Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cùng ba đi chợ tết
Chủ nhật: 08:35 ngày 12/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tết con chuột này là tròn 20 mùa hoa mai nở, vậy mà tôi vẫn nhớ như in lời động viên, an ủi của anh bạn đồng nghiệp. Đúng ngày mùng một Tết năm ấy, tình cờ lãnh đạo và một số anh em trong cơ quan ghé nhà thăm tôi.

Sở dĩ, tôi nói “tình cờ”, vì mục đích chính của chuyến đi đó không phải đến nhà tôi mà đi công việc khác. Trên đường về, anh em trong đoàn chợt nhớ đến tôi nên ghé thăm. Đây là lần duy nhất, trong suốt quãng đời công tác của tôi được lãnh đạo và anh em trong cơ quan đến thăm trong dịp Tết. Lần đó, có người anh đồng nghiệp thấy gia cảnh của tôi chân thành nói: “Tôi không ngờ nhà ông ăn Tết đơn sơ đến như vậy. Có khó khăn gì cũng phải ráng! Tết nhất phải cố gắng tạo không khí đầm ấm trong gia đình cho con mình vui vẻ…”.

Điều làm tôi bất ngờ và nhớ mãi là đến gần Tết năm sau, sau tiệc tất niên cơ quan, anh bạn đồng nghiệp ấy ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Chút nữa ông ghé nhà tui, tui cho chậu mai đem về chưng trong nhà cho có không khí Tết với người ta, cho mấy đứa con ông vui vẻ!”.

Còn gì xúc động hơn tấm chân tình của người anh đồng nghiệp ấy. Mỗi lần xuân về, Tết đến là tôi lại nhớ lời động viên, an ủi và cây mai vàng anh tặng. Từ đó, tôi cũng không khỏi trăn trở khi nhớ lại mình chăm lo Tết cho con cái thua xa ba tôi chăm lo Tết cho anh em tôi thời nhỏ dại. Dù khó khăn, gian khổ, sống cảnh gà trống nuôi ba con nhỏ, nhưng ba cũng ráng lo cho gia đình có không khí Tết, ráng lo cho ba đứa con mồ côi được ăn Tết vui vẻ như những đứa trẻ hàng xóm.

Hồi đó, năm nào cũng vậy, cứ sau ngày tiễn ông Táo về trời là ba xúc mười giạ lúa chở đến nhà máy xay gạo bán. Ba cũng biết số lúa đổ bồ không đủ cho cả nhà ăn đến ngày giáp hạt. Nhưng trước mắt cần phải có tiền cho ngày Tết nên ba quyết định bán lúa. Sau này, đến khi hết lúa trong bồ thì tính tiếp.

Gần một năm đầu tắt mặt tối làm thuê nuôi con, sáng 25 tháng Chạp, sau khi giẫy cỏ mả cho ông bà nội và má tôi xong, ba đạp xe chở anh em tôi đi chợ huyện. Con đường từ nhà tôi đến huyện lỵ dài khoảng 5 cây số. Trong đó có một đoạn đường đất cát lún bánh xe và một đoạn đá xanh lởm chởm xe chạy giằng xóc “cà tưng, cà tưng” mà ê cái mông, nhức cái lưng.

Chiếc xe đạp sườn ngang, hiệu “Tabor” là phương tiện để ba đi làm thuê khắp nơi, giờ là phương tiện du lịch của anh em tôi. Trong khi “tài xế” gò lưng đạp xe, anh em tôi ngồi ba-ga ngắm cảnh vật hai bên đường và hỏi ba đủ thứ chuyện. Dù đạp xe trên đường cát, đá hơi vất vả, nhưng ba vui vẻ trả lời đầy đủ mọi câu hỏi của anh em tôi. Vừa đi đường, vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc, cha con tôi đến phố chợ huyện. Khi đến chợ huyện, cửa hàng quần áo may sẵn là điểm ghé đầu tiên của ba. Vào cửa hàng, ba vừa lựa chọn đồ, vừa hỏi ý kiến hai con thích mặc kiểu nào, màu gì? Không chỉ theo ý thích của hai con, ba cũng nhờ người bán hàng tư vấn và lựa chọn giùm bộ đồ  nào “coi được”, vừa phù hợp với lứa tuổi anh em tôi và cũng phù hợp với túi tiền của ba nữa.

Thấy đàn ông nông dân thật thà, chở con đi chợ mua đồ tết, người bán cũng không nói thách và vui vẻ lựa đồ giùm. Mua cho anh em tôi mỗi đứa một bộ đồ xong, ba đẩy xe đi, anh em tôi tay vịn ba-ga lẽo đẽo theo sau. Rồi ba dừng trước sạp bán nón, cũng như ở cửa hàng quần áo, ba để anh em tôi tuỳ ý lựa chọn. Đội cái này, rồi thử cái kia, chờ khi nào anh em tôi gật đầu đồng ý, ba mới trả tiền cho người bán. Rời sạp nón, ba ghé sạp bán dép lựa mua cho anh em tôi mỗi đứa một đôi. Vậy là hai anh em tôi đủ một bộ ba thứ: quần áo, nón, dép cho ngày Tết. Còn phần mình, ba không mua gì cho ba. Lúc ấy, ba đang mặc bộ đồ sờn cũ, đầu đội chiếc nón lá và dưới chân là đôi dép hai quai mòn đế...

Sắm trang phục Tết cho anh em tôi xong, ba đến tiệm bánh kẹo. Hình như đây là tiệm bánh kẹo lớn nhất phố huyện. Trong tiệm, tôi thấy sắp xếp đầy bánh kẹo. Nào là những phong bánh in đỏ xếp ngay ngắn trong tủ kính, những bịch thèo lèo, mứt gừng, mứt bí, mứt dừa... cùng nhiều loại bánh, kẹo, mứt  khác mà tôi không biết gọi là gì... Tôi chỉ biết ước gì được ăn thử mỗi thứ một miếng, chắc là ngon lắm...

Chủ tiệm bánh là một phụ nữ người Việt gốc Hoa nói tiếng Việt thành thạo và nhất là luôn biết cách làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Năm nào cũng vậy, vào đây, ba kêu chủ tiệm bán hai phong bánh in lớn, hai phong bánh in nhỏ, rồi thèo lèo, mứt gừng, mứt bí, mứt dừa, kẹo, trà... mỗi thứ một mớ. Chia tay bà chủ tiệm bánh kẹo vui tính, ba tôi thẳng tiến vào nhà lồng chợ. Nhà lồng chợ huyện khi ấy còn nhỏ hẹp, nằm giữa hai dãy phố cũ. Chẳng thua gì một phụ nữ đảm đang, ba sà vào các sạp tạp hoá lựa chọn. Ba trả giá và mua đậu xanh, đường tán, đường cát, bột ngọt, muối bọt, củ hành, củ tỏi... và nhiều loại thực phẩm khô khác mà tôi không nhớ hết. Ba cũng không quên mua hai chai dầu gió phòng khi trong nhà có người đau bụng, nhức đầu; mua một cục xà bông thơm “Cô Ba” cho các con tắm gội trong mấy ngày Tết.

Mọi thứ thực phẩm khô chuẩn bị cho ngày tết cơ bản đã xong (còn thực phẩm tươi sống, ba chờ đến ngày cúng rước ông bà mới đi mua) thì trời cũng quá trưa, ba rời nhà lồng chợ. Ngoài hai anh em tôi ở ba-ga, giờ phía trước, trên sườn xe đạp và trên ghi-đông ba chất và treo lủng lẳng đủ thứ như một... tiệm tạp hoá nhỏ di động. Vậy mà khi lên đến khu vực ngã tư chợ huyện, ba dừng lại và ghé vào quán cháo lòng ngon nổi tiếng của huyện, kêu cho chúng tôi mỗi đứa một tô. Đang đói, được ba đãi cháo lòng ngon nhất huyện lỵ thì còn gì bằng.

Trước khi rời quán cháo lòng, ba còn kêu thêm một tô nữa bỏ bọc đem về cho chị tôi ở nhà. Trước khi thẳng tiến... về nhà, ba còn ghé xe nước mía bên vệ đường mua cho anh em tôi mỗi đứa một bọc. No bụng cháo lòng, thêm bọc nước mía mát lạnh, ngọt lịm, anh em tôi sung sướng vô cùng. Trên đường về, anh tôi lại hỏi ba đủ thứ chuyện về chợ huyện, về những thứ đồ ba mua, về phong tục ngày Tết... Còn tôi, ngồi giữa, gục đầu vào lưng ba mà mơ màng. Ba thì lịch kịch... lịch kịch... chiếc xe đạp đang quá tải vì vừa chở người, vừa chở cả gian hàng ngày Tết.    

Phần chị hai tôi, ở độ tuổi lên mười, ba không tiện đi sắm đồ nên đưa tiền và nhờ cô Út của tôi (cô chỉ lớn hơn chị tôi khoảng 7-8 tuổi) chở đi mua sắm. Trước khi đi, ba dặn cô Út mua cho chị quần áo, nón, guốc, kẹp tóc... Ba cũng dặn cô Út chở chị ghé tiệm làm tóc, uốn tóc xoăn theo ý thích của chị.

Sáng mùng một Tết, sau khi ấm mình và no bụng với bánh tráng cuốn cá nướng trui lửa đống un xong, anh chị em tôi diện đồ mới từ đầu đến chân, rồi í ới gọi lũ trẻ hàng xóm rủ nhau cuốc bộ du xuân. Chúng tôi dạo trong xóm làng và lên đường cái (tỉnh lộ) xem múa lân và xem người lớn lắc bầu cua cá cọp, hoặc đánh bài cào ăn hột vịt lộn... Ngày Tết, trong túi đứa nào cũng có chút ít tiền. Mỏi chân, khát nước, chúng tôi ghé lại xe nước đá bên đường, đứa uống nước đá chanh, đứa ăn đá bào xi rô, đứa thì kêu ly đá đậu... Đã mấy mươi mùa xuân trôi qua, làng quê, phố chợ giờ thay đổi hoàn toàn. Đâu đâu cũng đường sá rộng mở, nhà cửa khang trang. Đô thị huyện lỵ phát triển sung túc, huyện nhà đang trên con đường lên thị xã và làng quê tôi sẽ thành phường. Vậy mà mỗi độ xuân về tết đến, tôi lại nhớ đến thời thơ dại của mình, mỗi năm một lần được ba chở ra chợ huyện mua sắm đồ tết.

T.L

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục