BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viết ngắn

Củ nần- món ngon một thời

Cập nhật ngày: 03/11/2018 - 17:32

BTN - Củ nần là củ của một loại dây rừng, thường mọc hoang dại trong rừng, những triền đất cặp sông suối. Nói chung loại dây này mọc trên gò đất cao khô ráo, không ưa đất quá ẩm, thấp. Củ nần được xếp vào loại củ độc. Tuy nhiên, nếu chế biến đúng cách thì thành một loại thức ăn.

Sau những năm tháng mưu sinh nơi đô thị, một lần về thăm quê, ngang qua ngôi nhà tranh, vách đất vào lúc buổi chiều tà buông xuống, tôi tình cờ bắt gặp cảnh một gia đình vợ, chồng và các con nhỏ quây quần ngồi ăn cơm trên chiếc bàn tre trước sân nhà. Trong lòng tôi trỗi dậy ký ức tuổi thơ mà đến bây giờ không thể nào quên, thậm chí đó còn là hành trang, là nghị lực giúp tôi bước vững vào đời.

 

Hồi ấy, cha mẹ tôi là dân di cư theo chính sách Nhà nước kêu gọi về lập nghiệp, phát rừng làm nương rẫy, phát triển kinh tế. Cha mẹ tôi từ một huyện miền biển của tỉnh Bến Tre ngược xuôi lên vùng biên giới của tỉnh Tây Ninh làm kinh tế, được Nhà nước cấp đất nương rẫy trồng lúa, trồng bắp, bầu bí tuỳ vào mùa nắng hay mưa.

Ngày ấy, theo lời cha mẹ kể lại, đất nước mới vừa độc lập, kinh tế nước nhà còn nghèo nàn, lạc hậu. Nhìn chung, nhà nhà, người người đều nghèo, đều khổ. Hầu hết các gia đình sống bằng nghề nông, người trồng lúa ở những vạt ruộng có nước, người trồng bắp, lúa rẫy trên những vạt đất đồi cao hơn. Ðược xem là giàu, khá giả hơn những nhà khác chính là những nhà có máy cày, máy xay lúa hoặc là một tiệm tạp hoá nho nhỏ.

Nhà tôi lúc ấy cũng không khác những nhà ở trong xóm nghèo của xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành. Phải nói là nghèo, mà nếu nói cho đúng hơn là rất nghèo. Cha mẹ cùng trồng lúa trên thửa đất Nhà nước cấp cho khoảng năm công, mùa mưa trồng lúa nước, mùa nắng để đất trống chứ không phải như bây giờ có thể trồng đậu hoặc hoa màu. Bởi vì khi ấy làm gì có hệ thống thuỷ lợi cấp nước mà sản xuất vào mùa nắng?

Cả nhà tôi có năm người. Tôi là con út trong gia đình. Cuộc sống cả nhà tất cả trông chờ vào vụ thu hoạch lúa. Nếu lúa trúng mùa có đủ gạo ăn suốt năm, nếu thất mùa thì sẽ phải ăn cháo, ăn bắp, khoai hoặc cơm độn. Những lúc không sản xuất trồng trỉa gì, cha mẹ phải đi làm thuê những công việc khác kiếm sống. Cha lúc vào rừng cưa xẻ gỗ thuê, lúc giăng câu, tát ao bắt cá đem bán đổi gạo.

Mẹ tôi ngoài việc trông con còn làm thêm nghề uốn tóc dạo trong xã. Thương lắm! Có những lúc mẹ phải đi bộ gần chục cây số, đôi lúc còn phải ẵm tôi theo vì tôi hay khóc nhè. Mà nghề uốn tóc dạo cực khổ trăm lần so với bây giờ. Ðây là nghề di động, làm trong xóm riết rồi cũng hết người có nhu cầu, mẹ phải sang xóm khác.

Mà xóm này cách xóm khác ít nhất cũng năm, sáu cây số, có khi phải đến tận những xóm cách gần chục cây số. Thời đó không có xe máy như bây giờ, thậm chí xe đạp còn không có, cách duy nhất là đi bộ. Cha cũng đi rừng làm thuê cho người ta, giở cơm đi từ sáng sớm. Thường thì tới khi trời tắt nắng cha mẹ mới về đến nhà.

Do cha mẹ đều đi làm, ở nhà chỉ còn có chị hai và anh ba của tôi. Người mười hai tuổi, người mới lên chín nhưng đã phải tự thổi lửa nấu cơm ăn. Phải nói, hoàn cảnh tạo nên cách sống con người. Ở độ tuổi đó, không có cha mẹ ở nhà nên chị em tự lo cho nhau như thế. Thời ấy, gia đình vui vẻ nhất là lúc cha mẹ về nhà sớm cùng ngồi ăn chung với các con. Các con vui nhưng cha mẹ lại buồn trong lòng. Cha về sớm tức là tiền công ngày đó ít hơn, mẹ về sớm có nghĩa ngày đó không có nhiều người uốn, cắt tóc.

Cuộc sống cứ thế ngày lại ngày trôi qua. Bữa ăn hằng ngày, tôi còn nhớ rõ chỉ mớ rau dại luộc, con cá, con tép bắt dưới mương, ao khi mùa mưa, còn mùa khô thì lá giang kho quẹt muối hột, thi thoảng được ăn một ít mắm ruốc kho xả, ngon lắm là được con cá hấp. Cá này là cá biển hấp người ta ướp muối rất mặn, đựng trong nồi giống nồi hấp bánh bao, cứ thế bán cả tháng trời mà không hư.

Canh thường dùng nước cơm chắt làm canh hoặc canh chua. Cơm nếu vào mùa làm được lúa, có lúa xay, có gạo nấu cơm ăn, còn trái mùa hay mùa lúa thất không có đủ gạo ăn thì phải thường xuyên ăn cơm độn; lúc thì khoai mì, khi thì khoai lang, có những lúc không có khoai mì, khoai lang thì phải độn củ nần.

Củ nần là củ của một loại dây rừng, thường mọc hoang dại trong rừng, những triền đất cặp sông suối. Nói chung loại dây này mọc trên gò đất cao khô ráo, không ưa đất quá ẩm, thấp. Củ nần được xếp vào loại củ độc. Tuy nhiên, nếu chế biến đúng cách thì thành một loại thức ăn. Ðây cũng từng là thức ăn cứu đói của cư dân nghèo, chiến sĩ, bộ đội ở vùng sâu, vùng biên giới trong thời chiến tranh ác liệt.

Trong thời kỳ đất nước mới độc lập, kinh tế xã hội khó khăn, củ nần đã cứu đói biết bao người dân nghèo. Những ai đã từng được củ nần cứu đói thì chắc hẳn sẽ không bao giờ quên loại củ độc mà rất ơn nghĩa này. Nhắc đến chuyện củ nần, lòng tôi chợt bùi ngùi nhớ lại câu ca dao xưa: Tháng ba củ sắn, củ nần/Cái bụng bào bọt, bần thần đôi chân.

Ðể củ nần có thể ăn được, mẹ tôi phải loại bỏ hết các chất độc hại trong củ bằng cách cạo bỏ vỏ, xắt thành những lát mỏng, bỏ vào bao ngâm với nước sạch năm, sáu  lần. Mỗi lần ngâm gần một ngày, sau đó vớt ra để ráo, đem phơi nắng. Khi những lát củ nần khô, mẹ bỏ vào lu, hũ để dành, mỗi lần nấu cơm, đem trộn nần khô nấu cùng.

Ðến bây giờ, đã qua bao thời gian, ký ức về ăn cơm độn với củ nần trong tôi còn rõ, mùi vị của củ nần trộn lẫn cơm không hề quên. Mà làm sao có thể quên được, vì nó một thời đã giúp gia đình tôi vượt qua cái đói để sống và có cuộc sống như ngày hôm nay.

Trở lại cảnh gia đình nghèo cùng đàn trẻ thơ quây quần bên bữa cơm chiều, tôi bỗng nao nao, cảm giác khung cảnh ấy, gia đình ấy như chính gia đình mình năm xưa. Tôi thèm một bữa cơm như thế! Thèm cả món củ nần độn cơm nữa...      

Nguyễn Hữu Dư