BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đã có gần 500 hộ dân tự nguyện chặt bỏ hơn 1.000 ha cây trồng sai mục đích

Cập nhật ngày: 13/08/2010 - 10:06
HTML clipboard

Bước sang năm 2010, công tác tuyên truyền, vận động và xử lý tình trạng bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích theo Quyết định 875 của UBND tỉnh có phần bị chựng lại. Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, công tác này tiếp tục được các địa phương đẩy mạnh hơn. Trong tháng 7 vừa qua, số hộ đăng ký cam kết chấp hành thực hiện Quyết định 875 tiếp tục tăng, đồng thời số hộ tự nguyện phá bỏ cây trồng không đúng mục đích trên đất lâm nghiệp để trồng rừng ngày càng nhiều hơn.

Theo báo cáo của BCĐ 1070, trong tháng 7 vừa qua, huyện Tân Châu đã vận động thêm được 40 hộ tự nguyện chặt bỏ cây trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp với diện tích hơn 78 ha, huyện Tân Biên vận động thêm được 6 hộ tự nguyện chặt bỏ hơn 24 ha cây trồng sai mục đích và huyện Dương Minh Châu vận động được 5 hộ chặt bỏ 12 ha cây trồng sai mục đích. Thống kê trên địa bàn toàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2010 cho thấy, các địa phương có rừng tiếp tục nỗ lực vận động được thêm 208 hộ tự nguyện chặt bỏ cây trồng sai mục đích với diện tích hơn 518,25 ha.

Một số hộ tự nguyện chặt bỏ cây điều trồng trên đất lâm nghiệp nhưng không thực hiện được.

Tính từ khi triển khai thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh vào giữa năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có 1.078 hộ đăng ký cam kết chuyển hơn 2.600 ha đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích sang trồng lại rừng. Đáng phấn khởi là đến nay trong tổng số hơn 1.000 hộ đăng ký cam kết, đã có 489 hộ tự nguyện chặt bỏ cây trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 1.045,46 ha- trong đó có 479,42 ha cây cao su, 566,04 ha cây điều, còn lại là các cây nông nghiệp khác. Đây là kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý tình trạng bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích, đồng thời qua đó cho thấy qua công tác tuyên truyền, vận động đã có nhiều người dân ý thức được việc bao chiếm sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích là sai và tự nguyện khắc phục.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số địa phương và chủ rừng thì hiện tại tiến độ công tác giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích vẫn còn chậm so với kế hoạch do còn một số vướng mắc. Tình trạng chung, vẫn còn không ít hộ vi phạm có tư tưởng kéo dài thời gian phá bỏ cây trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp để chờ xem có gì thay đổi hay không. Đối với những hộ như vậy, chính quyền địa phương phải hoàn thành các bước xử lý là lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính và cuối cùng là ra quyết định cưỡng chế. Đến khi chính quyền địa phương chính thức ra quyết định cưỡng chế thì đa số hộ này lại tự nguyện chấp hành. Việc cố tình kéo dài thời gian chấp hành của những hộ vi phạm đã làm chậm tiến độ công tác giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích.

Ngoài ra, hiện tại cũng có một số hộ đã đăng ký cam kết và tự nguyện chặt bỏ cây trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp, nhưng do điều kiện không thuận lợi nên chưa tiến hành chặt bỏ cây trồng. Cụ thể là ở Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát có một số hộ trồng điều trên đất lâm nghiệp, nay chấp hành chủ trương giải quyết tình trạng bao chiếm nên tự nguyện chặt bỏ cây điều. Thế nhưng trong giai đoạn hiện nay, giá bán cây điều xuống rất thấp- thậm chí có nơi không ai mua cây điều nên những hộ muốn phá bỏ cây điều không biết xử lý ra sao. Nếu chặt bỏ thì phải tốn nhiều chi phí nhưng không thể bán cây để thu lại chi phí được, hoặc bán giá quá thấp tiền thu lại không đủ bù chi phí đốn chặt. Trong khi đó, hầu hết các hộ trồng điều trên đất lâm nghiệp là hộ nghèo- nếu khá giả thì đã chuyển sang trồng cây cao su, mà phải chịu thêm chi phí chặt nên không ít hộ muốn tự nguyện nhưng khó có thể thực hiện được. Điều này cũng góp phần làm chậm tiến độ xử lý tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp ở một số khu rừng.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 1070, nhìn chung trong thời gian gần đây, các địa phương đã tích cực tập trung chỉ đạo, xử lý tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng không đúng mục đích và đạt kết quả tốt hơn những tháng đầu năm. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch thì tiến độ triển khai xử lý vẫn còn chậm. BCĐ 1070 đề nghị trong những tháng tiếp theo các địa phương tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh hơn nữa công tác xử lý các trường hợp bao chiếm đất lâm nghiệp, kiên quyết xử lý cưỡng chế các trường hợp cố tình trì hoãn kéo dài.

Sơn TrẦn

 

 


 
Liên kết hữu ích