Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thông qua Mặt trận Tổ quốc VN, cử tri mong muốn Quốc hội xem xét kỹ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước khi quyết định thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư.
Ngay trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII sáng 20.5, dự kiến Chủ tịch Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm sẽ trình bày bản kiến nghị này của cử tri cả nước với Quốc hội.
Một trong những vấn đề được dân quan tâm là dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nhiều vấn đề được đặt ra như sự cần thiết đầu tư dự án, giải pháp công nghệ, nguồn vốn đầu tư, di dân tái định cư, tác động đến môi trường tự nhiên…
Người dân đề nghị Quốc hội thảo luận, xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án này.
Liên quan đến đồ án quy hoạch Thủ đô, cử tri mong Quốc hội, Chính phủ lắng nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhà văn hoá, chuyên gia trong và ngoài nước.
Cử tri cho rằng nhiều dự án, nhiều công trình trọng điểm quốc gia triển khai còn chậm, việc đầu tư chưa đồng bộ. Cử tri cũng rất bức xúc về tình trạng đào bới lòng đường, vỉa hè thường xuyên, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, lãng phí tiền của Nhà nước.
Cho thuê đất rừng phải được giám sát
Cử tri cả nước cũng đề xuất Quốc hội tăng cường giám sát chuyện các tỉnh biên giới cho nước ngoài thuê đất trồng rừng.
Theo phản ánh của người dân, nhiều tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Dương… cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn, trong đó có cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tại các vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng để trồng cây công nghiệp, làm sân gôn, sòng bạc.
Trong khi đó, dân ở những nơi này còn thiếu đất sản xuất và công ăn việc làm.
Người dân hoan nghênh Chính phủ đã kịp thời ra quyết định đình chỉ nhưng tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể vi phạm, sớm có giải pháp khắc phục.
Một vấn đề khác cũng được quan tâm là việc buông lỏng trong quản lý khai thác khoáng sản dẫn đến việc vi phạm pháp luật, tiêu cực trong quản lý, khai thác khoáng sản còn diễn ra kéo dài ở nhiều nơi.
Dân bất bình về việc không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật, xả chất thải trực tiếp ra môi trường, làm môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân, gần đây nhất là vụ công ty Cổ phần công nghiệp Tung Kuang tại Hải Dương; Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi…
Đông đảo cử tri kiến nghị Chính phủ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, về khai thác tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ rừng.
Dân phàn nàn tăng lương không theo kịp tăng giá
Một vấn đề khác cũng được đông đảo cử tri quan tâm là tình trạng tăng giá đầu năm nay.
Mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp tích cực nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nền kinh tế nước ta còn có những diễn biến phức tạp.
Việc kiểm soát giá cả thị trường, ngăn chặn tình trạng tăng giá dây chuyền các mặt hàng thiết yếu của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế; giá điện, giá xăng dầu liên tục tăng, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, nhất là nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp.
Người dân cho rằng tiến độ và lộ trình cải cách tiền lương không theo kịp với tốc độ tăng giá trên thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của người về hưu, người hưởng lương từ ngân sách.
Nhiều cử tri khối các doanh nghiệp, nhất là
doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ánh họ đã gặp khó khăn trong việc vay vốn của
ngân hàng, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Dân mong Chính phủ tiếp tục có biện pháp hữu hiệu kiềm chế lạm phát, bình ổn
giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân
dân, đồng thời chỉ đạo ngành ngân hàng có cơ chế phù hợp để nhiều doanh
nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn phát triển sản
xuất, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.
Nhân dân và cử tri nhiều nơi rất bức xúc trước việc ngư dân đánh bắt cá xa bờ trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước ta bị tàu nước ngoài bắt giữ, xử phạt và thu giữ công cụ đánh bắt đang có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhiều ngư dân. Dân mong Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ, hỗ trợ ngư dân ra khơi đánh bắt cá, vừa ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc. |
(Theo Vietnamnet)