BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đã có phương án ngăn chặn tái lạm phát

Cập nhật ngày: 12/06/2009 - 11:53

Trước chất vấn của đại biểu Quốc hội về phản ứng phụ của gói kích cầu, phòng ngừa tái lạm phát, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định, đã lường hết tất cả các phản ứng phụ và cùng các Bộ, ngành liên quan theo dõi chặt tình hình, nghiên cứu liệu pháp đối phó.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 12.6, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện gói kích cầu nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế nhưng nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn về hiệu quả và hệ luỵ của gói kích cầu này.

Cơ sở của gói kích cầu

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận), so với một số nước trong khu vực về mức độ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và quy mô gói kích cầu tương ứng thì quy mô gói kích cầu của Việt Nam rất lớn, xét về tỷ trọng GDP. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, Mỹ được xem là quốc gia suy thoái kinh tế nặng nề nhất nhưng gói kích cầu của họ chỉ đạt 4,5% GDP, Trung Quốc là 4,4%, Nhật là 2,2%.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết cơ sở của quy mô gói kích cầu. Đại biểu cho rằng với quy mô này, lượng tiền tung ra thị trường là rất lớn, với các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng, bội chi ngân sách tăng cao, Chính phủ đã sẵn sàng đối phó tái lạm phát?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trả lời, gói kích cầu của Chính phủ là đa mục tiêu, vừa cứu trợ doanh nghiệp, vừa tạo việc làm. Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn không có vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh đầu tư đều chủ yếu dựa vào vốn vay, khi đưa ra gói kích cầu hỗ trợ lãi suất thì cả ngân hàng, doanh nghiệp cùng được lợi.

Với gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất vay vốn 4%, người dân vẫn gửi tiền, ngân hàng có tiền cho vay, doanh nghiệp vay được tiền, từ đó đảm bảo sản xuất duy trì, có tăng trưởng, công nhân có việc làm.

Các nhà tài trợ, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá, tăng trưởng công nghiệp trong tháng 5 đạt 6,8% chính nhờ gói kích cầu này.

Bộ trưởng cho rằng gói kích cầu này “bấm đúng huyệt” của nền kinh tế.

Đề phòng phản ứng phụ

Băn khoăn chuyện “bấm nhầm huyệt”, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) nêu câu hỏi, các Quyết định 131, 443, 497 của Chính phủ đều lấy mốc 31.12.2009 là hạn chót hỗ trợ lãi suất, tức là các khoản vay được giải ngân từ khi Quyết định có hiệu lực cho đến 31.12.2009 sẽ được hỗ trợ lãi suất, đều không giới hạn mức tín dụng, nghĩa là không giới hạn dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất. Liệu có xảy ra tình huống đến 31.12.2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất tăng lên quá cao không, gây ra những hiệu ứng gì?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc giải trình, trong quá trình thực hiện, không phải chúng ta đưa ra ồ ạ gói kích cầu 17.000 tỷ mà có từng giai đoạn. Hiện nay đang ở bước đầu của giai đoạn 2, sẽ được theo dõi sát với tình hình, có điều chỉnh kịp thời khi có biến động về dòng dư nợ tín dụng. Về mức hỗ trợ 4% lãi suất, theo Bộ trưởng là hợp lý, nếu đưa mức cao hơn sẽ gây rối cho hệ thống khi quản lý, tạo sơ hở cho tham nhũng.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) nhất trí, Chính phủ ban hành gói kích cầu là đúng và cần thiết, tuy nhiên cũng lo ngại mọi giải pháp đều có phản ứng phụ.

Đại biểu chất vấn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tiến hành nghiên cứu phản ứng phụ cũng như biện pháp khắc phục, phòng ngừa lạm phát; đã sẵn sàng trình Quốc hội những giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế trong kỳ họp tới?

“Chúng tôi đã lường hết tất cả những phản ứng phụ. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư… cùng nghiên cứu và theo dõi liên tục”, Bộ trưởng giải đáp.

Về tái cấu trúc nền kinh tế, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng với các nội dung như mô hình kinh tế, cơ cấu ngành, cơ cấu doanh nghiệp, cơ cấu thị trường, cơ cấu nguồn nhân lực, vùng miền, khu vực kinh tế, cơ cấu đầu tư…

Để làm rõ vấn đề kích cầu và nguy cơ tái lạm phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã mời Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu “đăng đàn”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định Chính phủ đã tiên liệu nguy cơ tái lạm phát và trong chỉ đạo điều hành cũng đã bàn rất nhiều các phương án ngăn chặn lạm phát những tháng cuối năm 2009 cũng như năm 2010, như không làm tăng cung tiền trong lưu thông, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Bộ trưởng tin tưởng, với những giải pháp đồng bộ, năm nay có khả năng kiềm chế được giá không tăng trên 10%.

Trả lời thêm về vấn đề phòng chống lạm phát, ngăn ngừa suy giảm kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng tất cả các nước đều điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng đến giờ phút này chưa thấy xuất hiện nơi nào bất bình thường hay nói cách khác là lạm phát phức tạp. Với gói kích cầu hiện nay, nếu các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư thì chắc chắn là cơ sở ổn định, kinh tế vĩ mô tốt và chúng ta sẽ kiểm soát được lạm phát.

Thống đốc khẳng định sẽ kiểm soát được dư nợ tín dụng phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

(Theo chinhphu.vn)