BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại biểu QH Tây Ninh Nguyễn Thị Bạch Mai: 'Day dứt về thư cầu cứu của cô bé 9 tuổi'

Cập nhật ngày: 24/03/2011 - 10:17

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai: "Dù được chồng con chia sẻ rất nhiều, nhưng tôi vẫn thấy áy náy".

- Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khoá 12, bà tự đánh giá về mình như thế nào?

- 2 khoá với 9 năm làm đại biểu Quốc hội, tôi rất tự hào vì được tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Bản thân tự nhận thấy mình đã thể hiện được vai trò ở một số hoạt động chính của Quốc hội, thông qua hoạt động của mình tại địa phương, lắng nghe ý kiến xác đáng của người dân và kịp thời phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có chức năng để xem xét, giải quyết.

Nhưng thực sự vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được giải quyết, ví dụ việc giải quyết chính sách cho người có công, hay chính sách với người dân ở nông thôn. Khi đi tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh, kiến nghị. Để những kiến nghị được giải quyết thì phải có lộ trình, từng bước, nhưng người dân không chờ được.

Trong quan niệm của nhiều người dân, đại biểu Quốc hội là người có quyền cao nhất, khi có việc phải khiếu nại, tố cáo, họ tìm đến đề nghị giúp đỡ. Thực tế, đại biểu Quốc hội không thể giải quyết trực tiếp mà phải thông qua các cấp có thẩm quyền, có nhiều khâu rất chậm và người dân không hài lòng. Điều chúng tôi mong mỏi hiện nay là phải tạo được cơ chế, thậm chí sửa luật để đại biểu có thực quyền hơn. Ví dụ nếu đại biểu kiến nghị nhiều lần, nhưng cơ quan có thẩm quyền không giải quyết thì cần có cơ chế hay chế tài xử lý.

- Trong 9 năm làm đại biểu Quốc hội, còn điều gì khiến bà cảm thấy day dứt vì chưa làm được?

- Có một trường hợp cụ thể, không phải chuyện gì to tát, nhưng đến giờ này tôi vẫn rất day dứt. Ở nhiệm kỳ Quốc hội khoá 11, tôi nhận được một bức thư của cô bé 9 tuổi ở Tây Ninh kể bố mẹ đang bất hòa, sắp ly hôn vì bố có người phụ nữ khác. Cháu nói cô là đại biểu Quốc hội, cô cứu gia đình cháu với.

Là phụ nữ, tôi cảm nhận rất rõ nỗi đau của cô bé. Tôi đã tìm mọi cách liên lạc, xuống tận huyện theo dấu bưu điện trên thư, nhưng không tìm được vì cháu không nói rõ địa chỉ gia đình ở đâu, bố mẹ tên gì, công tác ở cơ quan nào. Không biết gia đình bé đó giờ thế nào, xum họp hay đã tan rã rồi, câu hỏi ấy khiến tôi trăn trở mãi. Đến giờ tôi vẫn giữ lá thư của cô bé, dù đã trải qua gần hai nhiệm kỳ Quốc hội.

Qua chuyện này, tôi cảm nhận rằng người dân đang cần những người có đủ quyền lực, không phải chỉ để giải quyết những chuyện lớn lao của đất nước, mà cả chuyện rất đời thường, nhỏ nhặt trong gia đình. Là đại biểu Quốc hội, tôi nghĩ giúp được cái gì dù nhỏ nhất cho người dân trong khả năng mình thì phải cố gắng làm.

- Là người hay chất vấn các thành viên Chính phủ, bản thân bà chịu sức ép như thế nào?

- Khi phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, mình phải cân nhắc những gì mình nói sẽ ảnh hưởng thế nào và hiệu ứng của nó với các thành viên Chính phủ ra sao. Tham gia suốt 2 nhiệm kỳ, khi đặt những vấn đề chất vấn, thậm chí có phần gay gắt, nhưng tôi không chịu một áp lực nào.

Chỉ có điều mình phải đặt ra áp lực đối với mình, tức là ý kiến đó phải đại diện cho ai, vì lợi ích chung hay là cục bộ địa phương, hay là định kiến cá nhân. Những cái đó hoàn toàn bị tôi gạt bỏ mà phải trên cơ sở xây dựng, làm sao để người dân có lợi hơn. Đó là áp lực rất lớn đối với tôi.

- Tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội thấp hơn so với nam giới, nữ đại biểu mạnh mẽ lên tiếng như bà không nhiều. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm với những nữ đại biểu khoá 13 sắp tới?

- Người ta thường nói phụ nữ hay có tâm lý tự ti, rụt rè, thực ra tôi thấy khoá 12 nhiều đại biểu là nữ, trẻ, nhưng rất sắc sảo và tự tin. Chúng tôi sẽ cố gắng truyền đạt lại để các bạn nữ nếu được tham gia vào Quốc hội phải thoát ra được mặc cảm, phải tự tin, mang được tiếng nói của người dân đến Quốc hội.

Các bạn hãy chịu khó nghiên cứu, không chỉ trên báo cáo mà qua thực tiễn khi tiếp xúc với người dân, rút ra được cái gì để từ đó nâng lên thành vấn đề có tính khái quát, không sa đà vào chuyện cụ thể, cục bộ địa phương, đó là kinh nghiệm của tôi. Đại biểu cũng phải hết sức bản lĩnh, xác định mình nói điều đó là hoàn toàn đúng, bằng sự nhiệt tình và tâm huyết của mình, không phải lợi dụng diễn đàn Quốc hội mà nói chuyện mang tính cá nhân, hay thể hiện mình.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai phát biểu tại kỳ họp Quốc hội thứ 8.

- Là đại biểu chuyên trách, thường xuyên phải đi công tác, vậy công việc nhà được bà thu xếp như thế nào?

- Mỗi kỳ họp Quốc hội kéo dài cả tháng. Là nữ đại biểu, bước ra khỏi gia đình có những khó khăn nhất định, nếu chồng không thông cảm thì rất khó. Đối với tôi, điều thuận lợi là được sự ủng hộ của ông xã. Vợ chồng tôi cùng suy nghĩ ông xã sẽ hỗ trợ tối đa trong thời gian tôi đi họp. Còn tôi phải hết sức tập trung để hoàn thành công việc của người đại biểu, đối với gia đình cũng phải có sự cân bằng.

Nói ra thì hơi buồn cười, nhưng trước lúc đi họp Quốc hội, tôi là một loạt quần áo cho ông xã. Ông xã nói "em cứ đi đi, không phải làm", nhưng tôi cứ là. Có thể ông xã tôi không mặc, nhưng anh ấy thấy được sự quan tâm của mình cho gia đình. Hoặc là trước kỳ họp Quốc hội, tôi chuẩn bị nồi thịt kho tàu thật to, ăn được 3-4 ngày. Những việc làm tuy nhỏ, nhưng nó giúp chồng con tôi không cảm thấy sự trống vắng của người vợ, người mẹ trong gia đình, không phải mình vì Quốc hội mà bỏ bê gia đình.

- Đã bao giờ bà bị phàn nàn do không có thời gian chăm sóc cho gia đình như những phụ nữ bình thường khác?

- Dù được chồng con chia sẻ rất nhiều, nhưng tôi vẫn thấy áy náy. Bởi có thời điểm gia đình rất cần đến mình, nhưng mình thì đi biền biệt. Hiện tôi đã có cháu nội, con trai, con dâu đều đi làm, bà nội mà đi suốt thì phải thuê người giúp việc, rất khó khăn. Có bà chăm sóc cháu vẫn tốt hơn. Tôi vẫn nói đùa, sắp tới mẹ sẽ là ôsin cao cấp.

(Theo VNE)