BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cung cấp thông tin cho người dân tuyến xã là yêu cầu cấp thiết

Cập nhật ngày: 25/06/2009 - 05:43

Sáng 25.6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành về những chính sách liên quan đến cung cấp thông tin cho người dân ở tuyến xã.

Đề xuất giải pháp giải quyết bất cập trong việc cung cấp thông tin đến tuyến xã

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, 3 năm nữa nước ta có thể sẽ giải quyết triệt để việc thiếu thông tin 2 chiều hỗ trợ cuộc sống đối với người nông dân

Theo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, đa số các Bộ, ngành đã quan tâm thực hiện việc cung cấp thông tin cho người dân ở các xã thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và cũng đã tạo điều kiện cho người dân cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện chính sách, pháp luật đến các Bộ, ngành.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, sau khi triển khai Chương trình 74 của Chính phủ, đến nay đã có 4.256 xã với trên 22 triệu dân (chiếm 26,3% dân số) được hưởng chính sách viễn thông công ích với khoảng 2,24 triệu thuê bao điện thoại cố định; hơn 4.000 điểm truy nhập điện thoại và hơn 700 điểm truy cập Internet công cộng hỗ trợ duy trì mạng lưới.

Theo báo cáo của Bộ TTTT, hệ thống mạng lưới và dịch vụ viễn thông ở nước ta phát triển không đồng đều. Việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng điểm bưu điện văn hoá xã ở một số nơi chưa được điều tra, khảo sát kỹ, nên nhiều điểm được xây dựng lại xa khu dân cư, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến sử dụng. Ở tuyến xã, số lượng và chủng loại sách báo thiết thực với người dân còn nghèo nàn, nhất là các loại sách, báo phổ biến khoa học kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp…

Đại diện Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2009 – 2010, Tập đoàn sẽ kéo khoảng 8.000 km cáp quang; phấn đấu đến cuối năm 2010, hạ tầng truyền dẫn của VNPT đến được hơn 90% số xã, trong đó có khoảng 70% số xã sử dụng truyền dẫn cáp quang. VNPT cho rằng, trong thời gian tới vẫn tiếp tục sử dụng truyền dẫn vi ba qua vệ tinh cho các xã có địa hình phức tạp chưa thể triển khai cáp quang.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành cho rằng việc chuẩn hoá thông tin cho người dân nói chung, nhất là người dân ở các xã chưa có sự thống nhất, còn thiếu đồng bộ. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa được thông suốt, do đó thông tin 2 chiều còn chưa kịp thời; trình độ công nghệ thông tin của cán bộ cấp xã còn nhiều bất cập, việc tổ chức lực lượng khai thác, phổ biến thông tin đến người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, thu thập, cập nhật và duy trì hoạt động thông tin và cơ sở dữ liệu cho cấp xã gần như không có.

Để giải quyết những khó khăn hiện tại, các Bộ, ngành kiến nghị, cần có văn bản mang tính pháp qui của Chính phủ về trách nhiệm cung cấp thông tin phục vụ người dân, cần đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm bưu điện văn hoá xã; thiết lập hệ thống mạng thống nhất từ TW đến cấp xã; lồng ghép các chương trình của các Bộ, ngành nhằm tận dụng mọi nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, phục vụ nhu cầu thông tin của người dân. Cần có chính sách hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho cấp xã để thuận tiện cho việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn, chuyển giao kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ xã và lực lượng thanh, thiếu niên tại các thôn bản.

Giải quyết triệt để việc thiếu thông tin 2 chiều trong thời gian ngắn

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Đề án phát triển thông tin cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo” là đề án rất quan trọng, có ý nghĩa xã hội to lớn và phải được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ sẽ giao cho Bộ TTTT là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng tham gia xây dựng Đề án.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TTTT tích hợp chương trình và năng lực của các Bộ, ngành để sớm hoàn thành Đề án này trong năm 2009. Theo đó, Đề án phải thể hiện được 3 nội dung: Thứ nhất là rà soát, đánh giá các chương trình đã triển khai liên quan đến việc đưa thông tin đến cấp xã. Thứ hai, cần bổ sung về chính sách, kinh phí và phương tiện để thực hiện. Thứ ba, Đề án cần làm rõ thông tin hai chiều, nhất là thông tin phản hồi từ cấp cơ sở lên.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo, cấp xã cần có cơ quan triển khai. Nội dung tuyên truyền cần hướng tới yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề nghiệp, việc làm và xuất khẩu lao động, y tế, kế hoạch hoá gia đình, thông tin văn hoá xã hội, giải trí.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Việc đưa thông tin về với người dân ở tuyến xã là đề án rất quan trọng nhưng nếu chúng ta tiếp tục cách làm như cũ sẽ không có hiệu quả, gây lãng phí thời gian và tiền bạc của Nhà nước. Phó Thủ tướng mong muốn, với sức mạnh được huy động từ các Bộ, ngành, các địa phương thì sau 3 năm nữa nước ta có thể sẽ giải quyết triệt để việc thiếu thông tin 2 chiều đối với người nông dân.

Hiện trạng và kế hoạch xây dựng hạ tầng mạng viễn thông tới xã của VNPT và Viettel:

- Tính đến hết tháng 5.2009, VNPT đã có mạng truyền dẫn đến 7.793 xã/9.237 xã (chiếm 84% số xã trên toàn quốc), trong đó: số xã có truyền dẫn cáp quang là 5.191 xã, chiếm 56%; số xã truyền dẫn vi ba là 2.301 xã, chiếm 25%; số xã dùng truyền dẫn qua vệ tinh (VSAT IP) là: 301 xã, chiếm 3%.

Trong giai đoạn 2009-2010, VNPT sẽ kéo khoảng 8.000 km cáp quang; phấn đấu đến cuối năm 2010, hạ tầng truyền dẫn của VNPT đến được trên 90% số xã, trong đó có khoảng 70% số xã sử dụng truyền dẫn cáp quang.

- Tính đến hết ngày 5.6.2009, Viettel đã triển khai dịch vụ viễn thông đến 6.303 xã/11.052 xã (chiếm 57%), trong đó, 6.195 xã được truyền dẫn bằng cáp quang, tỷ lệ 56%; 43 xã được truyền dẫn viba, tỷ lệ 0,38%; 65% xã truyền dẫn vệ tinh, chiếm 0,5%.

Dự kiến đến quý I/2010, Viettel sẽ bảo đảm triển khai truyền dẫn cáp quang tới 100% các xã trên toàn quốc.

(Theo chinhphu.vn)