kiến thức, để đỗ đạt, có thành tích nhiều hơn là hướng dẫn trẻ em cư xử theo chuẩn mực cuộc sống. Còn xã hội với những hoạt động “lệch chuẩn” đang làm cho trẻ em bối rối, mất phương hướng. Khoảng cách giữa trẻ em với bố mẹ, anh chị, thầy cô, giữa các tổ chức xã hội ngày càng xa dần. Cần dũng cảm thừa nhận sự thật để có sự thay đổi, có giải pháp đúng đắn trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho giới trẻ, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình.

Cha mẹ cần phải hiểu rằng tiền bạc, chức tước, quyền lực... tuy quan trọng nhưng con cái mới là số một. Cha mẹ phải là chỗ dựa tin cậy cho cả cuộc đời con. Muốn thế, cha mẹ phải “dạy con từ thuở còn thơ”. Trong giáo dục gia đình những năm gần đây, người ta nhấn mạnh cha mẹ khi dạy con nên kiềm chế sự nóng giận, không nên la mắng trẻ. Cần quan sát con cái để điều chỉnh bản thân.

Phải làm gương cho con cái tức là giáo dục thông qua hành động. Trong giáo dục, khoa học đã đúc kết: Kiến thức thì ở trong não và cần phải giỏi; Kỹ năng phải qua hành động và phải khéo; Thái độ thì ở trong tim và cần phải tốt. Muốn giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho trẻ em phải thông qua hành động. Phải giao việc cho con từ việc nhỏ như vệ sinh thân thể, gấp quần áo, soạn sách vở... đến các việc lớn như lau chùi nhà cửa, nấu ăn, đi mua sắm các vật dụng cần thiết.

Phải cho con đối diện với khó khăn, thách thức thì tâm hồn con mới mạnh mẽ, hoài bão mới được hình thành, thành công mới được gặt hái. Cũng cần tập cho con làm quen với thất bại bởi thất bại chưa phải là cái gì ghê gớm lắm, không phải là dấu chấm hết mà qua thất bại, con sẽ chín chắn hơn, quyết tâm hơn, bản lĩnh hơn. Con trai bạn tôi đã từng thi trượt vào lớp chuyên Toán, chỉ đủ điểm vào lớp nguồn.

Gia đình đã giúp cháu lấy lại tinh thần và quyết tâm học tập. Kết thúc lớp 10, cháu đạt kết quả xuất sắc, được thi chuyển qua chuyên Toán lớp 11. Khi thi đại học, cháu đạt 27,75 điểm và nay đã trở thành một thầy giáo dạy Toán có bản lĩnh. Cha mẹ luôn giữ mối quan hệ tốt với các hành viên trong gia đình, tạo không khí hoà thuận, yêu thương, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Không khí gia đình tạo cho trẻ môi trường rèn luyện và học tập tốt. Muốn thế, cả cha và mẹ cùng tham gia và nhất quán trong việc giáo dục con, biết lắng nghe con, chia sẻ cùng con. Khi cha mẹ mắc lỗi lầm cần dũng cảm nhận lỗi để rèn luyện tính trung thực, dũng cảm cho con.

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình hạnh phúc, xã hội sẽ yên bình, phồn vinh, thịnh vượng. Các bậc cha mẹ hãy hiểu, thấm nhuần và gánh lấy trọng trách này bởi “Cha mẹ là người thầy vĩ đại nhất của con” (tục ngữ Tây Ban Nha). Khi có nền tảng tốt từ gia đình, nhà trường sẽ gánh lấy trọng trách của mình để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt, cán bộ tốt phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

DIỆU MAI