BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại biểu QH Lê Minh Trọng: Cần có chế tài cụ thể, khả thi để phòng, chống tác hại của thuốc lá (*)

Cập nhật ngày: 10/11/2011 - 01:22

Chiều ngày 9.11, Quốc hội làm việc tại tổ để thảo luận dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (THTL). Đại biểu Lê Minh Trọng, Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống THTL. Tuy nhiên, đại biểu vẫn băn khoăn vì trong hệ thống pháp luật nước ta đã có những quy định về phòng, chống THTL, nhưng do thiếu chế tài cụ thể nên hiệu quả thực thi chưa cao.

ĐBQH Lê Minh Trọng đang phát biểu

Đại biểu Lê Minh Trọng cho rằng dự án Luật Phòng, chống THTL mang đậm tính nhân văn, đó là vận động, tuyên truyền cộng đồng, người dân ý thức phòng ngừa tác hại của thuốc lá, nâng cao trách nhiệm của người hút thuốc lá, cấm hút thuốc ở nơi công cộng, cấm quảng cáo thuốc lá, cảnh báo sức khoẻ bằng chữ và hình ảnh...; quy định của dự thảo luật vừa bảo đảm quyền được bảo vệ sức khoẻ của người không hút thuốc lá cũng như quyền và nghĩa vụ của người hút thuốc lá, phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam và đảm bảo quyền của mỗi người dân. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi và tác động của dự án luật, việc ban hành luật này có thể làm tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá. Đại biểu nhận định, hiện nay tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn ra quanh năm và liên quan nhiều yếu tố như kiểm soát biên giới chưa đủ mạnh, kinh phí hạn chế, chính sách khác nhau giữa các nước trong kiểm soát thuốc lá lậu, hay thói quen của người sử dụng về hương vị thuốc lá khác nhau; việc phòng, chống buôn lậu thuốc lá sẽ có hiệu quả hơn nếu tăng kinh phí, bố trí đủ lực lượng kiểm soát ở biên giới, kiểm soát thuốc lá lậu trên thị trường... Đại biểu Lê Minh Trọng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi của quy định về thẩm quyền, thủ tục xử lý người vi phạm quy định cấm hút thuốc ở địa điểm công cộng. Cụ thể là: Bổ sung quy định cụ thể những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống THTL bị xử lý phù hợp với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và làm cơ sở cho Chính phủ quy định mức xử phạt. Cần quy định rõ  hơn công tác tuyên truyền, vận động để người dân tự giác, chủ động tham gia phòng, chống THTL và bổ sung trách nhiệm của xã hội, cộng đồng, gia đình trong việc phòng, chống THTL.

 Về in lời cảnh báo trên bao bì thuốc lá (Điều 14), đại biểu Lê Minh Trọng đồng ý với quy định in cảnh báo sức khoẻ bằng chữ và hình ảnh bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn, được thay đổi định kỳ, phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và sau trên tất cả các vỏ bao thuốc lá. Về xử lý vi phạm quy định cấm hút thuốc lá, đề nghị để bảo đảm tính khả thi của quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn (Điều 9) và địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà, nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá (Điều 10). Đại biểu đề nghị phải quy định chi tiết, cụ thể hơn về thẩm quyền và quy trình xử lý vi phạm; cần quy định (tại Khoản 2 Điều 25) là không được bán thuốc lá tại tất cả các địa điểm có quy định cấm hút thuốc (không loại trừ nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường). Quy định quyền và trách nhiệm của người đứng đầu tại địa điểm cấm hút thuốc lá (Điều 13). Đại biểu Lê Minh Trọng cho rằng quy định này còn chung chung, rất khó để khắc phục tình trạng hút thuốc tràn lan như hiện nay; việc quy định người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá có quyền yêu cầu chấm dứt việc hút thuốc lá, yêu cầu người vi phạm ra khỏi cơ sở của mình và thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý là chưa đủ mạnh, cần có quy định giao thẩm quyền cho người đứng đầu hoặc lực lượng bảo vệ của cơ sở đó quyền xử phạt trực tiếp đối với người vi phạm. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ khái niệm về thuốc lá lậu, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá để làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; xem xét lại khái niệm địa điểm công cộng và khái niệm trong nhà (tại Khoản 9 Điều 2).

Duy Quang

(*)Tựa bài do Toà soạn đặt