Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Cuộc chiến cá voi ở Nam Cực
Thứ sáu: 06:09 ngày 08/01/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tổ chức Bảo tồn Sea Shepherd phát động một cuộc chiến mới, “trả thù” tàu săn cá voi của Nhật Bản sau khi chiếc tàu cao tốc Ady Gil của SSCS bị tàu Shonan Maru 2 đâm thẳng, xé toang mũi tàu hôm 6.1.2010 ở Nam Cực.

Một lần nữa, Tổ chức Bảo tồn Sea Shepherd (SSCS) lại phát động một cuộc chiến mới, “trả thù” tàu săn cá voi của Nhật Bản sau khi chiếc tàu cao tốc Ady Gil của SSCS bị tàu Shonan Maru 2 đâm thẳng, xé toang mũi tàu bằng sợi carbon, có hình dáng như một phi thuyền này hôm 6.1.2010 ở Nam Cực.

Đội thuỷ thủ trên tàu Ady Gil - gồm 5 người New Zealand và một người Hà Lan, đã được tàu Bob Barker của SSCS gần đó cứu sống. Một thủy thủ bị gãy 2 sương sườn. Một đoạn video có vẻ được quay từ tàu Nhật Bản cho thấy hai tàu đã lao thẳng vào nhau với tốc độ cao.

Đây không phải là lần đầu tiên, tàu săn cá voi của Nhật Bản đụng độ với tàu của SSCS – một tổ chức dân phòng do Paul Watson sáng lập cách đây hơn 30 năm để bảo vệ các sinh vật biển thoát khỏi việc phá hoại và săn bắt vô tội vạ của con người. Tuy nhiên, nhiều quốc gia chỉ trích, hành động SSCS ngày càng trở nên cực đoan, trong đó có việc trang bị cho hai “tàu chiến” của họ là Farley Mowat và Robert Hunter mũi nhọn phía trước hoặc dằm thép hình chữ I rất sắc gắn ở mạn sườn phải của con tàu, chĩa ra ngoài và được sử dụng để cào rách vỏ tàu đối phương.

 Ngày 7.1.2010, người sáng lập tổ chức SSCS Paul Watson đã cử một chuyến trực thăng lùng khắp Nam Cực tìm cho cho bằng được tàu săn cá voi Shonan Maru 2, mở cuộc chiến “báo thù”. Watson cho biết, các tình nguyện viên của tổ chức đã rút cạn dầu và tháo bớt thiết bị trên tàu cao tốc Ady Gil để tránh gây ô nhiễm khi tàu chìm xuống biển.

Paul Watson – nhà sáng lập tổ chức SSCS tuyên bố, sẽ “trả thù” việc tàu Shonan Maru 2 sử dụng vòi rồng để tấn công thuỷ thủ và đâm toạc mũi tàu cao tốc Ady Gil.  

Vụ đụng độ hôm 6.1 được xem là đỉnh điểm trong cuộc chiến giữa SSCS và các tàu săn cá voi Nhật Bản trong vòng 6 năm qua. Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yasuhisa Kawamura cho rằng, những hành động phá hoại tàu săn cá voi của SSCS rất nguy hiểm cho tính mạng của thuỷ thủ Nhật. Trong khi đó, Watson nhấn mạnh, SSCS kiên quyết không lùi bước trong cuộc chiến bảo vệ cá voi.  

Theo Don Rothwell – một chuyên gia hàng hải quốc tế của Đại học quốc gia Australia – cho rằng, có khả năng SSCS sẽ kiện hành động đâm thẳng vào tàu Ady Gil. Tuy nhiên, Viện nghiên cứu cá voi Nhật Bản (ICR) – chủ tàu Shonan Maru 2 cũng sẽ kiện ngược tàu Ady Gil “khủng bố” bằng bom thối và dùng dây tìm cách quấn vào chân vịt và bánh lái của tàu.   

Hiện New Zealand và Australia đang tiến hành điều tra vụ việc và yêu cầu cả hai bên nên bình tĩnh.

Nhật Bản đã ngừng săn bắt cá voi vì mục đích thương mại vào năm 1986 nhưng các quy định quốc tế vẫn cho phép nước này đánh bắt hàng trăm con cá voi mỗi năm theo chương trình nghiên cứu khoa học.

Đặng Hoàng Thái

(tổng hợp từ AP/Reuters/BBC)

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục