Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cựu chiến binh tích cực tham gia sản xuất 

Cập nhật ngày: 10/06/2019 - 14:49

BTN - Xã Trường Ðông là xã nông thôn mới, cách trung tâm thị trấn Hoà Thành 7 km. Diện tích đất nông nghiệp chiếm 90% tổng diện tích tự nhiên, kinh tế địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.

Trong những năm qua, bà con trong xã đã thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng từ trồng cây mì, lúa nước sang trồng cây nhãn. Hiện nay, nhãn trên thị trường đang có giá. Tuy nhiên, hầu hết các hộ trồng nhãn chỉ sản xuất theo kinh nghiệm, chưa biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng không cao, nhiều hộ thua lỗ do nhãn bị sâu bệnh, chưa kể còn bị thương lái ép giá.

Vườn nhãn của CCB, thương binh Nguyễn Văn Triều, ấp Năm Trại, xã Trường Đông.

Từ những thuận lợi và khó khăn trên, Hội CCB xã Trường Ðông họp bàn và vận động cán bộ, hội viên CCB tham gia mô hình “Hợp tác xã trồng nhãn” với mục đích tạo việc làm ổn định cho hội viên, gia đình hội viên trong độ tuổi lao động, tăng thu nhập, giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Qua khảo sát, được sự hỗ trợ của Huyện hội và chính quyền địa phương, 16 hội viên CCB và những người có kinh nghiệm trồng nhãn đăng ký thành lập hợp tác xã với nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ. Tổ quản lý hợp tác xã gồm 3 người, tổ trưởng, tổ phó và thư ký, được phân công cụ thể tổ trưởng phụ trách khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, theo dõi, quản lý tất cả các khâu từ mua giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch; tổ phó phụ trách khâu thu mua vật liệu đầu vào; thư ký theo dõi sổ sách, chứng từ thu chi.

Mỗi thành viên tham gia vào hợp tác xã phải có đất trồng nhãn, Hợp tác xã lập kế hoạch sản xuất dự toán chi phí, doanh thu và lợi nhuận theo diện tích của từng thành viên. Ðến nay hợp tác xã đã có 13,5 ha vườn trồng nhãn tiêu da bò, người thấp nhất là 0,2 ha, người cao nhất là 0,8 ha.

Ông Trang Văn Măng, tổ trưởng tổ quản lý cho biết, khi thành lập hợp tác xã, hội gặp không ít khó khăn vì nhiều gia đình hội viên chưa tin tưởng, chỉ sợ “cha chung không ai khóc” hoặc “đánh trống bỏ dùi”. Nhưng Ban Chấp hành Hội CCB tích cực tuyên truyền, vận động, “mưa dầm thấm lâu”, dần dần họ hiểu được chỉ có cùng nhau liên kết thì mới phát triển bền vững.

Ông Châu Văn Kéo, tham gia hợp tác xã với 0,8 ha, trăn trở: “Nhiều năm nay, sản lượng và chất lượng trái nhãn của gia đình tôi luôn đạt tiêu chuẩn, nhưng đầu ra vẫn bấp bênh. Từ thực tế trên, tôi vận động gia đình và các hội viên lân cận tham gia hợp tác xã để tạo mối liên kết sản xuất bền vững; hỗ trợ nhau cùng phát triển sản xuất tạo sản phẩm có chất lượng cao trên cơ sở quản lý, giám sát từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị”.

Ông Nguyễn Ðức Thắng - Chủ tịch Hội CCB xã Trường Ðông thông tin thêm, sau khi hợp tác xã thành lập và ra mắt đầu tháng 5.2019, ngoài số tiền ban đầu của 16 thành viên đóng góp, Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện cũng đã hỗ trợ 100 triệu đồng để hợp tác xã mua cây giống, phân bón, máy phun xịt thuốc và thuốc bảo vệ thực vật. Theo dự kiến, với mức đầu tư 74 triệu đồng cho 1 ha, bình quân 1 ha nhãn thu hoạch khoảng 1,5 tấn sản phẩm thì doanh thu sẽ là 225 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 74 triệu đồng sẽ còn lời hơn 150 triệu đồng/ha/năm.

Ông Bùi Văn Khắc, Chủ tịch Hội CCB huyện Hoà Thành, phần khởi nói: “Chúng tôi nhất trí và khuyến khích các hội viên CCB tham gia vào hợp tác xã để không chỉ tổ chức sản xuất theo hướng bền vững, mà còn thực hiện tốt việc tương thân, tương ái trong cuộc sống, sinh hoạt, bảo đảm vệ sinh môi trường, tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Hà Quang


Liên kết hữu ích