BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đặc sắc tết Khmer 

Cập nhật ngày: 11/04/2018 - 08:23

BTN - Hình ảnh biểu thị mối gắn kết cộng đồng nổi bật nhất chính là các đám rước lễ vật dâng cúng đi vòng quanh chùa 3 lần của tất cả mọi người có mặt. Ði đầu đám rước sẽ là vị Acha và các nhà sư. Trên tay họ là những vật biểu tượng cho nghi thức đang diễn ra.

Lễ tắm Phật trước chùa Khedol.

Năm 2017, người Khmer ở Tây Ninh chỉ có 1.844 hộ, 7.650 người, chiếm chưa đến 1% dân số, nhưng bản sắc văn hoá dân tộc trong họ rất đậm đà và tinh tuý. Ấp có người Khmer sinh sống nổi tiếng nhất ở thành phố Tây Ninh là ấp Thạnh Ðông, xã Thạnh Tân, chỉ cách trung tâm Thành phố chưa đầy 15km.

 

Tên xưa của ấp là Khedol, nên ngôi chùa cũng được gọi là Khedol cho gọn. Tết, tên chữ gọi là Chol Chnam Thmay năm nay là vào 3 ngày từ 14 đến 16.4. Nghĩa là chỉ sau tết nguyên đán của người Việt vừa hai tháng. Bông mai vàng còn loáng thoáng đâu đây, để người Khedol hái từng cánh thả vào bình nước dâng lên chùa tắm Phật.

Tôi đã được xem lễ ấy vào ngày cuối của tết năm ngoái. Ðể thấy rằng, lễ tắm Phật đông vui cũng chẳng kém gì ngày lễ chính: dâng hương hoa vật phẩm trước đức Phật và cúng dường cho các nhà sư.

Xem lễ Vào năm mới ở Khe Ðon cũng đã nhiều năm, mà cứ giữa tháng 4 hoa phượng lập loè lửa đỏ, tôi lại cồn cào nỗi nhớ. Nhớ tiếng trống Chhay-dăm cùng dàn nhạc hoà âm thôi thúc người ta cuốn vào vòng múa. Nhớ tiếng hô to vang dội sân chùa của vị Acha dẫn đầu đoàn người đông đảo đi vòng quanh chùa mỗi khi hành lễ.

Nổi bật câu gọi khẩn thiết:- Niếc Tà ơi! Nghĩa là mời gọi các chư thần về đón năm mới cùng người Khmer cúng Phật. Sau đây là một vài chiêm nghiệm:

Tính cộng đồng: Tết đến là hầu như nhà nào cũng có mặt tại chùa. Người lớn thì bưng bê, hoặc đội các thúng và mâm quả phẩm về dâng cúng. Còn trẻ em cũng hầu như đủ mặt tại sân chùa. Chúng túm tụm bên nhau quanh trụ cột cờ hoặc dưới những gốc cây me tây sum suê rợp mát.

Chúng chơi những trò chơi truyền thống giống như đánh đáo hay rồng rắn lên mây của người Việt, hoặc chỉ người Khmer mới có trò như bắt con rắn, giằng lá cây v.v… Khi âm nhạc nổi lên, đám thanh niên vào vòng múa roam-vông, thì trẻ em ngồi coi, sau đó nhiều em cũng náo nức chen vào vòng múa. Biểu hiện rõ nhất của tính cộng đồng là mọi người, mọi nhà Khmer trong ấp đều tham dự vào các nghi lễ (nghi thức) quan trọng diễn ra ở chùa. Ngày cúng dường thì ai cũng góp một phần vật chất vào chùa.

Ngày tắm Phật thì ai cũng đem theo bình, lon hoặc xô nước để góp nước tắm Phật. Phổ biến nhất là loại bình cao có chân, chạm khắc hoa văn cầu kỳ được làm bằng kim loại mạ vàng hoặc bạc. Người từ xa thì đến chùa chuẩn bị, người trong ấp thì lo trước tại nhà. Bình nào cũng đầy một thứ nước sạch trong vắt, thả vào rất nhiều cánh hoa thơm. Thường là bông sứ trắng và bông cúc. Ðôi khi điểm thêm những cánh hoa mai hoặc hoa hồng. Cũng tương tự là ngày lễ cúng dường, người đến chùa không thể thiếu những bình màu đồng (hay bạc) đựng cơm và các món ăn. Tại chùa Khedol, người Khmer thực hiện việc dâng cơm cho sư ngay ở ngôi sa la, nơi đã đặt sẵn những bình bát đựng cơm của sư sãi. Sẻ cơm và món ăn cho sư xong, phần còn lại sẽ được dùng trong bữa cơm chung của tất cả mọi người.

Hình ảnh biểu thị mối gắn kết cộng đồng nổi bật nhất chính là các đám rước lễ vật dâng cúng đi vòng quanh chùa 3 lần của tất cả mọi người có mặt. Ði đầu đám rước sẽ là vị Acha và các nhà sư. Trên tay họ là những vật biểu tượng cho nghi thức đang diễn ra.

