BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại biểu HĐND tỉnh: Băn khoăn về đạo tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 11/12/2011 - 04:15

(BTNO) – Không đăng đàn tại phiên chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 3 (từ ngày 7.12 – 9.12), tuy nhiên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hiếu cũng là một trong những lãnh đạo sở ngành được đại biểu HĐND tỉnh “quan tâm”, đặc biệt là trong vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động.

Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg có nhiều vấn đề bất cập, tiến độ triển khai chậm, nội dung đào tạo chưa xác thực nhu cầu, hằng năm cần có kế hoạch triển khai sớm.

Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hiếu cho biết Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ xuất phát từ nhu cầu thực tế của lao động nông thôn. Danh mục nghề đào tạo căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu và xây dựng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ ngày 25.11.2010 đến 15.02.2012, gồm 119 ngành nghề, trong đó nông – lâm nghiệp 17 nghề, ngư nghiệp 02 nghề; tiểu thủ công nghiệp 30 nghề; công nghiệp – xây dựng 21 nghề; thương mại – dịch 34 nghề và các nghề khác 34 nghề. Năm 2011, việc tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thực hiện từ khâu đăng ký học nghề của lao động nông thôn đến xét duyệt của UBND xã, thẩm định của Phòng LĐ-TB&XH, xây dựng kế hoạch của UBND huyện, Sở LĐ-TB&XH tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt với 22 ngành nghề đạo tạo. Dự kiến cuối năm 2011, thực hiện được 155/182 lớp, đạt 83,16%. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở LĐ-TB&XH cùng Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của tỉnh có kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh nhằm đảm bảo yêu cầu đào tạo.

Theo bà Nguyễn Thị Hiếu, tiến độ triển khai có chậm là do cùng một lúc phải thực hiện nhiều việc để chuẩn bị cho cả giai đoạn đến năm 2020 như điều tra nhu cầu học nghề, xây dựng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, xây dựng kế hoạch năm 2011, xây dựng định mức chi cho từng nghề, hướng dẫn phương thức thực hiện và quyết toán kinh phí, đây là lần đầu các huyện triển khai nên có lúc còn lúng túng… Tuy nhiên, các ngành, đoàn thể các cấp tích cực triển khai và đạt được một số kết quả.

Đào tạo nghề cạo mủ cao su cho lao động nông thôn

Để chuẩn bị cho kế hoạch năm 2012, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản yêu cầu các huyện, thị gởi kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn năm 2012 trước ngày 15.11.2011 và những năm tiếp theo là ngày 01.7 của năm trước. Sở LĐ-TB&XH sẽ tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện trong quý I/2012.

Bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng để tuyên truyền chính sách của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để đảm bảo cho lao động nông thôn hiểu và chọn ngành nghè theo đúng nhu cầu, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thẩm định, chuẩn bị ban hành 22.500 quyển “Cẩm nang nông dân học nghề” nhằm tuyên truyền sâu rộng đến lao động nông thôn, dự kiến phát hành trong tháng 12.2011.

 Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn: Chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2011 đạt 22.000 lao động. Tại sao năm 2012 phương hướng chỉ giải quyết việc làm 20.000 lao động. Về vấn đề này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, ngày 20.9.2011 UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 35/2011/QĐ-UBND về Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2011 – 2020. Theo đó, nguồn lực lao động tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên năm 2011 khoảng 631.265 người, dự kiến đến năm 2015 thì lao động tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên tăng thêm bình quân trong giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 80.239 người. Như vậy mỗi năm tăng thêm khoảng 17.000 người tham gia hoạt động kinh tế. Mặt khác, do sự chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, đồng thời lao động tái thất nghiệp hằng năm khoảng 3.000 lao động nên chọn chỉ tiêu giải quyết việc làm mới năm 2012 đạt 20.000 lao động là hợp lý.

Đại biểu HĐND tỉnh cũng băn khoăn về chỉ tiêu giảm nghèo hiện nay, ngay cả xã cũng không báo được số liệu chính thức. Đề nghị tỉnh có chỉ đạo khảo sát đánh giá chính xác giảm hộ nghèo. Theo bà Nguyễn Thị Hiếu, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh về điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2011, ngày 27.10.2011, ngành LĐ-TB&XH đã tập huấn rà soát hộ nghèo cho các đối tượng điều tra viên, ấp, khu phố trước ngày 10.11.2011. Sau khi tập huấn, huyện, thị đã tiến hành điều tra theo kế hoạch. Từ ngày 29.11 – 07.12.2011, Sở đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc rà soát của 9 huyện, thị. Qua kiểm tra, giám sát, việc rà soát hộ nghèo đều được thực hiện đúng quy trình, tuy nhiên, còn một số ấp, khu phố, xã, phường trong quá trình điều tra còn lúng túng trong quy trình bình xét đã điều được điều chỉnh kịp thời. Hiện nay, các huyện thị đang tập trung chuẩn bị báo cáo. Sở cũng đã yêu cầu các huyện, thị chỉ đạo việc thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo phải đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ, đúng đối tượng, dân chủ, công bằng, công khai và đúng tiến độ. Sau khi có kết quả, LĐ-TB&XH sẽ có kế hoạch tổ chức phúc tra và trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH.

HY UYÊN