Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên - bước ngoặt lịch sử vĩ đại
Thứ bảy: 09:58 ngày 06/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hà Tĩnh cùng các địa phương trong cả nước đã chuẩn bị rất khẩn trương, kỹ lưỡng, đảm bảo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhân dân Hà Tĩnh cùng với đồng bào cả nước được quyền ứng cử và bầu cử, tham gia xây dựng cơ quan chính quyền.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên - dấu ấn đặc biệt trong dòng chảy lịch sử

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, một trong 6 vấn đề đó là phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp.

Số đặc biệt của Báo Quốc hội ra trong ngày Tổng tuyển cử. Ảnh tư liệu.

Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử. Sắc lệnh ghi rõ: "Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”.

Để xúc tiến công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, ngày 29/9/1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 51-SL, ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử.

Nhân dân lao động Hà Nội cổ động cho Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu.

Về ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc của nước nhà”; “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”;”Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội.

Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Những đối tượng được ra ứng cử đại biểu Quốc hội, theo Người là “Những người muốn lo việc nước” và "Hễ là công dân đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái".

Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu.

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra đúng như kế hoạch và thu được thắng lợi. Chỉ một bộ phận ở phía Nam tiến hành vào ngày 23/12/1945 (do không kịp nhận lệnh hoãn), còn hầu hết đều tiến hành ngày 6/1/1946. Tất cả 71 tỉnh, thành phố có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu.

Cả nước bầu được 333 đại biểu. Tại thủ đô Hà Nội có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu; kết quả 6 trong 74 ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Ảnh tư liệu.

Hà Tĩnh với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

Trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, nhưng cuộc Tổng tuyển cử đã được Hà Tĩnh cùng các địa phương trong cả nước chuẩn bị rất khẩn trương, kỹ lưỡng, đảm bảo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Để chuẩn bị Tổng tuyển cử, các ban bầu cử của Hà Tĩnh đã được thành lập tới tận làng xã do ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhân dân Hà Tĩnh cùng với đồng bào cả nước được quyền ứng cử và bầu cử, tham gia xây dựng cơ quan chính quyền. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử.

Tất cả danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Khắp nơi trong tỉnh rợp trời cờ hoa, biểu ngữ với không khí rộn ràng, náo nức. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện cho mình, hạn chế những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.

Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 6/1/1946 - ngày lịch sử dân tộc, cùng với Nhân dân cả nước, hơn 20 vạn cử tri Hà Tĩnh từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Kết quả đã bầu ra 7 đại biểu Hà Tĩnh vào Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, gồm các vị: Tạ Quang Bửu (do Trung ương giới thiệu về), Trần Hữu Duyệt, Trần Bình, Lê Lộc, Hồ Văn Ninh, Nguyễn Trọng Nhã, Nguyễn Đình Lương.

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã công nhận Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, bầu ra Ban Thường trực Quốc hội và Ban Dự thảo Hiến pháp.

Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến ra mắt tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá I vào ngày 2/3/1946. Ảnh tư liệu.

Tiếp đó, ngày 17/2/1946, cuộc bầu cử HĐND tỉnh và HĐND xã cũng được tiến hành thắng lợi. Trên 97% tổng số cử tri Hà Tĩnh đã đi bỏ phiếu, các đại biểu là đảng viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều trúng cử với số phiếu cao. Kết quả, có 26 đại biểu HĐND tỉnh và 181 đại biểu HĐND xã trúng cử.

Ngay sau khi có kết quả, HĐND các cấp đã họp những phiên đầu tiên để bàn định các chủ trương, biện pháp củng cố chính quyền, xây dựng và bảo vệ chế độ mới, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị kháng chiến.

Các cuộc bầu cử trên thực sự là những ngày hội lớn của toàn dân Hà Tĩnh, là thể hiện lòng yêu nước, niềm tin tưởng với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, là ý chí độc lập dân tộc, quyết tâm bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Qua đó, đã góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tuyển cử trên phạm vi toàn quốc, đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trách nhiệm thế hệ hôm nay

Giờ đây, ý nghĩa và tinh thần của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị. Kết quả của Tổng tuyển cử với sự ra đời của Quốc hội và Hiến pháp năm 1946 đã biến giấc mơ của đất nước thành hiện thực. Công cuộc đổi mới đã đưa đất nước ta lên một tầm cao mới. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay!”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thế hệ hôm nay phải có trách nhiệm phát huy truyền thống, tinh thần độc lập dân tộc của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, cống hiến tận tâm, tận lực, biết tập hợp, quy tụ và khơi dậy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại một cách khoa học, không ngại khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động, sáng tạo, cống hiến toàn bộ trí tuệ, sức lực, tâm huyết cho sự nghiệp chung thì tất yếu sẽ huy động và sử dụng được một cách hiệu quả nhất các nguồn lực, mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho đất nước, đưa đất nước ngày càng phát triển đi lên.

Kế thừa mạch nguồn truyền thống văn hóa, cách mạng, những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh cùng nhau đoàn kết, viết tiếp trang sử hào hùng, làm nên diện mạo mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Với truyền thống 78 năm qua và tiếp nối những kinh nghiệm của các vị đại biểu tiền nhiệm, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị ĐBQH Hà Tĩnh tiếp tục làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, thực hiện hiệu lực, hiệu quả quyền giám sát tối cao, góp phần quyết định sát đúng những vấn đề quan trọng của đất nước; đổi mới nâng cao công tác dân nguyện, kịp thời nắm bắt nguyện vọng, ý kiến của cử tri, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đồng hành với nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Nguồn baohatinh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục