Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cử tri quan tâm vấn đề sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy
Thứ ba: 03:30 ngày 03/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trung ương đặt ra và quyết tâm thực hiện để giải quyết những bất cập, bất hợp lý của tổ chức, bộ máy, để tinh gọn, tiết giảm chi phí, tăng hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và sự cạnh tra

Chiều 2.12, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri là các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, các dân tộc - tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Dự buổi tiếp xúc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái và các vị đại biểu: Nguyễn Mạnh Tiến, Hoàng Thị Thanh Thuý, Huỳnh Thanh Phương, Trần Hữu Hậu. 

Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận ý kiến cử tri.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thanh Thuý thông tin tới cử tri kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV và kết quả trả lời các phản ánh, kiến nghị của cử tri được tại các kỳ tiếp xúc trước. 

Cử tri đánh giá cao sự đổi mới trong công tác tổ chức và chất lượng kỳ họp của Quốc hội. Với số lượng ngày làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV lên tới 29,5 ngày, khối lượng công việc đồ sộ, cử tri đánh giá cao tinh thần làm việc và cảm ơn sự nỗ lực rất lớn của từng vị đại biểu, xứng đáng với sự gửi gắm niềm tin của cử tri.  

Cử tri Nguyễn Thế Tân (Đoàn Luật sư Tây Ninh) đề nghị ĐBQH giải thích rõ vấn đề bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, “không cầu toàn” trong công tác lập pháp; điểm nghẽn trong thể chế, pháp luật là gì và vì sao công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy lại được Quốc hội xác định là then chốt của then chốt trong đổi mới, nâng cao hoạt động của Quốc hội?

Ba vấn đề cử tri nêu trên được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH Phạm Hùng Thái trả lời tại hội nghị. Ông Phạm Hùng Thái cho biết, thực tiễn cuộc sống luôn luôn vận động, phát triển không ngừng; pháp luật được xây dựng căn cứ thực tiễn cuộc sống, trở thành công cụ để xác định và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

Tuy nhiên, có những vấn đề thực tiễn phát triển quá nhanh mà pháp luật không theo kịp hoặc không bao trùm được; chất lượng pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, một số Luật ban hành xong lại phải sửa đổi hoặc thiếu đồng bộ giữa các luật, các văn bản dưới luật chồng chéo, mâu thuẫn nhau, chậm đổi mới… Trong khi đó, hành lang pháp lý đòi hỏi phải công khai, minh bạch, tạo động lực, thu hút nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đây chính là “điểm nghẽn” trong xây dựng thể chế, pháp luật. Những tồn tại nêu trên cũng đã được Chính phủ, Quốc hội nhận thấy, từng bước khắc phục. Trong các kỳ họp gần đây, Quốc hội đều chỉ đạo tập trung rà soát toàn bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện những vấn đề còn chồng chéo, bất cập. 

Cử tri Nguyễn Thế Tân phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri.

Đối với vấn đề “không cầu toàn” trong công tác lập pháp, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái cho biết, luật là phải chặt chẽ, chính xác, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, khả thi, hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề “không cầu toàn” được hiểu là có sự cải cách trong quy định trình tự ban hành pháp luật. Nếu như trước đây, để ban hành một dự luật phải trải qua nhiều kỳ họp của Quốc hội, qua nhiều công đoạn và mất khoảng từ 2-3 năm. Nhưng nếu như vậy việc ban hành luật sẽ không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do đó, quan điểm mới của Quốc hội hiện nay là không chờ tổng kết, đánh giá thực tiễn mà ngay khi phát hiện bất cập, thiếu sót, sơ hở trong pháp luật thì trình tự sửa đổi luật được thực hiện bảo đảm nhanh gọn, thậm chí có thể xử lý ngay trong một kỳ họp. Hoặc nếu chưa kịp sửa luật, Quốc hội sẽ ban hành thay thế bằng một nghị quyết để khơi thông “điểm nghẽn”, kịp thời áp dụng phù hợp với thực tiễn. 

Đối với chủ trương sắp xếp tổ chức, bộ máy của Trung ương Đảng, đây là nội dung được thông tin công khai, rộng rãi với nhiều bài viết chuyên sâu của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Vấn đề này được Trung ương đặt ra và quyết tâm thực hiện để giải quyết những bất cập, bất hợp lý của tổ chức, bộ máy, để tinh gọn, tiết giảm chi phí, tăng hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và sự cạnh tranh với các nước. Từ đó, góp phần quan trọng để từ Đại hội XIV của Đảng, đất nước ta bước vào “kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam sau 100 năm thành lập Đảng, thành lập nước, thực sự đổi mới phát triển. Chủ trương này phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ tổ chức bộ máy, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đổi mới tư duy, cách làm, tạo sự đoàn kết, quyết tâm cao và Quốc hội cũng bám theo tinh thần này. 

Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trả lời ý kiến cử tri.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Đăng Tú đề nghị cần quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật chung về việc dạy thêm, học thêm. 

Cử tri Phạm Trọng Nghĩa cho biết thời gian để được cấp bằng bảo hộ sáng chế độc quyền rất dài, dẫn tới việc khi đã được cấp bằng thì sáng chế đó đã đi qua tính mới, sáng tạo và kiến nghị cần giảm thời gian cấp bằng.

Các vấn đề này được Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, trả lời. Riêng nội dung cấp bằng sáng chế độc quyền được lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ giải trình làm rõ tại hội nghị; Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị tổ thư ký tiếp thu ý kiến này chuyển thành ý kiến, kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh để thúc đẩy Bộ KH&CN quan tâm sớm sửa đổi, cải cách hành chính thủ tục này phù hợp với thực tiễn cuộc sống.  

Phương Thuý - Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục