Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Đại biểu Quốc hội 'buồn' vì đề xuất hoãn tăng lương
2012-10-25 05:31:00

Ghi nhận khó khăn của ngân sách hiện nay, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát chi tiêu công, các hạng mục đầu tư chưa hợp lý, nhưng vẫn giữ lộ trình tăng lương để đảm bảo đời sống công chức và lao động.

Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ ba với chương trình thảo luận tại tổ, trong đó các đại biểu tập trung phân tích những mặt được và chưa được của kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm, giải pháp của Chính phủ cho phần thời gian còn lại của năm nay cũng như năm tới.

Bức tranh kinh tế qua báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc ngày 23/10 cho thấy có nhiều chỉ số tích cực. Lạm phát bước đầu được kiềm chế, 9 tháng dừng ở mức 5,13% và cả năm dự kiến sẽ đạt chỉ tiêu tăng dưới 8%. Tăng trưởng GDP thấp hơn kế hoạch nhưng đang có tiến triển, quý sau cao hơn quý trước. Với tốc độ tăng 9 tháng đạt 4,73%, Chính phủ ước tính cả năm sẽ đạt 5,2%. Chính phủ cũng cho biết tình hình sản xuất bước đầu có dấu hiệu phục hồi, tồn kho giảm, lãi suất dần về mức hợp lý, tỷ giá ổn định.

Hầu hết các đại biểu đều ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong bối cảnh khó khăn và bất ổn chung của cả thế giới cũng như trong nước. Song nhiều đại biểu đề nghị cần nhìn nhận tình hình một cách thực tế và sát sao hơn. Theo đại biểu Thân Đức Nam, nền kinh tế bất ổn như hiện nay một phần còn do điều hành chính sách trong suốt 4 năm qua còn nặng tính tình thế, khiến thị trường mất phương hướng và niềm tin dài hạn. Các biện pháp kiểm soát lạm phát được Chính phủ áp dụng từ năm 2008 và tới đầu năm 2011 tiếp tục thắt chặt hơn bằng chính sách tiền tệ và giảm tổng cầu. Khi tổng cầu giảm nhanh, tăng trưởng GDP trong quý I năm 2012 chỉ đạt 4% (bằng hai phần ba mức tăng của quý 4 năm 2011), tới quý 2 năm 2012 Chính phủ buộc phải kích thích tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 13.

Đại biểu Nam cho rằng đến nay tình hình vẫn rất khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm. Ngân hàng Nhà nước đã 5 lần giảm lãi suất, nhưng nền kinh tế không hấp thu được. Trong khi các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, từ đầu tháng 10 tới nay lãi suất ngân hàng đang có dấu hiệu tăng trở lại dưới các hình thức khác nhau.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, năm 2012 tích tụ tất cả những yếu kém, khó khăn suốt từ 2008 đến nay. Trong suốt 5 năm qua, các vấn đề này chưa được giải quyết căn cơ, ngọn nguồn. Các biện pháp tình thế diễn ra trong nhiều năm, khiến giọt nước tràn ly, đến 2012 lạm phát giảm nhưng GDP cũng giảm.

"Giảm nhập siêu là vì cầu giảm, nếu cầu tăng thì nhập siêu sẽ tăng, nên mục tiêu thì đạt được nhưng không bền vững", tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, GDP năm nay khó đạt như dự tính của Chính phủ, vì muốn vậy quý cuối năm phải tăng trưởng 5,6-5,7%, nhưng điều này gần như không thể. “Tăng trưởng quý sau hơn quý trước đã là thông lệ, không phải là dấu hiệu chuyển biến của nền kinh tế. Lạm phát giảm, liệu có phải do kiềm chế thành công hay là lực cầu bị suy kiệt. Số doanh nghiệp giải thể vẫn tăng. Tổng vốn đầu tư xã hội chỉ đạt khoảng 30% GDP cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào chính sách của Chính phủ có suy giảm, họ chưa dám đầu tư mà chờ đợi động thái tiếp theo của Chính phủ về chính sách”, đại biểu Ngân nói.

Trước tình hình đó, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị lập Ủy ban Quốc gia về Tái cấu kinh tế, do Thủ tướng đứng đầu. Ủy ban này, theo đại biểu, cần soạn ra thể chế về tái cơ cấu kinh tế, đồng thời phải đứng ra giải quyết các vấn đề về tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước.

"Nếu làm không tốt thì không thể tái cơ cấu kinh tế, lấy lại niềm tin của thị trường cũng như tiếp tục đẩy các doanh nghiệp vào con đường phá sản, giải thể. Cần phải có những giải pháp cụ thể. Nếu kỳ họp này mà Quốc hội không quyết được các giải pháp cụ thể thì năm 2013 chưa thể có chuyển biến”, ông nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền bày tỏ:: "Cái gì cắt được song phần đi chợ của người dân không thể cắt được".

Câu chuyện lùi lộ trình tăng lương cũng thu hút sự quan tâm thảo luận của các đại biểu. Đại Nguyễn Đình Quyền cho rằng sẽ là không hợp lý nếu Chính phủ hoãn tăng lương cho công chức, người lao động, trong khi chưa cải thiện tình trạng đầu tư ngân sách dàn trải, chưa hiệu quả.

"Chúng ta phải cắt bỏ chi phí không cần thiết để tăng lương, cắt cái gì thì cắt, chứ phần đi chợ của người dân không thể cắt được. Nếu chi nhiều thì không có nguồn lực tăng lương, không có nguồn đầu tư cho các chương trình", ông Nguyễn Đình Quyền nói.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng cho rằng đời sống công nhân hiện nay rất khó khăn, thậm chí còn hơn "chị Dậu" ngày xưa, nên phải giảm cắt giảm ngân sách, cắt giảm chi tại các tập đoàn, thay vì ngừng tăng lương.

Một đại biểu đoàn TP HCM thậm chí đề nghị Chính phủ cần sớm công bố điều chỉnh tiền lương cho công nhân TP HCM từ 1/1/2013, nâng lên 2,7 triệu đồng như đề xuất của UBND thành phố. Theo ông, nhiều doanh nghiệp ở thành phố đang trả mức lương đó rồi nhưng cần sớm công bố điều này, càng nhanh càng tốt để ổn định tâm lý của người lao động.

"Tôi rất buồn khi nghe Chính phủ chưa tăng lương cho người có công, công chức, viên chức… Bình quân lương hưu của người dân TP HCM là 2 triệu đồng, thấp nhất là 1 triệu đồng, trong khi mức chi tối thiểu ở thành phố phải là 2.058.000 đồng. Thu nhập thực tế của người dân đang giảm, rất khó để người nghỉ hưu có cuộc sống ổn định. Nếu không kịp tăng lương từ 1/5/2013 sẽ không cải thiện điều kiện sinh hoạt của họ", ông nói.

Một số đại biểu lo ngại báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh sát những gì diễn ra trong đời sống, kinh tế. Đại biểu Trịnh Thế Khiết chất vấn mức thu nhập bình quân đầu người theo báo cáo là từ 1.375 USD (năm 2011) lên 1.540 USD trong năm nay, song chỉ số GDP lại giảm so với kế hoạch là 4,8%

Đại biểu Nguyễn Hồng Hà băn khoăn, trong 9 tháng, số doanh nghiệp giải thể là trên 40.000 là con số chưa đầy đủ, con số thực tế còn cao hơn nhiều. Riêng TP HCM có trên 13.000 doanh nghiệp và Hà Nội có 9.000 doanh nghiệp phá sản. Qua khảo sát của cơ quan chuyên trách, 345.000 trường hợp đăng ký trợ cấp thất nghiệp (tăng 41% so với năm trước) và 282.000 người hưởng người thất nghiệp hàng tháng (tăng hơn 40% so với năm trước).

"Doanh nghiệp càng lớn càng thua lỗ nhiều. Năm 2013, doanh nghiệp còn khó khăn, hiện nay đã có hơn 40.000 doanh nghiệp giải thể và nhiều doanh nghiệp khác đang "ngắc ngoải", nên cần đánh giá xem xét cụ thể các chính sách kinh tế, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng", đại biểu Trịnh Thế Khiết phát biểu.

Theo VnExpress.net

Từ khóa:
Tin liên quan