Sau đấy đến lượt tất cả người dân trong ấp, già trước, trẻ sau, hai bàn tay chắp lại với một nén nhang thơm nghi ngút. Nhìn tất cả những gương mặt biểu cảm thành kính ấy, sẽ thấy ngay một tình đoàn kết sâu xa gắn bó cộng đồng.

Tri ân và chia sẻ: Tháng tư ở Khedol cũng là lúc bà con vừa gặt hái xong vụ lúa chiêm xuân. Vườn bắp gần chùa cũng đang mùa bẻ trái. Người Khedol không chỉ trồng lúa và nuôi trâu bò theo truyền thống mà còn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo thời kinh tế thị trường. Nhiều nhà đã trồng mía, mì, mãng cầu và cả cao su. Ðời sống nay cũng đã khác xưa. Vậy tết cũng là dịp tạ ơn thần, phật và cả các nhà sư chuyên tu tụng trong chùa, chăm lo thế giới tâm linh cho thôn ấp.

Vào năm mới, là dịp mọi nhà đem lên chùa cúng dường những sản phẩm nông nghiệp. Ngoài cơm mới, đồ ăn, thức uống còn là những phẩm vật dâng cúng nuôi sư. Vì thế, các mâm, thúng phẩm vật của gia đình luôn có: thóc một thúng đầy, một đòn bánh tét và năm bánh ít, một nải chuối, một trái dưa và xoài cát, thanh long...

Ngoài ra, có thể có thêm cả vài ký gạo, đèn cầy, nhang và bánh kẹo. Những thứ này, các nhà sư có thể đủ dùng trong năm hoặc tới kỳ lễ tiếp theo. Cũng nên lưu ý rằng, đa số các sư sãi cũng là con em của bà con trong ấp. Trước khi con em mình trưởng thành, ai cũng muốn cho chúng được học tập và sống đời thanh đạm một thời gian ở chốn tu hành.

Niềm vui tết lan toả: Biểu lộ rõ ràng nhất của tết chính là niềm vui sống. Là những ngày khởi đầu của một năm nên có lẽ càng vui càng tốt! Ðể một năm mới tới đây, lúa sẽ lại tràn đồng. Mãng cầu và mía sẽ lại rì rào trong gió núi Bà Ðen mà tích tụ ngọt thơm cho những mùa vụ mới. Vậy là vui đến nổ trời.

Dàn loa công suất lớn, có cả dàn máy, kỹ thuật viên điều khiển, để hết từ âm nhạc dân gian đến trữ tình hoặc hiện đại vang lên. Nào Xa-ra-van, roam-ca-bach hoặc roam-vông… Nhưng hiện đại tới đâu thì vẫn luôn có âm hưởng Khmer truyền thống. Ðể những cổ chân cong, bàn tay cong thoăn thoắt nhịp nhàng của những chàng trai, cô gái Khmer đang tụ lại chung quanh giàn hoa bánh.

Cả những em bé còn chưa thuần thục cũng ngọng nghịu giương lên những cánh tay non. Dường như, mỗi năm những màn múa Khmer ở đây càng đông vui gấp bội phần năm trước. Như năm ngoái, đã có thêm trò ném bột màu vào những lúc màn múa cao trào nhất. Mặt người lấm lem như trong các lễ hội hoá trang đâu đó phía trời Tây.

Miền tâm linh thành kính: Ai vui thì cứ vui, nhưng luôn có một lớp người trang nghiêm thành kính chuẩn bị cho các nghi thức sắp diễn ra. Ðiển hình nhất là ngày lễ tắm Phật. Các bậc trung niên ngồi trong sa la, cẩn thận ngắt từng cánh hoa thả vào bình nước sẽ dâng lên tắm Phật.

Cả những em bé đi theo cha mẹ hoặc ông bà. Rồi những bình nước ấy sẽ được chuyển về phía trước chùa, nơi các nhà sư đã trải một tấm thảm đỏ làm nơi đặt những bình nước ấy. Nước sẽ được truyền tay, nâng niu thận trọng tới các nhà sư chuẩn bị cho nghi thức.

Sau vòng diễu hành cuối cùng quanh chùa, nghi thức sẽ diễn ra trước tượng đài đức Phật nằm. Tất cả tượng lớn và bé đã bày trên bàn kê dài trên bậc tam cấp trước sân. Các nhà sư đọc kinh cầu nguyện. Mọi người chắp tay lắng nghe thành kính. Rồi từng bình nước sẽ lại được chuyền tay tới các nhà sư, tưới lên từng pho tượng. Nhẹ nhàng và thận trọng như tắm cho người.

Ðấy là ở Khedol, cách trung tâm TP. Tây Ninh chưa tới 15 cây số. Muốn thấy được tín ngưỡng thật sự thì hãy tới đây vui cái tết Khmer. Thế mà trong bản Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen đến năm 2035, lại không thấy cái tên Khedol (hay Thạnh Ðông, Thạnh Tân) trong khu du lịch tâm linh. Liệu các tác giả quy hoạch ấy có vô tình bỏ sót hay không?

TRẦN VŨ