Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Báo chí trên mặt trận tư tưởng:

Cuộc đấu tranh trên làn sóng điện 

Cập nhật ngày: 20/06/2023 - 22:20

BTN - Hơn lúc nào hết, báo chí, các nhà báo phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình: chính thống, chính xác, nhanh nhạy, kịp thời và khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng, cũng như chủ động để thích ứng với công nghệ làm báo mới.

Trao giải cho các tác giả đạt giải Ba Giải báo chí về miền Đông Nam bộ lần thứ I- năm 2022. Ảnh: Đại Dương

Tháng 4.2023, tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị diễn ra hội thảo có tên gọi “Báo đảng địa phương với việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”. Cuộc hội thảo này, ngoài các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên, còn có sự tham gia của nhiều tờ báo thuộc khu vực khác.

Như tên gọi, chủ đề của hội thảo, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã, đang và sẽ là nhiệm vụ hàng đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, báo Đảng địa phương nói riêng.

“Thế giới trong lòng bàn tay, trên đầu ngón tay”

Ban tổ chức hội thảo đánh giá, trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn về chính trị, các thế lực thù địch vẫn ra sức chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta thì việc các báo Đảng tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài.

Nhiệm vụ đó đã được Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Bộ Chính trị khoá XII xác định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Từ khi thành lập cho tới nay, cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, Đảng luôn kiên quyết đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, coi đó là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của cách mạng nước ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, thể hiện trên mặt trận báo chí đã góp phần quan trọng nâng cao cảnh giác cách mạng, bồi dưỡng nhận thức đúng đắn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, khẳng định những nguyên tắc cơ bản của công cuộc đổi mới. Nhờ đó, nền tảng tư tưởng của Đảng được giữ vững.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự bùng nổ của mạng internet, các mạng xã hội toàn cầu, những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường, tác động của tình hình thế giới… các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các trang mạng xã hội, các kênh thông tin của một số nước phương Tây tăng cường những chiêu thức, thủ đoạn mới chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì thế, việc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng càng cần chú trọng hơn.

Trong thực tế, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên hệ thống báo chí Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Trước sự chống phá các thế lực thù địch, các phần tử phản động thường xuyên lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo ra yếu tố “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, gây hoang mang, kích động hành vi chống đối trong xã hội… các cơ quan báo chí trong nước đã tổ chức nhiều chương trình, nhiều tuyến bài phản bác những luận điệu xuyên tạc, chống phá, giúp người dân hiểu rõ hơn âm mưu và mục đích đen tối của các thế lực thù địch với nhiều hình thức, nội dung phong phú, được bạn đọc/người nghe đài đón nhận.

Ban tổ chức nhận định, công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, bởi đây là vấn đề thuộc thể loại chính luận mà người viết phải có trình độ lý luận, có đầy đủ thông tin, lập luận chặt chẽ, có tính thuyết phục cao, trong khi đó không phải tờ báo nào cũng có được đội ngũ người viết chính luận giỏi.

Trong thực tế, để nâng cao tính chiến đấu của báo chí, một số tờ báo địa phương có đăng lại một số bài báo có giá trị về đề tài này của báo Trung ương, nhưng về lâu dài, mỗi tờ báo phải chủ động xây dựng được một đội ngũ những nhà báo viết chính luận sắc sảo để có thể tác nghiệp vào mọi thời điểm, nhất là khi đất nước, quê hương có những sự kiện quan trọng diễn ra.

Trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí cách mạng có vai trò đặc biệt quan trọng. Đảng nhiều lần chỉ rõ, báo chí cách mạng phải làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát hiện, khẳng định và nhân rộng ra toàn xã hội cái hay, cái đẹp, những điển hình, những nhân tố mới; đồng thời, đấu tranh phê phán cái xấu, tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hơn lúc nào hết, báo chí, các nhà báo phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình: chính thống, chính xác, nhanh nhạy, kịp thời và khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng, cũng như chủ động để thích ứng với công nghệ làm báo mới.

Phóng viên Báo Tây Ninh nhận giải Khuyến khích tại Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ VI năm 2021. Ảnh: Đức Tiến

Không chỉ là người đưa tin

Không phải tự nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước sau như một luôn coi văn nghệ, báo chí là một mặt trận. Ngoài những chức năng mặc nhiên, ai cũng biết, các loại hình nghệ thuật nói chung, báo chí nói riêng, đúng là một mặt trận.

Đã là mặt trận thì phải có người lính. Người lính ở đây có thể không cầm súng, vũ khí của họ là cây bút và trang giấy. Cây bút, trang giấy có trở thành vũ khí sắc bén để “đập tan các luận điệu xuyên tạc và thù địch” hay không, điều đó phụ thuộc vào trình độ, ý thức trách nhiệm của những người làm báo.

Một thời gian dài, có nhiều ý kiến cả trong và ngoài nước luôn nói rằng, chỉ có báo chí cách mạng mới đặt nặng tính tuyên truyền, còn báo chí phương Tây chỉ thuần tuý thông tin. Đây thực ra là một ngộ nhận.

Báo chí phương Tây, kể cả Mỹ, xứ sở được coi là tự do báo chí hàng đầu thế giới, những người làm báo ở đây, qua bài viết, họ vẫn thực hiện nghệ thuật tuyên truyền. Vấn đề ở chỗ, nghệ thuật tuyên truyền như thế nào và tuyên truyền cho ai.

Không phải ai khác, chính các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết: “Có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả lại có thể hoàn thành”; “một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước”.

Ngày nay, “làn sóng điện đang thay thế thanh gươm; cây bút là phương tiện đi vào trái tim khối óc con người”; “một đô-la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đô-la chi cho quốc phòng”; “Kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là bốn đòn đột phá khẩu, bốn mũi xung kích để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị”.

Sự kiện gây rối an ninh trật tự của một số người ở Tây Nguyên xảy ra mới đây, chính là một ví dụ cho thấy tác hại ghê gớm của “truyền thông đen”.

Một lần nữa, lại nhớ đến nhà báo Hữu Thọ, người từng là Tổng biên tập Báo Nhân Dân và cao hơn nữa, đứng đầu cơ quan phụ trách báo chí, tư tưởng của Đảng. Ông từng nói, một bài báo, nếu viết xong ai đọc cũng hài lòng thì đó là một bài báo thất bại.

Ông còn nhấn mạnh vai trò của nhà báo, đại ý, nhà báo cũng là công dân, vì thế, không phải tất cả, nhưng tuỳ vào từng bài báo cụ thể, người dân mong chờ có tiếng nói của nhà báo trong tác phẩm.

Việt Đông