BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đã chọn 12 tỉnh, thành phố để phát triển du lịch đêm 

Cập nhật ngày: 05/06/2024 - 22:22

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Tp.Hà Nội, Ninh Bình, Tp.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác đã tìm thấy nhiều sản phẩm du lịch đêm thu hút, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Chiều 5/6, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều ĐBQH quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế, du lịch đêm.

Đặt câu hỏi chất vấn, ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng du lịch đêm là hướng đi đúng đắn, nhưng hiện đơn điệu, chưa đặc sắc để thu hút du khách. Thậm chí, loại hình này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Đại biểu hỏi: “Quan điểm của Bộ trưởng và giải pháp vấn đề này như thế nào?”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn về phát triển du lịch đêm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1129 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Trong đó, có giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm.

Theo đó, Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm. Các địa phương này phát triển kinh tế, sản phẩm du lịch đêm theo mô hình phát triển các khu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí...Nhờ sự nỗ lực của Bộ và các địa phương, tín hiệu bước đầu của việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực.

Như Tp.Hà Nội, Ninh Bình, Tp.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác đã tìm thấy nhiều sản phẩm du lịch đêm thu hút và đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Tín hiệu bước đầu của việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực.

Một số sản phẩm du lịch đêm nổi bật được các địa phương xây dựng, như "Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - tinh hoa đạo học", "Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm", "Đêm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình" ,"Quận 1 - Sắc màu đêm"...

Tuy nhiên, đây cũng vấn đề mới và khó, du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành.

Để giải bài toán phát triển kinh tế, du lịch đêm, ông Hùng cho rằng các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm, khu để phát triển kinh tế đêm.

Ông Hùng nhận định quy hoạch là vấn đề quan trọng vì các khu vực đều có người dân ở xen kẽ, “làm thế nào để bên này hoạt động, bên kia người dân vẫn được ngủ”.

Ngoài ra, đề án này còn cần quan tâm đến lực lượng lao động, không chỉ là những người bán hàng mà còn cả lực lượng bảo vệ an ninh trật tự “bảo vệ cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi”.

Cùng với đó, chính quyền cần có chính sách, chế độ cho những người tham gia (như diễn viên biểu diễn chương trình nghệ thuật, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự...) và nghiên cứu phát triển thị trường. Việc này tránh tình trạng "không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ", rất lãng phí.

Các địa phương cũng cần phối hợp với Bộ trong phát triển một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để tăng thêm trải nghiệm cho du khách. Các tỉnh có thể mở thêm các cửa hiệu mua sắm, sản phẩm ẩm thực...

“Muốn làm được thì phải dựa trên các yếu tố về quy hoạch. Tôi biết nhiều chuyên gia kinh tế đã về các địa phương để làm nhưng cũng đang khó và đang nỗ lực, chứ không đơn giản để ngày một ngày hai”, ông Hùng chia sẻ và cho biết làm được những việc này, sản phẩm du lịch đêm sẽ tránh đơn điệu.

ĐBQH Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, các sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chủ yếu là hình thức phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm và một số hoạt động giải trí. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ trưởng trong việc đổi mới sản phẩm du lịch đêm cũng như lộ trình của việc thí điểm, nhân rộng loại hình du lịch này trong thời gian tới?

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cũng tranh luận, về phát triển kinh tế ban đêm, đại biểu Nguyễn Văn Thân khẳng định, đây là vấn đề cần được quan tâm nhằm góp phần vào tăng trưởng GDP. Việc phát triển kinh tế ban đêm cũng có thể giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư và triển khai.

Trả lời về sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, hiện tại không có vướng mắc, các quy hoạch đã được phê duyệt, các địa phương cũng đã công bố quy hoạch. Còn gói sản phẩm về du lịch đêm mà Bộ đưa ra thì mang tính chất hướng dẫn, thí điểm.

Nhưng cũng phải xác định nguyên lý của thị trường “bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái mà mình có”.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tranh luận về tình trạng chèo kéo, cạnh tranh khách du lịch, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị nên mở rộng các địa điểm du lịch như các hồ, đập thủy điện nhằm kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng thừa nhận sản phẩm chợ đêm là một loại hình và chúng ta đang làm. Ông Hùng cho rằng mở cửa chợ đêm cũng là cách để du khách đến và có điều kiện mua sắm. Có một số địa phương đã làm, nên Bộ trưởng mong các địa phương có thể nghiên cứu làm nhưng với điều kiện đảm bảo an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy. Do đó, cần tính toán rất kỹ và cho biết sẽ nghiên cứu thêm về gói sản phẩm để gợi ý cho các địa phương.

Nguồn nguoiduatin.vn