Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ông Bùi Văn Xuyền đánh giá đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy là thay đổi mang tính đột phá, giúp giảm thủ tục hành chính và quản lý dân cư tốt hơn.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 20/5 sẽ cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Một trong những chính sách lớn của dự án Luật này là thay đổi phương thức quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ sổ hộ khẩu giấy sang số định danh cá nhân.
Trao đổi với ông Bùi Văn Xuyền, Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
- Ông đánh giá như thế nào về đề xuất nêu trên?
- Bỏ sổ hộ khẩu giấy không phải là bỏ quản lý về hộ khẩu, bỏ quản lý nơi thường trú, tạm trú, đi khỏi nơi cư trú mà là thay đổi cách làm. Đây sẽ là đột phá lớn, giúp chuyển từ cuốn hộ khẩu giấy sang quản lý bằng số định danh cá nhân, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khi đó, người dân không phải giữ cẩn thận cuốn sổ hộ khẩu trong nhà hoặc đi giải quyết thủ tục liên quan thì kè kè mang theo như lâu nay; cũng không lo chuyện mất sổ phải làm lại rất phiền phức, không lo mất cắp, mối mọt.
Cơ quan chức năng sẽ chịu trách nhiệm quản lý thông tin hộ khẩu. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, việc quản lý minh bạch hơn, cán bộ hành chính không thể lợi dụng quy định để nhũng nhiễu người dân.
Tôi ví dụ, trong tương lai người dân có thể chuyển nhà từ Bắc vào Nam, mà việc khai báo chỉ cần thao tác với hệ thống quản lý trên máy tính hoặc điện thoại di động, không phải ra phường vừa mất thời gian, vừa mất tiền. Về phía cơ quan chức năng sẽ quản lý được chính xác người nào đi đâu, làm gì, phục vụ cho đấu tranh phòng chống tội phạm và hoạch định chính sách, phát triển kinh tế xã hội.
Ông Bùi Văn Xuyền, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Thắng
- Muốn chuyển sang quản lý theo định danh cá nhân, 100 triệu dân phải được cấp mã số và Chính phủ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phù hợp với thời gian Quốc hội ban hành Luật Cư trú (sửa đổi), dự kiến năm 2021. Ông thấy tính khả thi của việc này ra sao?
- Việc quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân đã được triển khai nhiều năm nay. Lộ trình dự kiến đến năm 2020, cơ sở dữ liệu dân cư và số định danh cá nhân phải hoàn thành, nhưng đến nay Chính phủ chưa thực hiện được. Vừa rồi, Thủ tướng phê duyệt đề án lùi lại một năm, nghĩa là vào năm 2021.
Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vào chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, cố gắng ban hành vào kỳ họp 10 để phù hợp với lộ trình tháng 6/2021 hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu dân cư và số định danh cá nhân, từ đó quản lý cư trú của công dân theo hướng mới. Tôi đồng tình về mặt chủ trương, nhưng cũng rất băn khoăn về tính khả thi, vì 5 năm qua mới có 16 triệu công dân được cấp số định danh, nghĩa là triển khai rất chậm.
Dù sao, Chính phủ đã cam kết sẽ hoàn chỉnh dữ liệu vào giữa năm 2021. Thậm chí, Thứ trưởng Công an còn nói "chúng tôi là người trên thuyền, nếu Quốc hội đồng ý ra khơi, chúng tôi lo nhất vì nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì phải chịu trách nhiệm". Tôi rất vui vì cam kết đó. Nếu Bộ Công an triển khai đúng như đề xuất thì người dân sẽ được hưởng lợi.
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết 27 thủ tục hành chính trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Vậy phương án nào để tránh xáo trộn khi chuyển sang quản lý bằng mã số định danh?
- Chúng tôi đang rà soát, có thể các thủ tục liên quan sổ hộ khẩu còn nhiều hơn chứ không dừng lại ở 27. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, khi cơ quan nhà nước quản lý theo sổ hộ khẩu giấy, người dân phải trình sổ này khi giải quyết thủ tục liên quan là điều đương nhiên.
Nếu chuyển sang số định danh cá nhân, dữ liệu dân cư sẽ phải được kết nối với nhau, thông tin giữa các bộ ngành được đồng bộ, thông suốt. Từ số định danh cá nhân truy xuất được tên tuổi, quê quán, lí lịch của từng người. Dữ liệu này cũng phải thiết kế sao cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp có thể tra cứu phục vụ cho mọi công việc liên quan, thay thế cho động tác trình cuốn sổ hộ khẩu giấy. Ví dụ ngành Bảo hiểm xã hội thông qua mã số định danh cá nhân sẽ tra cứu được người này đang ở đâu, thông tin thường trú, tạm trú, nghề nghiệp thế nào?
Ủy ban Pháp luật đang đặt vấn đề để Quốc hội thảo luận, đề nghị ban soạn thảo dự án Luật phải nêu rõ quy trình, quy chuẩn về tra cứu dữ liệu, để khi bỏ sổ hộ khẩu thì không có vướng mắc. Đồng thời, Chính phủ cũng phải nghiên cứu quy định này có phủ hết các địa phương không, vì ở vùng sâu rất khó khăn trong sử dụng công nghệ thông tin.
- Khi quản lý công dân bằng mã số định danh, nhiều người lo ngại hacker có thể xâm nhập và thay đổi dữ liệu. Ông nghĩ sao?
- Bảo mật cũng là vấn đề phải đặt ra. Hiện nay, nhiều cơ quan, ban ngành xây dựng cơ sở dữ liệu rất tốn kém nhưng hiệu quả sử dụng thấp vì không kết nối được với các đơn vị khác. Nếu đưa dữ liệu ra ngoài thì cần phải bảo mật, rất phức tạp. Đây là vấn đề về công nghệ mà Chính phủ, Bộ Công an phải nghiên cứu.
Khi quản lý dân cư bằng hệ thống dữ liệu trên máy tính, trình độ kỹ thuật, nền tảng, cơ sở vật chất phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không cho phép để xảy ra bất cứ sơ suất nào, vì nếu hacker xâm nhập, hậu quả sẽ khôn lường.
- Cá nhân ông đã trải nghiệm như thế nào liên quan đến sổ hộ khẩu giấy?
- Khi tôi làm thủ tục chuyển hộ khẩu hay các việc cần đến sổ đều không gặp khó khăn gì. Có lẽ vì tôi đang công tác chăng? Tuy nhiên, tôi từng nghe nhiều câu chuyện thực tế của bạn bè, người thân, đơn cử như việc chuyển hộ khẩu từ quê ra Hà Nội bị đòi hỏi rất nhiều giấy tờ, hẹn lên hẹn xuống mất thời gian; có người không kiên nhẫn với việc phải đi lại nhiều ngày, đã bỏ một số tiền không nhỏ để thủ tục được giải quyết nhanh hơn.
Nhiều người sống ở thành phố nhưng khi chuyển nhà từ quận này sang quận khác đã không chuyển hộ khẩu, vì thủ tục quá nhiêu khê. Họ chấp nhận cho con học trường tư, chữa bệnh trái tuyến với chi phí cao. Quản lý nhà nước như vậy không hiệu quả, vì cơ quan chức năng vừa không quản lý sát dân cư, còn người dân thì tốn kém vì gánh nặng thủ tục hành chính.
Số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu này và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Đây là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Nguồn VNE