Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Báo Tây Ninh tiếp tục lược ghi và đăng tải nội dung trả lời của các sở, ngành đối với những vấn đề đang được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm.
(BTN) - Báo Tây Ninh tiếp tục lược ghi và đăng tải nội dung trả lời của các sở, ngành đối với những vấn đề đang được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm.
|
Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp |
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Công Sơn:
Nhu cầu sửa chữa nhiều nhưng nguồn vốn còn hạn chế
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, đại biểu chất vấn: “Hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh hư hỏng, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, gây mất an toàn giao thông trong khi vốn sự nghiệp giao thông được phân bổ ít (40 tỷ đồng), không đáp ứng nhu cầu duy tu, bảo dưỡng. Có biện pháp nào để tăng cường vốn, đáp ứng nhu cầu thực tế và sửa chữa sớm nhất?”.
|
Ông Bùi Công Sơn, Giám đốc Sở GTVT trả lời chất vấn của đại biểu |
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Công Sơn trả lời như sau: Hệ thống đường bộ trên toàn tỉnh có tổng chiều dài 4.785,6km, trong đó đường quốc lộ 22 tuyến, dài 111,56km; đường tỉnh 40 tuyến, dài 759km. Sở được phân công quản lý và bảo trì tuyến đường tỉnh, các tuyến đường còn lại trên địa bàn huyện nào do huyện đó quản lý.
Hiện nay, nhiều tuyến đường do Sở quản lý sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng như: ĐT 781, ĐT 785, ĐT 788, đường Kà Tum - Tân Hà, đường Đất Sét - Bến Củi… Tuy nhiên, nguồn vốn bố trí còn hạn chế- năm 2012 là 32,329 tỷ đồng, năm 2013 giảm còn 22,382 tỷ đồng và 21,227 tỷ đồng từ vốn thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện từ quỹ bảo trì Trung ương chuyển về, trong khi khối lượng cần thực hiện là rất lớn.
Với nguồn kinh phí hạn chế như thế, ngành GTVT chỉ thực hiện sửa chữa thường xuyên và sửa chữa đột xuất để đảm bảo giao thông, chưa có vốn để sửa chữa vừa, sửa chữa lớn theo quy định. Mặt khác, theo thống kê, số lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn ngày càng tăng (khoảng 835.925 phương tiện các loại); tình trạng chở quá tải trọng cho phép khiến cầu, đường mau xuống cấp.
Theo Giám đốc Sở GTVT, năm 2014 ngoài nguồn vốn hằng năm sẽ có thêm nguồn vốn thu phí theo đầu phương tiện đối với xe ô tô (Trung ương chuyển về 35%) và xe mô tô, bổ sung vào quỹ bảo trì hệ thống đường bộ địa phương. Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn và đăng ký một số tuyến đường trọng yếu để kêu gọi đầu tư nâng cấp bằng hình thức BT, BOT, BTO, PPP; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp và hỗ trợ các công trình giao thông, nhất là giao thông nông thôn; tăng cường tuần tra, kiểm tra để phát hiện kịp thời hư hỏng để sửa chữa, góp phần tiết kiệm chi phí và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh Nguyễn Văn Dũ:
Dự án đầu tư xây dựng phim trường: có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh được đại biểu chất vấn: “Dự án đầu tư xây dựng phim trường do Đài Phát thanh và Truyền hình làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện từ năm 2006, đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Đề nghị cho biết nguyên nhân vì sao? Trách nhiệm thuộc về ai?”.
Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình trả lời như sau: Đài Phát thanh và Truyền hình được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư Dự án Trung tâm truyền hình (phim trường), công trình gồm các hạng mục: phim trường 200 chỗ ngồi; hệ thống thiết bị máy lạnh, ghế ngồi; hệ thống thiết bị làm tin và phát sóng giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Tổng diện tích xây dựng 831m2; diện tích sử dụng đất 3.410,3m2; quy mô là công trình dân dụng cấp III, dự án nhóm B. Tổng mức đầu tư 33.989.247.000 đồng. Thời gian thực hiện từ 2007 - 2012.
Tuy nhiên, do nhiều lần điều chỉnh nên đến ngày 15.4.2009 mới khởi công gói thầu số 1, do Công ty Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (Tecapro) - Bộ Quốc phòng thi công, thời gian thực hiện là 270 ngày. Trong quá trình thực hiện có phát sinh việc rà phá bom mìn; dự án phải điều chỉnh; lắp đặt thiết bị không đồng bộ, nên mặc dù đã được gia hạn 3 lần và đơn vị thi công cam kết hoàn thành trong năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Tháng 6.2012, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức giám định chất lượng đã kết luận công trình không đạt chất lượng. Ngày 29.8.2012, Sở Xây dựng chủ trì cuộc họp thông qua kết quả kiểm định, trong đó yêu cầu đơn vị thi công khắc phục khối lượng không đạt yêu cầu (tháo dỡ sênô, làm mới lại các tấm đan, chống thấm, khắc phục sảnh đón...). Từ 31.8.2012 đến 22.10.2012, đơn vị thi công khắc phục phần chống thấm, xử lý tấm đan không đạt yêu cầu và sau đó tạm ngưng thi công.
Tính đến ngày tạm ngưng thi công, khối lượng xây lắp đạt 75%, thiết bị máy lạnh đạt 80%; chưa lắp đặt ghế ngồi. Tổng vốn đầu tư đã thanh toán là 21.322.757.273 đồng. Riêng 6 gói thầu thuộc hạng mục thiết bị làm tin và phát sóng đã nghiệm thu, bàn giao, đang sử dụng và đã quyết toán các hạng mục này trong năm 2009, 2010.
Qua công tác giám sát, đã có kết luận làm rõ trách nhiệm từng đơn vị có liên quan đến hạn chế, sai phạm. Cụ thể như: đơn vị khảo sát, thiết kế, lập dự toán có sai sót; đơn vị thẩm tra, thẩm định không phát hiện sai sót của khâu khảo sát, thiết kế, dự toán; chủ đầu tư không phát hiện những thiếu sót của đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế, dự toán; đơn vị thi công chịu trách nhiệm về chất lượng, thi công không đúng thiết kế được duyệt; đơn vị tư vấn quản lý dự án chưa làm tròn trách nhiệm; đơn vị tư vấn giám sát chủ quan; chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ các giai đoạn trong quá trình xây dựng công trình.
Trên cơ sở kết luận, thanh tra đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chuyển hồ sơ cho công an tiến hành điều tra, hiện nay công việc đang tiến hành.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Diệp Thị Hiệp:
Người học nghề tự chọn nghề mình muốn học
Liên quan đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) được chất vấn: “Công tác đào tạo nghề lao động nông thôn rất được Tỉnh uỷ, UBND quan tâm, bố trí kinh phí hợp lý để thực hiện, nhưng công tác này chưa đem lại kết quả mong muốn. Cụ thể, có đơn vị sử dụng không hết kinh phí trả lại, tỷ lệ lao động được đào tạo thấp, người đăng ký học nghề ít, số lao động được đào tạo không phát huy ngành nghề đã học. Để khắc phục tình trạng này Giám đốc có biện pháp gì?”.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Diệp Thị Hiệp trả lời: Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956), có hiệu lực từ ngày 27.11.2009. Trên cơ sở Đề án 1956, Sở đã tiến hành các bước chuẩn bị, đến năm 2011 công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới bắt đầu thực hiện.
Theo bà Diệp Thị Hiệp thì vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2010 - 2013 thừa 2.790.441.648 đồng, nhưng nếu tính từ giai đoạn năm 2011 - 2013 thì lại thiếu 1.209.558.352 đồng. Có tình trạng trên là do Sở tham mưu chậm trong việc triển khai tổ chức thực hiện Đề án tại địa phương; địa phương thì chậm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới cần phải nắm chắc nhu cầu học nghề tại cơ sở, từ đó xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế; linh hoạt trong mở lớp dạy nghề, liên kết với các thành phần kinh tế khác trong tổ chức dạy nghề; tăng cường tuyên truyền; chủ động tham mưu phân khai vốn ngay từ đầu năm và hướng dẫn địa phương triển khai kế hoạch mở lớp đúng tiến độ, đảm bảo nhu cầu, ngành nghề đào tạo.
Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành danh mục nghề trên cơ sở điều tra khảo sát và bổ sung danh mục nghề nếu thực tế có phát sinh. Do đó, người học nghề tự chọn nghề mình muốn học, cơ sở đào tạo nghề không bắt buộc. Nếu số lượng người đăng ký học nghề ngoài danh mục mà đủ điều kiện mở lớp, ngành chức năng sẽ tham mưu để bổ sung nghề đó vào danh mục. Sở sẽ khảo sát nhu cầu, định hướng để người được đào tạo nghề phát huy hiệu quả như tìm được việc làm, tiêu thụ được sản phẩm, năng suất được nâng lên. Muốn như thế, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành có liên quan và chính quyền huyện, thị xã hỗ trợ.
DUY ĐỨC
(Lược ghi)