Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Sẽ mang đến thay đổi tích cực cho giáo dục đại học tại Việt Nam
Thứ năm: 08:37 ngày 03/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đó là nhận định của ông Ted Osius, Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Đại học Fulbright tại Việt Nam (FUV) về những chương trình mà Đại học Fulbright đã và đang triển khai, trong trả lời phỏng vấn riêng với Thế Giới & Việt Nam.

Được biết ông từng chia sẻ về sứ mệnh định nghĩa lại khái niệm trường đại học ở Việt Nam của Đại học Fullbright. Ông vui lòng giải thích rõ thêm về điều này?

Tôi muốn bắt đầu với câu nói của Thượng nghị sỹ Fulbright mà chúng tôi vinh dự mang tên. Đó là: “Chúng ta phải dám nghĩ những điều thường bị coi là không tưởng. Chúng ta phải dám học cách khám phá mọi khả năng và giới hạn mà chúng ta đang đối mặt trong một thế giới đầy phức tạp và biến động không ngừng”.

Đây chính là động lực để chúng tôi xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam, với mục tiêu tạo ra ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của các bạn trẻ, giúp giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội Việt Nam và sau cùng, mở đường cho một cách tiếp cận mới đến với giáo dục đại học chất lượng cao ở các nước đang phát triển. Vậy chúng tôi có thể làm được điều đó bằng cách nào?

Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius.

Nhìn chung, các trường đại học hiện nay đa phần không có mấy khác biệt so với cách đây 200 năm. Khi đó, các trường đại học được xây dựng cho một thế giới khác, nơi con người cần đến một nơi để tiếp thu và truyền đạt tri thức bởi họ không có các kênh thông tin nào khác. Tuy nhiên, thế giới hôm nay đã trở nên rất khác. Ngày nay, thông tin luôn sẵn có chỉ với một cú click chuột và các vấn đề ngày càng phức tạp hơn. Chúng ta cần một nền giáo dục đại học tương thích với thế giới hôm nay thay vì đóng khung trong quá khứ.

Tôi tin rằng Đại học Fulbright đem đến cơ hội đặc biệt để tạo ra những thay đổi tích cực trong giáo dục. Sinh viên sẽ không chỉ học kiến thức mà quan trọng hơn, sẽ học cách xử lý như thế nào với khối lượng kiến thức mới đó. Và các nghiên cứu chỉ ra rằng họ chỉ có thể làm điều đó tốt nhất khi chính họ là người chủ động trong quá trình tư duy và học tập.

Mặt khác, chúng ta đang bước vào thời điểm mà các vấn đề và ý tưởng không còn bó hẹp trong một ngành nghề, chuyên môn cụ thể nào nữa. Những vấn đề phức tạp của hiện tại đòi hỏi cách tiếp cận tổng hợp, đa lĩnh vực. Chúng ta cần một chương trình giáo dục có cách tiếp cận thích hợp và chính sinh viên phải đóng vai trò chủ chốt trong quá trình học tập của họ.

Không giống như những trường đại học lâu đời vốn phải vật lộn với di sản quá khứ hàng chục, hàng trăm năm để đổi mới, Fulbright khởi xướng chương trình đào tạo đại học từ đầu, cho phép chúng tôi theo đuổi những đổi mới sáng tạo và phương pháp sư phạm mới nhất. Trong khi đó, mối liên hệ lâu dài của Fulbright với Đại học Harvard thông qua chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tạo dựng một nền tảng vững chắc để Fulbright hợp tác với các trường đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ và trên thế giới.

Cho đến nay, Fulbright là trường đại học duy nhất ở Việt Nam nhận được sự hỗ trợ tài chính quan trọng từ Chính phủ Hoa Kỳ. Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã giúp thành lập một số trường đại học quốc tế hàng đầu, bao gồm Đại học Thanh Hoa ở Trung Quốc, Đại học Hoa Kỳ tại Cairo và Đại học Hoa Kỳ tại Beirut. Những trường đại học này thành công bởi chúng bắt rễ sâu sắc vào đời sống nước bản địa, chứ không phải là một chi nhánh của một trường đại học Hoa Kỳ. Fulbright đặt mục tiêu trở thành một trung tâm học thuật xuất sắc tầm cỡ quốc tế ở Việt Nam và cho Việt Nam, giúp giải quyết những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, hiện là Phó Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).

Theo ông, trước thực trạng ở Việt Nam, môi trường việc làm vốn không khan hiếm, nhưng chất lượng cử nhân lại không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Ông có tự tin về chất lượng đào tạo của Đại học Fullbright không khi mà mô hình đào tạo của Fullbright khá là khác lạ so với mô hình đào tạo đại học truyền thống ở Việt Nam?

Chắc chắn rồi. Là một trường đại học đổi mới, sáng tạo, ngay từ đầu Fulbright đã mời cộng đồng doanh nghiệp tham gia các hội thảo thiết kế trường đại học. Chúng tôi thường đặt câu hỏi: Doanh nghiệp trông đợi gì ở một sinh viên tốt nghiệp Fulbright?

Các nhà tuyển dụng luôn nói với chúng tôi rằng họ tìm kiếm những sinh viên tốt nghiệp có khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, có thể hợp tác và làm việc nhóm, và những người ham học hỏi, sẵn sàng đương đầu với thách thức. Một sinh viên giỏi kiến thức chuyên môn không còn đủ nữa. Họ phải học được cách ứng dụng những gì đã học vào việc giải quyết các thách thức mà họ sẽ gặp phải trong công việc.

Mô hình giáo dục mà Đại học Fulbright đang theo đuổi sẽ tạo cho sinh viên cơ hội phát triển bản thân như một con người hoàn chỉnh, mở mang tri thức, kỹ năng và phẩm chất của họ. Chúng tôi muốn chuẩn bị cho sinh viên để thành công không chỉ trong những công việc ban đầu mà quan trọng hơn là một sự nghiệp lâu dài trong hai mươi năm tới.

Người đồng cấp trước đây của ông - Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh khẳng định rằng giáo dục luôn là lĩnh vực hợp tác quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Ông có đồng cảm với nhận định này?

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của Đại sứ Phạm Quang Vinh. Một mối quan hệ bền vững luôn được xây dựng trên nền tảng của các mối quan hệ về giáo dục và giữa khu vực tư nhân hai nước. Từ trước khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hai nước đã bắt đầu xây dựng mối quan hệ về giáo dục thông qua chương trình học bổng Fulbright, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (tiền thân của Đại học Fulbright) và Quỹ Giáo dục Việt Nam. Những gắn kết này đóng vai trò chủ chốt trong việc kiến tạo nền tảng của mối quan hệ mà chúng ta đang có ngày nay và thậm chí còn đóng vai trò quan trọng hơn nữa cho tương lai sắp tới.

Được biết, ông đã gắn bó với ngành ngoại giao được 30 năm và có 3 nhiệm kỳ Đại sứ tại Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Chắc hẳn, ông đã suy nghĩ rất nhiều khi quyết định chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục? 

Quyết định rời khỏi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không phải là điều dễ dàng, nhưng tôi tin mình có thể đóng góp lớn, phụng sự cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ bằng cách làm việc bên ngoài khu vực chính phủ, giúp xây dựng một trường đại học sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam và mối quan hệ lâu dài với Hoa Kỳ. Tôi tin rằng Đại học Fullbright sẽ giúp thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam và kết nối hai nước qua nhiều thế hệ.

Đất nước, con người Việt Nam và những kỷ niệm nơi đây có phải là một phần lý do ông chọn để tiếp tục sinh sống và làm việc tại Việt Nam? Ông có thể cho biết thêm về những dự định của ông trong tương lai?

Năm 1996, tôi đã vinh dự được đến Việt Nam để giúp Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam, ngài Pete Peterson đặt nền móng cho mối quan hệ giữa hai nước chúng ta. Nhờ đó, tôi đã được đến thăm rất nhiều nơi tại Việt Nam. Tôi từng có cơ hội đi đạp xe từ Bắc vào Nam và được đặt chân đến rất nhiều thành phố như Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang...

Ba năm vừa qua, được công tác tại Việt Nam với tư cách là Đại sứ như một “giấc mơ có thật”. Và bây giờ, tôi còn tiếp tục được gắn bó với đất nước của các bạn dưới tư cách mới là Phó chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam.

Tình yêu của tôi đối với Việt Nam không còn là một điều bí mật. Gia đình của tôi đang hạnh phúc ở đây. Dù không thể biết tương lai sẽ ra sao, nhưng tôi biết rằng Việt Nam sẽ luôn là một phần trong cuộc sống của chúng tôi.

Xin cám ơn ông!

Nguồn baoquocte

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục