Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại biểu chất vấn - lãnh đạo sở, ngành trả lời
Thứ sáu: 05:15 ngày 06/12/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Báo Tây Ninh lược ghi và lần lượt đăng tải nội dung trả lời của các sở, ngành đối với những vấn đề đang được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm.

> Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh: Đại biểu tham gia thảo luận tại tổ

Báo Tây Ninh lược ghi và lần lượt đăng tải nội dung trả lời của các sở, ngành đối với những vấn đề đang được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm.

(BTN) - Ngày 5.12 - ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, các đại biểu tập trung tại hội trường tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp, dự kiến có 16 nội dung chất vấn được nêu ra cho các sở, ngành liên quan trả lời. Báo Tây Ninh lược ghi và lần lượt đăng tải nội dung trả lời của các sở, ngành đối với những vấn đề đang được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm.

* Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vương Quốc Thới:

PHẢI XỬ LÝ NGHIÊM NHỮNG KẺ PHÁ RỪNG

Tại phiên họp, đại biểu chất vấn: “Đất Khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc (xã Tân Lập) và một số nơi khác, người dân được giao trồng rừng lại tỉa thưa, chặt cành, có nơi chặt luôn gốc (khoảng 8 ha rừng 4 - 5 tuổi) chỉ cho mọc chồi, hoặc vạt gốc để cây chết, chấp nhận trồng lại cây mới (cây nhỏ) nhằm tạo khoảng trống trồng mì, việc này diễn ra trong thời gian dài, ngành chức năng có biết không? Trách nhiệm thuộc về ai? Biện pháp xử lý như thế nào?”.

Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời chất vấn tại hội trường

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vương Quốc Thới trả lời: Trong thời gian qua, tại Khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc có xảy ra 7 vụ chặt cây, chặt cành cây rừng trồng để trồng mì, với diện tích 15,6 ha. Các vụ xảy ra đều bị phát hiện, lập biên bản kiểm tra và ngăn chặn. Trách nhiệm để xảy ra vụ việc trên trước hết thuộc về BQL Khu rừng VHLS Chàng Riệc đã thiếu kiểm tra, nhắc nhở hộ nhận khoán thực hiện bảo vệ rừng đúng quy định và không ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các BQL rừng tăng cường kiểm tra, nhắc nhở hộ nhận khoán thực hiện chăm sóc bảo vệ rừng đúng quy định và ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo đúng pháp luật.

Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình thêm, theo quy định, khi cây mới trồng đến 3 năm, người trồng rừng được phép trồng xen cây nông nghiệp khác để tăng thu nhập, từ năm thứ 4 - 5 chỉ được trồng cây phụ trợ (bạch đàn), từ năm thứ 6 -7 không được phép trồng.

Chưa hài lòng với câu trả lời của Giám đốc Sở NN&PTNT, đại biểu Trần Văn Chiến cho rằng: theo cử tri phản ánh, diện tích chặt phá rừng còn nhiều hơn và có tình trạng bao che lẫn nhau. Đại biểu Mai Văn Hải truy tiếp: việc đề xuất xử lý là chưa thoả đáng, cần phải xử lý nghiêm những người vi phạm và phải công khai việc xử lý để làm gương. Đại biểu Phan Văn Sử đề nghị ngành nông nghiệp có giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ rừng, nên phối hợp với các ngành, các cấp, tạo thành sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn việc phá rừng.

Sau khi yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT, cùng các ngành có liên quan giải trình chất vấn của đại biểu, chủ toạ kết luận: việc tỉa cây, chặt cành đã tồn tại từ lâu, nhưng đến khi có Quyết định 875 mới xử lý nên tạo bức xúc cho cử tri. Chủ toạ chia sẻ những khó khăn của ngành vì dù đã rất quyết tâm nhưng vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ. Chủ toạ yêu cầu ngành nông nghiệp cần có biện pháp chế tài mạnh hơn nữa, vận động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; cần chấn chỉnh lại hợp đồng trồng rừng, nghiêm túc thực hiện hợp đồng, có thể cắt hợp đồng nếu vi phạm nghiêm trọng.

* Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Dương Văn Phong:

DỰ ÁN CHẬM HOÀN THÀNH, LÃNG PHÍ, TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ CHỦ ĐẦU TƯ

Liên quan đến lĩnh vực văn hoá - xã hội, đại biểu chất vấn: “Đường giao thông vành đai và hàng rào bảo vệ thuộc dự án hạ tầng cơ sở Khu du lịch núi Bà Đen được triển khai từ năm 2003 – 2011, đến nay bị lún sụp, bong tróc, hư hỏng nặng, một số đoạn hàng rào không quản lý bị người dân tháo dỡ, tái lấn chiếm. Việc thực hiện dự án trên có lãng phí không? Trách nhiệm Nhà nước đến đâu?”.

Trình bày khái quát về “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở Khu du lịch núi Bà Đen”, Giám đốc Sở VH,TT&DL Dương Văn Phong (ảnh) cho biết, dự án có 7 hạng mục, trong đó có đường giao thông cấp 5, dài 22km, trải bê tông nhựa nóng và hàng rào bảo vệ, móng đá hộc, lưới B40, với tổng kinh phí đầu tư là 62,285 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2003 - 2006.

Sau nhiều lần bổ sung, đến năm 2007 kinh phí đầu tư lên đến 102,168 tỷ đồng. Đến tháng 12.2011, toàn bộ tuyến đường được đơn vị thi công thảm nhựa. Kết cấu công trình phục vụ du lịch, nên theo thiết kế chỉ cho lưu thông các phương tiện có trọng tải  dưới 13 tấn.

Tuy nhiên, các xe chở đất, đá của các công ty khai thác vật liệu xây dựng tại chân núi Bà, xe tải, xe máy cày, thu hoạch vận chuyển hàng nông sản của người dân canh tác trên diện tích đất khu vực này thường xuyên lưu thông nên gây hư hỏng nặng mặt đường ở nhiều chỗ, chủ yếu là từ trường bắn thuộc Trường Quân sự đến đầu đường vào Ma Thiên Lãnh.

Trong thời gian chờ làm thủ tục nghiệm thu bàn giao, nhà thầu đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn như làm barie bằng sắt ở đầu đường, ngăn chặn các xe tải có trọng tải lớn tránh trạm thu phí giao thông lưu thông đường vành đai, nhưng vẫn không tác dụng vì vẫn bị các chủ phương tiện và người dân địa phương phá dỡ để vận chuyển vật liệu xây dựng và hàng nông sản. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến đường bị sụp lún, bong tróc và hư hỏng.

Đối với hàng rào bảo vệ chưa hoàn thành toàn tuyến do nguồn kinh phí đền bù có giới hạn, nên chỉ đền bù được phần đất ưu tiên làm đường và hàng rào (tổng diện tích đất từ hàng rào đến chân núi là 434 ha, đã đền bù 42 ha, chưa đền bù 392 ha). Những đất còn lại chưa đền bù, người dân tiếp tục sản xuất. Nếu thi công hàng rào hoàn chỉnh theo thiết kế thì không có lối ra vào cho người dân sản xuất, canh tác. Vì vậy, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho ngưng thi công đoạn hàng rào còn lại.

Việc xây dựng không đảm bảo tiến độ, để xảy ra hư hỏng một số chỗ, không đáp ứng được mục tiêu ban đầu, chưa được nghiệm thu bàn giao sử dụng nên chưa mang lại hiệu quả, gây lãng phí vốn đầu tư. Trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ đầu tư đã thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, nhắc nhở đơn vị thi công, để dự án phải xin gia hạn thời gian thi công đến 6 năm vẫn chưa hoàn thành. Trách nhiệm tiếp theo là của đơn vị quản lý dự án và giám đốc kỹ thuật; trách nhiệm của đơn vị thiết kế và trách nhiệm của đơn vị thi công.

Chưa bằng lòng với câu trả lời này, đại biểu Võ Văn Dũng tiếp tục chất vấn: dự án có 7 hạng mục nhưng chưa cái nào hoàn thành, cử tri bức xúc vì kinh phí đầu tư rất lớn, gây lãng phí, UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo nhưng chưa thực hiện, những tồn tại này xử lý bao giờ mới xong. Đại biểu Phan Văn Sử đề nghị cho biết, công trình đã ứng 90% vốn, Sở Xây dựng và UBND tỉnh có đánh giá về việc có vi phạm chất lượng không? Qua hình ảnh cho thấy nền hạ chỉ toàn là cát, phần bê tông ở trên làm sao đảm bảo chất lượng công trình?.

Sau khi các ngành liên quan và Giám đốc Sở VH,TT&DL giải trình thêm, chủ toạ kỳ họp kết luận: trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, đánh giá toàn diện công trình, làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư. Đề nghị Sở VH,TT&DL tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu để có hướng giải quyết tốt hơn trong thời gian tới.

DUY ĐỨC

(Lược ghi)

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục