Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cuộc sống ổn định nhờ cần kiệm và sử dụng vốn vay có hiệu quả
Thứ bảy: 07:52 ngày 26/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cách đây hơn 5 năm, thấy vợ chồng ông chí thú làm ăn và có ý định phát triển chăn nuôi, Hội Nông dân cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gò Dầu xem xét, tạo điều kiện cho gia đình ông vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm.

Chưa đến 9 giờ sáng, ông đã chở mấy bao cỏ vừa cắt mang về cho bò ăn, rồi lại vội vã chạy ra mảnh vườn cách nhà vài trăm mét thu hoạch chanh hoặc ra ruộng chăm sóc lúa. Còn vợ ông ở nhà dọn dẹp chuồng, chăm sóc đàn bò.

Đó là công việc thường ngày của vợ chồng ông Phạm Văn Tiển - bà Lê Thị Chung, ngụ ấp Xóm Đồng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu. Tuy không thể gọi là nhàn rỗi, nhưng so với trước kia, vợ chồng ông giờ đỡ vất vả, không phải đi làm mướn nữa. Ở nông thôn, nhưng gia đình ông có rất ít đất sản suất. Lúc mới lập gia đình riêng, vợ chồng chỉ có hơn một công đất (1.000 m2).

Để nuôi sống cả nhà (gồm 2 vợ chồng và hai người con), vợ chồng ông thuê nửa mẫu ruộng (5.000 m2) để làm lúa. Không những vậy, vợ chồng ông còn tranh thủ đi làm mướn, cần kiệm, dành dụm nhiều năm mới mua được 2 công đất vườn (2.000m2) trồng chanh.

Vợ chồng ông Phạm Văn Tiển chăm sóc bò.

Cách đây hơn 5 năm, thấy vợ chồng ông chí thú làm ăn và có ý định phát triển chăn nuôi, Hội Nông dân cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gò Dầu xem xét, tạo điều kiện cho gia đình ông vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Có nguồn vốn vay ưu đãi, vợ chồng ông Tiển xây cất chuồng và mua 2 con bò cái về. Đến nay, ông đã có 4 con bò mẹ sinh sản, mỗi năm đẻ một lứa.

Không ít người chăn nuôi bò thịt than phiền là lời ít, không có lời, thậm chí có người còn bị lỗ. Nhưng đối với gia đình ông Tiển từ lúc nuôi bò sinh sản đến giờ chỉ có lời - nhiều hay ít thôi, do chi phí thấp.

Chỉ trừ tiền vốn làm chuồng, tiền mua 2 con bò cái giống ban đầu và số ít tiền tiêm chích phòng ngừa dịch bệnh cho bò, còn lại toàn bộ thức ăn cho bò đều do vợ chồng ông Tiển bỏ công ra làm.

Để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò, ông Tiển dành ra khoảng một công đất trồng cỏ. Ngoài ra, ông cũng tranh thủ đi cắt cỏ dạo; dự trữ rơm khô sau khi thu hoạch lúa ruộng nhà.

Chăn nuôi bò sinh sản theo kiểu “lấy công làm lời” như gia đình ông Tiển thì hiếm khi bị lỗ. Nhờ vậy mà với 4 con bò cái mẹ, bình quân mỗi năm tiền bán bê của gia đình ông cũng được trên 30 triệu đồng. Riêng năm 2024, tiền bán bê của ông được 46 triệu đồng. 

Ông Tiển cho biết thêm, ngoài chăn nuôi bò sinh sản, những năm qua, gia đình ông vẫn duy trì và ra công chăm sóc vườn chanh; vẫn tiếp tục thuê lâu dài nửa mẫu ruộng để làm mỗi năm ba vụ lúa. Từ đó, mỗi năm gia đình ông có thu nhập khoảng 20 triệu đồng từ vườn chanh và hơn 30 triệu đồng từ ruộng lúa (sau khi trừ tiền thuê đất và vốn đầu tư).

Như vậy, bình quân mỗi năm gia đình ông Tiển có tổng thu nhập (từ 3 nguồn: nuôi bò, trồng chanh, làm lúa) được khoảng hơn 80 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập có thể là không lớn so với những nông dân có nhiều ruộng đất, máy móc, phương tiện sản xuất ở nông thôn, nhưng cũng không phải là khoản thu nhập dễ kiếm.

Ông Mai Văn Minh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Phước cho biết, gia đình ông Phạm Văn Tiển là một trong những hộ nông dân sản kinh doanh giỏi cấp cơ sở. Nhờ siêng năng lao động, cần kiệm, lại được vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn vay có hiệu quả, kết hợp giữa chăn nuôi, làm vườn, làm ruộng lúa, mà gia đình ông Tiển từng bước ổn định cuộc sống. Cũng từ đó gia đình ông Tiển nhiệt tình tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương phát động, vận động.

Duy Huân

Tin cùng chuyên mục