Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Năm 1968, sau trận thắng ở Luang Phrabang, ông Hà Văn Đức và đồng đội được người dân mang hai con trâu đến biếu để cảm ơn nhưng không dám nhận.
Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, tháng 10/1945, chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lào Issara ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt. Từ 1945-1947, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định xây dựng và phát triển các đợn vị Việt kiều Giải phóng quân trên đất Lào.
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương quyết định: "Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân Tình nguyện". Từ đó ngày này, được lấy làm Ngày truyền thống Quân Tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào.
Đại úy Hà Văn Đức, 73 tuổi, là một trong hàng nghìn chiến sĩ tình nguyện đó, những người đã cùng với quân đội và nhân dân Lào chiến đấu và giành thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Những vết thương của bom đạn vẫn còn in dấu trên cơ thể sau hàng chục năm nhưng không ngăn được sự hào hứng của ông khi kể về những ngày tháng nếm mật nằm gai tại nước bạn.
"Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ rằng mình đang giúp nước bạn cả", ông nói với VnExpress. "Trong tâm trí, chúng tôi chỉ biết rằng mình đang chiến đấu chống kẻ thù chung, vì độc lập tự do của dân tộc. Dù chiến đấu ở Lào hay Việt Nam cũng giống nhau".
Đại úy Hà Văn Đức tại Lễ kỷ niệm 70 năm Quân Tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào hôm 29/10 ở Hà Nội . Ảnh: Tất Định
Ông Đức nhập ngũ năm 1965 và chỉ mấy tháng sau được điều sang chiến đấu tại chiến trường Bắc Lào, đóng quân tại tỉnh Sầm Nưa (nay là tỉnh Hủa Phăn). Dù là người dân tộc Thái đen, quen sống ở miền núi, địa hình và khí hậu ở nước láng giềng vẫn khiến ông và các đồng đội bỡ ngỡ.
"Có những đêm đông giá rét giữa tháng 12, chúng tôi phải lội suối đi trinh sát. Ở những đoạn nước ngập đến đầu, anh em phải cởi quần áo ra, bám vào nhau mà bơi sang bên kia sông mới dám mặc vào", ông kể. "Quân phỉ có mặt khắp mọi nơi. Nếu bị phát hiện, chúng sẽ báo máy bay Mỹ đến thả pháo sáng, bom, lựu đạn xuống chỗ chúng tôi".
Khi đế quốc Mỹ càng điên cuồng leo thang chiến tranh, quân và dân hai nước càng thêm gắn bó, đồng cam cộng khổ, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Bộ đội Lào rành rõi địa hình, dẫn đường trinh sát cho bộ đội Việt Nam, chia cánh chiến đấu, kề vai sát cánh trong từng chiến hào, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa.
"Khi đến những vùng người dân địa phương thiếu thốn, chúng tôi nhường cơm sẻ áo cho họ. Ở những vùng người dân có thóc, họ để lại bồ trên nương để bộ đội đi qua gặp thì lấy về giã bột ăn, nấu cháo", ông kể.
Quân đội hai nước liên tiếp mở các chiến dịch và các trận đánh lớn, nhỏ, tiến công tiêu diệt địch trên khắp các chiến trường, mở rộng và giữ vững vùng giải phóng. Kỷ niệm còn đọng mãi trong tâm trí ông là vào năm 1968, sau khi quân tình nguyện giải phóng một xã ở tỉnh Luang Phrabang, người dân vui mừng mang hai con trâu đến biếu họ.
"Chúng tôi từ chối vì không dám nhận quà của dân nhưng họ bảo rằng 'nếu bộ đội không lấy thì bọn địch cũng lấy thôi'", ông kể. Nhóm chiến sĩ vì thế mà nhận tấm lòng của bà con. "Chúng tôi rất cảm động và càng tự nhủ phải chiến đấu mạnh mẽ hơn".
Tháng 4/1971, ông Đức bị thương trong một trận đánh, bị gãy tay và từ đầu đến chân đều có thương tích. Sau ba tháng điều trị, dù không tham gia chiến đấu nữa, ông vẫn tiếp tục gắn bó với cuộc chiến của nhân dân Lào trên vai trò giảng viên huấn luyện đặc công cho bộ đội Lào.
Ông Trần Đình Dần, 68 tuổi, Chánh văn phòng Ban Liên lạc Quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, cũng từng có 5 năm chiến đấu ở nước bạn và nhiều kỷ niệm khó quên với quân dân Lào.
Ông cho hay do tập trung làm nhiệm vụ, quân tình nguyện Việt Nam ít ở có cơ hội gặp gỡ người dân. Tuy nhiên, giữa hai bên luôn có mối tình cảm sâu sắc.
"Họ coi bộ đội Việt Nam như con. Dù đói cũng sẵn sàng chia sẻ đồ ăn khi bộ đội đến bản. Họ có rau cho rau, mùa gặt hái thì có cơm nếp", ông Dần kể. "Bộ đội Việt Nam gọi người Lào già là o, me, là bố mẹ. Các thanh niên Lào đi theo cách mạng nên phụ nữ ở lại làng bản rất thân tình, quý mến bộ đội Việt Nam".
Ông Dần nhập ngũ năm 1969, khi mới 18 tuổi, là lính phòng không thuộc Trung đoàn 335, có mật danh là Trung đoàn Thảo Nguyên, vì trước kia được thành lập ở thảo nguyên Mộc Châu, Sơn La. Trong lần làm nhiệm vụ đầu tiên, ông và các đồng đội phải hành quân 50 km vào sâu trong đất Lào, toàn là núi dốc, để bảo vệ một cứ điểm tập kết lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược của Việt Nam, tiếp tế cho chiến trường Bắc Lào. Nơi này thường xuyên bị Mỹ đánh phá.
Mùa mưa năm 1972, ông phối hợp cùng các đơn vị của Lào trong trận khốc liệt nhất để bảo vệ Cánh Đồng Chum. Hơn 70 tiểu đoàn của địch chia làm 5 hướng tấn công, áp đảo lực lượng Việt - Lào. Trong suốt nửa năm, quân tình nguyện Việt Nam đã đánh 214 trận lớn nhỏ với cường độ chiến đấu cao và cuối cùng giành chiến thắng. Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt tăng cường" bị đánh bại, buộc đế quốc Mỹ và chính quyền phái hữu Viêng Chăn phải ký Hiệp định Viêng Chăn lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào.
"Ở thế hệ chúng tôi, việc trở thành chiến sĩ của quân đội Việt Nam, cầm súng chiến đấu thực sự là tự nguyện, vì mục tiêu giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc", ông Dần nói. "Bộ đội Việt Nam đã dũng cảm, kiên cường cùng quân và dân Lào chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng".
Đại úy Hà Văn Đức (thứ hai từ phải sang) vui mừng khi hội ngộ các cựu binh tham gia Quân Tình nguyện Việt Nam tại Lào hôm 29/10. Ảnh: Tất Định
Từ năm 1973 đến năm 1975, một bộ phận quân tình nguyện Việt Nam ở lại giúp Lào bảo vệ vùng giải phóng. Đến giữa năm 1975, quân tình nguyện Việt Nam đã hỗ trợ quân và dân Lào giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Tại Việt Nam, thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã thống nhất đất nước.
Kết thúc kháng chiến, một số đơn vị quân Tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trên các lĩnh vực tiếp tục sang Lào hỗ trợ nước bạn khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế.
Với những chiến công xuất sắc và đóng góp to lớn cho cách mạng hai nước, lực lượng Quân Tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cùng Huân chương Vàng quốc gia cao quý nhất của Đảng và Nhà nước Lào.
Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống do Bộ Quốc phòng tổ chức hôm 29/10 tại Hà Nội, lực lượng Quân Tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Trở về Tổ quốc sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Đức làm trưởng ban trinh sát đặc công bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La và nghỉ hưu vào năm 1984. Dù vậy, mỗi năm ông và các đồng đội cũ trong lực lượng quân tình nguyện vẫn sắp xếp thời gian sang Lào vài lần và trở thành cầu nối giữa tỉnh Sơn La với chính quyền, nhân dân các tỉnh Bắc Lào, nơi ông đã gắn bó suốt 10 năm chiến đấu. Ông hiện là trưởng ban Liên lạc Quân Tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào của tỉnh Sơn La.
"Hiện có khoảng 1.600 học sinh và học viên Lào từ 17 đến 30 tuổi đang học tiếng Việt và học nghề tại các trường ở Sơn La", ông Đức cho biết. "Tất cả những ngày lễ, Tết chúng tôi đều đến thăm, tặng quà cho các em. Ngược lại, ngày nghỉ, các em cũng thường đến nhà chúng tôi quây quần. Các em còn đưa gia đình sang thăm và gọi tôi là bố nuôi".
Lào cũng là nơi 6 đồng đội trong lực lượng quân tình nguyện của ông mãi mãi nằm lại mà không tìm thấy hài cốt. Năm 2014, ông đã sang làm lễ cầu siêu cho họ và đưa bài vị về chùa Phật Tích ở Luang Phrabang thờ cúng.
"Năm nào không sang Lào là tôi rất áy náy. Một nửa trái tim tôi ở Việt Nam, nửa còn lại ở Lào", ông Đức nói.
Nhắc đến các đồng đội đã hy sinh ở Lào, ông Dần nghẹn lời. Cùng đi bộ đội với ông có 11 người bạn học cùng phổ thông trung học. Kết thúc chiến tranh, ông là người may mắn còn nguyên vẹn trở về, 6 người hy sinh, những người còn lại không rõ tung tích.
"Tôi nhớ đồng đội đã hy sinh, nhớ sự đùm bọc, che chở của nhân dân Lào và quân giải phóng Lào đã sát cánh với chúng tôi chiến đấu", ông nói. "Người Việt Nam vẫn nhớ lời dạy của Bác Hồ: giúp bạn cũng là tự giúp mình. Trong thời buổi hội nhập quốc tế, mỗi nước đều có những lựa chọn vì lợi ích của quốc gia mình nhưng Việt - Lào vẫn là quan hệ có tính chiến lược và không thể tách rời".
Nguồn VNE