Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 4.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành.
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương:
Góp ý tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2025
Chiều 4.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành.
Quân tâm đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh có bài phát biểu gửi Đoàn Thư ký tổng hợp.
Về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024, đại biểu Phương thống nhất với nhiều đại biểu phát biểu trước, đó là nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn, thách thức thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là nét nổi bật nhất của đất nước ta trong hơn 9 tháng qua.
Đại biểu nhấn mạnh, khó khăn, thách thức đến từ nhiều phía, trên nhiều bình diện. Chính trị, an ninh, cạnh tranh chiến lược quốc tế tiếp tục diễn biến khó lường. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, sức mua của thị trường còn trầm lắng. Những hạn chế nội tại nền kinh tế trong nước khắc phục chưa nhiều, thậm chí còn xuất hiện thêm những khía cạnh mới không kém phần gay gắt. Thêm vào đó tình hình thời tiết, khí hậu ngày càng biến đổi phức tạp, siêu bão số 3 kéo theo lũ lụt, sạt lở đất diễn ra trên nhiều địa bàn, có sức tàn phá chưa từng thấy trong nhiều chục năm trở lại đây.
Tuy nhiên, với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, chúng ta đạt được tăng trưởng ở mức khá cao, quý 3 đạt 7,4% GDP, bình quân 9 tháng đạt 6,82% GDP. Kinh tế vĩ mô luôn được giữ vững ổn định, chỉ số lạm phát và tỷ giá biến động trong giới hạn an toàn. Các động lực tăng trưởng mới, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn đã và đang đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Xuất khẩu- phải kể đến vai trò của xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao có giá trị kinh tế lớn, nông lâm thủy sản, dệt may, da giày... đưa mức xuất siêu trong 9 tháng của nước ta đạt hơn 21 tỷ USD. Nhiều dự án lớn được khởi công với tinh thần và quyết tâm hoàn thành vượt mục tiêu tiến độ. Du lịch có bước phục hồi nhanh, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đều được đổi mới và phát triển. Bộ mặt từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền núi đều có bước phát triển vượt trội, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao.
Đối ngoại tiếp tục là điểm sáng, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế, tranh thủ có hiệu quả ngoại lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, tình trạng chậm hoặc ách tắc trong nhiều công việc, nhiều nhiệm vụ, làm suy giảm ý chí, nhiệt huyết của doanh nghiệp và người dân trong quá trình sản xuất kinh doanh. Hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn thấp, thể hiện rõ ở mức tăng trưởng tín dụng, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn chưa giảm, số lượng và chất lượng doanh nghiệp thành lập mới có tăng nhưng chưa như kỳ vọng.
Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư công. Mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, rào cản và đôn đốc rất quyết liệt, song giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng ước đạt khoảng 47,3% thấp hơn mức cùng kỳ 2023 cả về giá trị và tỷ lệ.
Nợ xấu ngân hàng có thể gia tăng, khi thực hiện các giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3.
Về những giải pháp cho những tháng cuối năm, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị để đạt được mức tăng trưởng từ 7 đến hơn 7% GDP của cả năm nay, phải thật sự cố gắng và có những giải pháp đồng bộ, trong đó đại biểu nhấn mạnh một số điểm như:
Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung mạnh vào các động lực tăng trưởng, trước hết là đầu tư, xuất khẩu và kích thích tiêu dùng nội địa. Quyết liệt, tháo gỡ mọi vướng mắc, khó khăn để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất; rà soát các dự án thu hút vốn FDI đã đăng ký nhiều, nhưng tỷ lệ giải ngân đầu tư thấp, đề ra giải pháp hiệu quả để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn khu vực này tốt hơn; tiếp tục rà soát, giảm thiểu các điều kiện và lãi suất nhằm tăng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. Tận dụng tốt các lợi thế và cam kết quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là với thị trường lớn.
Chú trọng khâu giải phóng mặt bằng, cung ứng đủ và kịp thời nguồn vật liệu san lắp (nhất là cát) cho các dự án giao thông trọng điểm; kịp thời hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo đúng pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ mốc thời gian, rõ trách nhiệm của người đứng đầu.
Thúc đẩy phát triển du lịch, có biện pháp và chính sách thích hợp nhằm làm gia tăng cả về số lượng, thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách quốc tế.
Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách thực chất, tránh phô trương hình thức trong hội họp, tổng kết, lễ hội, thanh quyết toán cuối năm ở tất cả các ngành, địa phương trên phạm vi cả nước, nhằm hướng mạnh mọi nguồn lực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Đóng góp về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, đại biểu Phương cơ bản thống nhất với dự thảo của Chính Phủ, tuy nhiên đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần quan tâm cân nhắc cho phù hợp như:
Cải tạo, bảo vệ môi trường sinh thái cần phải đầu tư liên tục, đòi hỏi nguồn vốn tương thích từ Ngân sách Nhà nước. Với nước ta, một phần lớn tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Mà thị trường xuất khẩu ngày càng đặt ra yêu cầu rất cao về bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm. Nếu những nội dung này không được giải quyết tốt sẽ là một trở lực lớn, thậm chí ách tắc trong xuất khẩu, trước hết ở lĩnh vực nông, lâm thủy sản.
Có sự ưu tiên thỏa đáng cho phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây là những động lực tăng trưởng mới, đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, đi cùng với nó là thể chế, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tất cả những điều đó đang đòi hỏi phải có chủ trương, chính sách đúng đắn trong đầu tư phát triển.
Đại biểu cũng đề nghị đầu tư nguồn lực cho Giáo dục - Đào tạo và Khoa học – Công nghệ xứng tầm với vai trò, vị trí quốc sách hàng đầu, tạo nên một nền GD&ĐT tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước, và một nền KH&CN hiện đại, nắm giữ các lĩnh vực khoa học, công nghệ then chốt, gia tăng mạnh mẽ tiềm lực và sức mạnh quốc gia.
Bên cạnh đó, quan tâm thật sự và có giải pháp hữu hiệu đến tổ chức sắp xếp lại các đơn vị hành chính, các đơn vị trùng lặp nhiệm vụ, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên. Việc này, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả như mong đợi, cần đánh giá chính xác nguyên nhân sâu xa là gì. Phải tạo sự đồng bộ trong tinh giản biên chế với việc xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp hợp lý cơ cấu tổ chức của nền hành chính và cải cách thủ tục hành chính. Chỉ có tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên, mới có thể dành nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước.
Tố Tuấn - Thanh Trung
(tổng hợp)
Chú thích ảnh: 12- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận
06 – Đại biểu Phạm Hùng Thái và đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý tham dự phiên họp chiều 4.11
10 – Các đại biểu quốc hội tỉnh Tây Ninh: Hoàng Thị Thanh Thuý, Huỳnh Thanh Phương và Trần Hữu Hậu tham dự phiên thảo luận tại hội trường chiều 4.11
09 – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái và các đại biểu quốc hội Tây Ninh tham dự kỳ họp