Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cuộc khủng hoảng toàn cầu và tầm nhìn chiến lược của Chính phủ
Chủ nhật: 15:40 ngày 24/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có thể thấy rõ nét những biểu hiện và tác động từ biến đổi khí hậu - mà có ý kiến cho là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà nền văn minh nhân loại từng đối mặt từ trước đến nay”.

Tuần tới, trong hai ngày 26-27/9, một Hội nghị có quy mô rất lớn sẽ diễn ra tại Cần Thơ.

Đó là Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn ĐBSCL 2016, ngày 27/6, tại TPHCM.

Niềm vui ngắn giữa nỗi lo dài

Sau nhiều năm lũ về muộn, mực nước thấp, năm nay, người dân ĐBSCL hồ hởi vì lũ sớm về với nhiều loại thủy sản “trời cho”.

Tuy nhiên, sản lượng tôm, cá và các sản vật khác vẫn ngày một ít đi. Bên cạnh nguồn lợi thủy sản ngày một suy giảm thì phù sa, thứ dưỡng chất chủ yếu mà lũ mang về để bồi đắp cho vùng châu thổ này cũng đang ngày một suy giảm.

Theo một thống kê, đến cuối năm 2016, lượng phù sa về đến ĐBSCL chỉ còn khoảng 85 triệu tấn, giảm gần một nửa so với trước năm 2009 (khoảng 160 triệu tấn).

Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã thừa nhận rằng sự thay đổi của khí hậu Trái Đất và những hiệu ứng nguy hại của nó là mối quan tâm chung của nhân loại và nêu rõ quyết tâm của các quốc gia trong bảo vệ hệ thống khí hậu cho các thế hệ hiện nay và mai sau. 

Al Gore, người nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2007 vì những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đã khẳng định “biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà nền văn minh nhân loại từng đối mặt từ trước đến nay”.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, các diễn biến gần đây vượt xa mức được ghi nhận là kỷ lục trước đó.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2016 đã trở thành năm nóng nhất lịch sử tồn tại của loài người.

Theo GS. TS Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ, trong 6 nguy cơ lớn mà ĐBSLC đang phải đối mặt, thì nguy cơ đầu tiên là biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Những thách thức lớn của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã được đề cập tới trong nhiều năm qua, với ý kiến của rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trên mọi lĩnh vực, của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương và cả các tổ chức quốc tế.

Việt Nam là một trong những nước ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đã có nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này. Chúng ta đã làm đồng bộ 3 hợp phần về đầu tư, chính sách và nâng cao năng lực trong ứng phó biến đổi khí hậu. Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra.

Thế nhưng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “biến đổi khí hậu đang tới rất nhanh. Chúng ta đối mặt với nhiều thách thức nhanh hơn dự báo”.

Trong khi đó, “chúng ta còn nhiều bất cập, chưa tập trung giải quyết, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì còn nhiều hạn chế, yếu kém, cả trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện và đặc biệt là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành”.

Đòi hỏi mới về mô hình, tư duy phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ nội dung trao đổi giữa ông với một giáo sư về thủy lợi.

“Ông nói rằng ở ĐBSCL nếu với cách làm như hiện nay thì sẽ tốn kém ghê gớm. Bây giờ chủ trương của Thủ tướng là làm đường ven biển, nhưng cầu, cống có kết hợp với nhau được không hay là giữa cống và cầu khác nhau.

Những vấn đề như vậy cần tính toán cụ thể, chứ không phải mạnh anh nào anh nấy làm trong khi nguồn lực còn nhiều hạn chế”, Thủ tướng trăn trở.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu tiếp tục xây đô thị bằng đê bao, lúc cao, lúc thấp, “anh sau làm cao hơn anh trước, không có quy hoạch thì không bao giờ thành công”. Cần tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”, chỉ nhìn trước mắt, không nhìn lâu dài.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn do mô hình phát triển trước đây không còn phù hợp.

Chính sách quy hoạch, phân vùng, quản lý thiếu gắn kết, đồng bộ do tác động của biến đổi khí hậu dần dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững, làm sinh kế của người dân trở nên bấp bênh.

Theo GS. TS Lê Quang Trí, ngoài nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ĐBSCL còn đối mặt những nguy cơ từ phát triển thủy điện trên sông Mekong; gia tăng dân số và di dân; lạm dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên; thay đổi sử dụng đất; ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.

Nguyên Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh cho rằng, nhiều năm nay, do các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long xây dựng nhiều tuyến đê bao khép kín ngăn lũ để làm lúa vụ 3, khi nước lũ về không vào được đồng ruộng.

Lượng nước này theo các tuyến chính là sông Tiền, sông Hậu đổ ra biển, tạo ra vận tốc dòng chảy lớn nên tình trạng sạt lở bờ sông trong mùa mưa lũ sẽ có diễn biến phức tạp. Trong khi phần trong đê bao sau nhiều năm canh tác không có phù sa bồi đắp lại bị bạc màu - ông Vinh nhận xét.

Theo nhiều chuyên gia, vì "an ninh lương thực" mà chúng ta từng xem nước mặn là kẻ thù phải chống triệt để. Và điều này đã khiến  hàng trăm ngàn nông dân mất cơ hội làm bạn với nước mặn để nuôi tôm để gia tăng lợi tức và chịu số phận nghèo mãi vì trồng lúa. Thay vào đó, có những cách tiếp cận khác, không cần chống mặn bằng những biện pháp quá tốn kém.

GS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp đề xuất tại vùng ven biển ĐBSCL nhiễm mặn trong mùa khô, chúng ta có thể trồng một vụ lúa trong mùa mưa. Khi dứt mưa, thu hoạch lúa xong, lúc ruộng lúa đang còn sình lầy thì nông dân cho nước mặn lên ruộng để nuôi tôm, cá kèo, cua… và đạt lợi tức trên 3 lần lúa.

Rõ ràng, tình hình đang yêu cầu những giải pháp mới có tầm nhìn xa, mang tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển để vùng đất Chín Rồng có thể vượt qua thách thức và “cất cánh”.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Hội nghị sắp tới là nơi hiệu triệu các ý tưởng lớn giúp Chính phủ Việt Nam và các địa phương xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100, chủ động trước những xu thế, diễn biến, biến đổi không thể đảo ngược về điều kiện tự nhiên.

Nguồn Chinhphu

Tin cùng chuyên mục