Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chúng tôi đứng trên boong tàu, chuẩn bị ra xuồng để lên đảo An Bang, loa phát thanh từ đài chỉ huy vọng lên câu hát: "Một màu xanh Sinh Tồn, Song Tử/ Ðẹp dịu dàng Tiên Nữ, An Bang".
Kéo giữ xuồng cập đảo An Bang, quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
Chỉ vài chục giây sau khi xuất phát, gió ngược chiều sóng, phả vào nhau dựng thành cột, thành bụi, thành lưỡi sóng trắng buốt. Các thành viên có kinh nghiệm trong đoàn công tác dặn dò: "Mọi người nhớ giữ chặt, che chắn đồ đạc, máy ảnh, cần cẩn thận với sóng gió khơi xa!".
Đầu giờ chiều, biển Trường Sa thẳm xanh, lăn tăn sóng, nắng như đổ lửa. Lúc chuẩn bị hạ xuồng, một đợt sóng lớn mở màn, vây bủa tứ phía. Thuyền trưởng tàu KN490 điều hành kíp trực trên ca-bin còn cả ba thuyền phó đều ở vị trí sẵn sàng nhiệm vụ điều hành kíp xuồng khoảng 15 người. Cảm nhận được nỗi âu lo thoáng qua ánh mắt một số thành viên đoàn công tác, Thiếu tá Ðoàn Văn Duân, Chính trị viên tàu trấn an: "Các đồng chí hãy yên tâm, tất cả yếu tố an toàn đều được bảo đảm, sóng lớn là chuyện hằng ngày, hằng giờ, xuồng vẫn được hạ bình thường!". Mạn tàu, một bên thuyền phó, một bên chính trị viên cầm loa tay, bám sát và chỉ đạo từng hoạt động nhỏ nhất của người và xuồng.
Ðảo An Bang đã rõ ràng trước mắt nhưng xuồng chưa thể vượt qua mép xanh, ranh giới giữa biển và đảo. Người đi biển gọi đó là mép xanh tử thần, sóng bao giờ cũng dữ dội, khó lường nên kíp xuồng phải dồn sức mà nương theo sóng để đưa người và hàng hóa lên đảo an toàn. Chiếc xuồng giằng co với sóng đến nửa giờ đồng hồ. Thuyền phó điều hành phát hiệu lệnh: "Không cập đảo, chờ xuồng CQ, áp sát theo".
Xa xa, từ phía tàu, một chiếc xuồng CQ chở hàng vừa hạ xuống. Ðây là phương tiện có khả năng chạy xuyên qua sóng, chịu thêm được một đến hai cấp sóng so với xuồng thông thường và trượt trên san hô, đá cuội, không chìm, không méo thủng khi va đập. Các thủy thủ giàu kinh nghiệm mới có thể lái xuồng CQ. Nhận được tín hiệu, chiếc xuồng lập tức giảm tốc độ, chắn sóng cho xuồng bên cùng vượt mép xanh.
Cả Trường Sa đương đầu với sóng gió, nhưng riêng đảo An Bang luôn đặc biệt hơn. Sóng không chỉ đến từ gió mà còn ở chính nét đặc thù địa hình. Ðảo có hình cây nấm, bốn mùa sóng gầm gào suốt ngày đêm. Cát cũng quay cuồng quanh đảo. Ðầu năm, doi cát nằm phía đông nam, giữa năm dịch về tây nam và tháng bảy đã ở đông bắc. Một trong ba vị trí này chính là điểm xuồng lên đảo.
Cầu tàu An Bang vì thế cũng khác lạ. Chỉ huy trưởng của đảo luôn đích thân ra tận mép nước đón từng người; lính mới không được chọn vào đội đón xuồng, ít nhất phải qua huấn luyện vài ba tháng. Ðội đón xuồng từ 15 đến 20 người, thành thạo các kỹ năng bơi lội, bắt và căn chỉnh dây kéo. Khi xuồng vượt khỏi mép xanh, thủy thủ sẽ ném một sợi dây về phía đảo.
Ngay lập tức, một chiến sĩ trên bờ nhảy lên bắt chính xác, cả đội đón xuồng chập ngay vào thành "sợi dây người" níu chặt chiếc xuồng, quần thảo với sóng. Chỉ ở đảo An Bang, mới có thể tận mắt chứng kiến cảnh tượng những con sóng lớn gối lưng nhau dồn dập, quất chiếc xuồng hình quả nhót đang chòng chành dưới biển một nhát thẳng lên bãi cát khô rang.
Vất vả, căng thẳng nhưng lên được đảo vẫn là may mắn, nhiều đoàn công tác từng phải quay về. Cả đoàn lên đảo được an toàn, hàng cũng được chuyển đến đầy đủ, những con người vừa cưỡi sóng lặng lẽ đứng nhìn chiếc xuồng nhỏ phơi mình trên cát. Trước câu hỏi về nỗi vất vả khi đưa đoàn vào đảo, các chiến sĩ chỉ cười ấm áp, tay gạt mồ hôi đáp: "Có thấm gì đâu thưa các đồng chí. Ðó là nhiệm vụ của người lính chúng tôi".
Mùa biển lặng, người và hàng hóa lên đảo sẽ qua cửa dưới của con tàu nhưng mùa biển động phải đổi cửa khác và căn cứ theo thủy triều. Thường hàng sẽ lên đảo trước, người lên sau. Ăn sáng xong, kíp xuồng làm việc xuyên trưa, đảo lộn mọi giờ giấc sinh học và sinh hoạt. Trên đầu nắng chang chang, người lái xuồng vẫn mặc áo mưa trùm từ đầu xuống chân để tránh sóng.
Mồ hôi ướt đầm cơ thể nhưng thế còn dễ chịu hơn cảm giác da thịt cắn rứt vì nước biển. Can trà đá pha sẵn luôn để trên xuồng, người lính lúc nào ngơi chân ngơi tay thì uống tạm. Cứ thế, hai chiếc xuồng chở hàng không ngừng chạy vào, chạy ra. Biển động không lên được nhà giàn, tàu thả dây, vẫn kíp xuồng đảm nhận. Mỗi sợi dây có khoảng 10 đến 15 đốt hàng bảo quản trong túi chống nước, cách nhau cỡ 10 mét.
Hoàn tất các công đoạn, bộ đội trên nhà giàn sẽ kéo hàng lên. Lúc này, tuy không phải điều khiển từng chuyến xuồng cưỡi sóng nhưng kíp xuồng lại giữ nhiệm vụ không kém phần quan trọng đó là đóng gói, bảo quản thật tốt toàn bộ hàng. Họ chia sẻ, nhiều quà tặng đặc biệt như cây, hoa, đồ dễ vỡ… phải "nâng như nâng trứng" thì đến tay bộ đội mới nguyên vẹn được.
Thiếu tá Ðoàn Văn Duân, Chính trị viên tàu KN490 cho biết, người làm nhiệm vụ trong kíp xuồng cần hành động thật chính xác bởi mọi sơ sẩy đều phải trả giá rất đắt. Cán bộ như anh thường điều hành bao quát chung, thủy thủ điều hành trực tiếp trên xuồng và họ phối hợp với bộ đội trên đảo thật nhịp nhàng, nhuần nhuyễn. Ðó vẫn chưa phải phần việc khó nhất.
Quá trình hướng dẫn đại biểu lên xuồng, rời xuồng sao cho an toàn, chu đáo cũng hóc búa không kém. Theo lời các chính trị viên trên tàu, để làm được điều đó, sức lực trí tuệ thôi chưa đủ mà cần tấm lòng nhân hậu, bao dung. Kíp xuồng thường chỉ có khẩu lệnh: Lên, xuống, cúi, bước… nhưng hô thế nào để đại biểu cảm thấy an toàn, tin cậy là điều họ luôn trăn trở.
Kể về những khoảng lặng trong công việc và cuộc sống, những người lính đã bỏ qua câu chuyện của cá nhân mình để hướng về đồng đội. Ðáng nhớ với họ là những lần chứng kiến bộ đội trên đảo tiễn đồng đội ra quân. Trên xuồng là các chiến sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ. Dưới cát bỏng, nắng nung, đồng đội còng lưng đẩy chiếc xuồng, người trên xuồng buộc phải ngồi im mà không thể giúp. Xuồng nhích được vài mét, sóng đánh tuột thẳng ra biển, mép xanh ngăn cách nhau luôn...
Mùa biển lặng, kíp xuồng đôi khi có khoảnh khắc thật bình yên. Ðoàn công tác giao lưu cùng bộ đội, họ ngồi bên bờ cát vui đùa với đàn chó đảo. Một thành viên kíp xuồng bồi hồi nhớ lại, đầu năm 2019, trên đảo Ðá Ðông C, anh chứng kiến câu chuyện giản dị nhưng đầy cảm động, đó là cảnh chia tay của người lính ra quân với chú chó nhỏ. Năm trước, người lính nhận nhiệm vụ ở đảo chìm đúng lúc đàn chó con chào đời. Anh nhận nuôi một con, suốt cả năm người và vật nuôi canh gác, bắt cá, tăng gia một bước không rời.
Chia tay, chú chó nhỏ lội xuống biển, nửa thân dưới và hai chân sau ngập nước, hai chân trước huơ lên mép xuồng. Bộ đội cúi đầu, ghì chặt. Kíp xuồng không nỡ vội khởi động máy. Vài ngày sau, ở trên tàu, họ an ủi người lính bằng những câu thơ nhập vai chú chó: "Về đi anh người bạn lớn của tôi/ Anh sẽ có những người thân yêu nhất/ Tôi ở lại vẫn ngày đêm canh gác/ Dịu bớt nhớ nhung khi bạn mới ân cần...".
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất với kíp xuồng là mỗi lần tàu tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo, họ điều hành một chiếc xuồng đặc biệt được thả xuống để phóng viên tác nghiệp. Vẫn là những con người mỗi ngày dũng cảm vượt lên sóng gió, cần mẫn đóng gói chuyển hàng, nay họ chùng xuống, chỉ cho phóng viên xem từng đàn cá chuồn đang quẫy lượn thành vòng tròn mà ngày thường rất khó nhìn thấy. Họ kể mãi về những chiếc vòng hoa tưởng niệm dù sóng to gió lớn cỡ nào cũng đều trôi về phía Gạc Ma.
Suốt hành trình đến với Trường Sa, chúng tôi nhớ mãi tâm sự của những người lính. Ðể những chuyến xuồng hoặc hàng hóa vào đảo được an toàn hay cảm thấy bình yên, không phải chúng ta cứ đứng dưới trông lên, từ xa trông lại, mà buộc phải vượt lên trên đầu ngọn sóng. Công tác xa gia đình, một năm chỉ vài lần nghỉ phép, nhưng những người lính trên mỗi chuyến tàu ra đảo luôn can trường, quả cảm, nén chặt mọi tâm tư vào sâu thẳm lòng mình.
"Trường Sa ơi mai tàu rời bến/ Ta lại về phố thị thân thương/ Vòng tay ấm bao chuyện buồn vui/ Biển vẫn yên lòng ta lay động". Bài hát tạm biệt vang lên vào đêm cuối của cuộc hành trình, chúng tôi thấy cả kíp xuồng lặng yên nhìn sâu vào mắt mọi người với đủ sự tinh anh và đa cảm.
Nguồn Nhandan