Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tại phiên chất vấn diễn ra chiều ngày 15.7.2009, có 5 sở, ngành trả lời trực tiếp chất vấn tại hội trường với 11 nội dung quan trọng.
Theo tổng hợp của Thường trực HĐND tỉnh, tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khoá VII có đến hơn 20 nội dung dự kiến được đưa ra chất vấn và 13 sở, ngành có trách nhiệm trả lời chất vấn. Tại phiên chất vấn diễn ra chiều ngày 15.7.2009, có 5 sở, ngành trả lời trực tiếp chất vấn tại hội trường với 11 nội dung quan trọng. Báo Tây Ninh lược ghi một số nội dung trả lời chất vấn của một số sở, ngành liên quan đến những vấn đề đang gây nhiều bức xúc và được nhiều cử tri quan tâm.
* Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Huỳnh Văn Quang: Kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư những dự án kéo dài thời gian không có lý do chính đáng
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Huỳnh Văn Quang |
Về hoạt động thu hút đầu tư, đại biểu HĐND tỉnh chất vấn: “Một số dự án ở các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) chưa tổ chức thực hiện, gây nhiều bức xúc trong nhân dân và làm lãng phí tài nguyên đất đai. Giải quyết vấn đề này như thế nào?”.
Ông Huỳnh Văn Quang phân tích tiến độ triển khai các dự án ở từng khu kinh tế, từng KCN và CCN. Cụ thể ở Khu KTCK Mộc Bài có 46 dự án, trong đó có 12 dự án đã hoạt động, 12 dự án đang xây dựng, còn lại là đang đền bù hoặc lập thủ tục đền bù giải toả mặt bằng. Ở Khu KTCK Xa Mát có 13 dự án, trong đó 4 dự án đang lập quy hoạch chi tiết, còn lại 9 dự án đang chờ giao đất. Riêng các CCN thì một số chủ đầu tư hạ tầng đang triển khai lập quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, một số đã có dự án đầu tư sản xuất, còn một số chưa triển khai do chủ đầu tư khó khăn về tài chính. Trong thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã trực tiếp làm việc với các chủ dự án triển khai chậm để bàn biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho các dự án triển khai nhanh hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết. Do đó mà trong thời gian qua tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư của 22 dự án ở Khu KTCK Mộc Bài và 1 dự án ở CCN Thanh Điền.
Để hạn chế tình trạng chậm triển khai dự án đầu tư khiến nhân dân bức xúc và làm lãng phí tài nguyên đất đai, ông Huỳnh Văn Quang đưa ra 3 giải pháp. Trước tiên là phải xem xét, đánh giá chính xác năng lực của chủ đầu tư- nhất là năng lực về tài chính. Kế đến là các ngành chức năng phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai nhanh tiến độ thực hiện dự án. Còn đối với những dự án đã có chủ trương đầu tư, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mà chủ đầu tư cố tình kéo dài thời gian, không triển khai theo đúng tiến độ đã cam kết mà không có lý do chính đáng thì kiên quyết thu hồi.
Sau khi ông Huỳnh Văn Quang giải trình, đại biểu có thêm 5 ý kiến chất vấn để làm rõ thêm vấn đề Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời.
* Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Chiến: Tình trạng tự ý nâng công suất chế biến mì đã được khắc phục
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Sở Tài nguyên và Môi trường tất cả là 4 nội dung, trong đó có nội dung: “Trong thời gian qua, nhiều cơ sở chế biến tự ý nâng công suất hơn rất nhiều lần so với công suất được cấp phép nhưng việc xử lý môi trường ở các cơ sở này như thế nào? Ngành chức năng có ý kiến gì về các trường hợp vi phạm này?”.
Ông Trần Văn Chiến trả lời rằng việc nâng công suất của các cơ sở chế biến trong thời gian qua là yếu tố phát triển theo định hướng công nghiệp hoá của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Quá trình nâng công suất được gắn liền với công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến nên hạn chế các chất gây ô nhiễm môi truờng. Tuy nhiên, một số cơ sở chế biến khoai mì công suất nhỏ, thủ công có
Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Chiến |
tăng công suất và bổ sung thêm các hồ sinh học để xử lý, nhưng chưa đạt tiêu chuẩn quy định nên đã có gây ô nhiễm cục bộ khu vực chung quanh. Do đó, tháng 9.2008 UBND tỉnh đã có văn bản về việc di dời và nâng công suất của các cơ sở, nhà máy chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã thực hiện việc không tăng tổng công suất các nhà máy chế biến khoai mì. Thực hiện văn bản này, từ cuối năm 2008 đến nay tình trạng tự ý nâng công suất của các cơ sở chế biến khoai mì đã được khắc phục.
Ông Trần Văn Chiến cho rằng việc nâng công suất hoạt động gắn liền với việc xử lý chất thải để không gây ô nhiễm môi trường là góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc các cơ sở nâng công suất nhưng không thực hiện đúng và đủ các biện pháp bảo vệ môi trường thì phải được xử lý triệt để. Hằng năm, UBND tỉnh có ban hành kế hoạch xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nhằm buộc các cơ sở phải khắc phục ô nhiễm, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không hoàn chỉnh thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Sau khi quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình, có nhiều ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh chất vấn thêm chung quanh lĩnh vực xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
SƠN TRẦN