BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cùng suy ngẫm- Sớm tổ chức lại sản xuất ngành tôm

Cập nhật ngày: 05/01/2017 - 15:32

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng gần 4% so với năm 2015. Mặc dù đạt mức tăng trưởng như vậy nhưng thực tế, nhiều “điểm yếu” của ngành tôm đang bộc lộ ngày càng rõ nét.

Đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng bơm tạp chất vào tôm, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, uy tín của sản phẩm tôm xuất khẩu. Tính riêng năm 2016, tại ba tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, ngành chức năng đã phát hiện gần 100 vụ bơm tạp chất, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nhiều cơ sở còn đầu tư cả máy móc để bơm tạp chất với số lượng lớn. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất, khiến nhiều hộ nuôi phải dùng máy nổ để quạt nước, bơm nước, đẩy giá thành sản xuất tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm. Đặc biệt, các vùng nuôi tôm đã bộc lộ nhiều hạn chế về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, làm giảm đáng kể năng suất, sản lượng.

Cụ thể, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tại nhiều vùng vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước do thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, công tác giám sát vùng nuôi, nhất là khâu quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển sản xuất.

Thậm chí, nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí thực hiện quan trắc môi trường, phòng ngừa dịch bệnh cho các vùng nuôi trồng thủy sản. Đây là một trong những nguyên nhân khiến năm 2016, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 190 nghìn ha tôm nuôi chết vì thiên tai, dịch bệnh, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi và ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tôm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Trước tình huống cấp bách phải chấn chỉnh lại ngành tôm, từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các tỉnh nuôi tôm trọng điểm là Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh về quy hoạch lại sản xuất và xuất khẩu tôm, theo hướng từng bước hình thành ngành công nghiệp sản xuất tôm với công nghệ cao và tôm sinh thái hiệu quả.

Việc quy hoạch phải gắn với đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp, với ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu; xác định, lựa chọn con nuôi chủ lực để sản xuất; đồng thời đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng đồng bộ, tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết, tổ hợp tác…

Cùng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa ban hành Kế hoạch kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong tôm và ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm. Mục tiêu là đến hết năm 2017, những vi phạm này phải giảm 50% so với năm 2016; đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất và kinh doanh tôm.

Không chỉ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản trong nhiều năm gần đây, mà nuôi tôm còn đem lại thu nhập cao cho người nuôi và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Chính vì vậy, chú trọng đến năng suất, chất lượng tôm để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hàng này là một trong những yêu cầu cấp thiết trong tiến trình cơ cấu lại ngành thủy sản.

Nguồn Báo Nhân dân