BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại biểu Quốc hội: đánh giá kỹ tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong sở hữu chéo nhằm hạn chế thao túng 

Cập nhật ngày: 12/06/2023 - 09:53

Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ cơ sở, đánh giá kỹ thực trạng, tác động đối với việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong việc xử lý tình trạng sở hữu chéo đang gây nhiều hệ lụy hiện nay.

Các đại biểu Quốc hội họp tại Hội trường.

Tại phiên thảo luận tại hội trường và tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi), đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đồng thuận với sự cần thiết sửa đổi luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 12 năm thi hành Luật Các TCTD năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng; tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các TCTD; tạo cơ chế xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng từ không được vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ này; cần đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các TCTD để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo để đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo như hiện nay.

Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động của các quy định đối với các cổ đông đang sở hữu cổ phần từ trên 3% đến dưới 5%, trên 10% đến dưới 15% và trên 15% đến dưới 20%, nhất là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi luật có hiệu lực; tác động của chính sách đến thị trường chứng khoán.

Tại các phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến cho rằng, cần lưu ý sự ổn định của cơ cấu cổ đông lớn có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các ngân hàng thương mại cổ phần, đồng thời đề nghị quy định tại dự thảo Luật lộ trình phù hợp để các cổ đông hiện hữu thực hiện thoái vốn hoặc quy định không áp dụng hồi tố (tương tự như Luật Doanh nghiệp) nhưng không được mua thêm cổ phần, trừ trường hợp việc mua thêm cổ phần không vượt quá hạn mức sở hữu mới để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư.

Tham gia thảo luận tại hội trường về dự án luật này, đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng cho biết, về tỷ lệ sở hữu cổ phần, nhằm mục tiêu hạn chế vấn đề thao túng hoạt động ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, trong trường hợp này thực tế có thể phát sinh việc thuê, nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng.

Đại biểu đặt vấn đề, tình trạng này sẽ được giải quyết ra sao trong thực tiễn? Có giải quyết được tính căn cơ khi giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần? Đại biểu đề nghị cần có đánh giá, làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định của pháp luật hay do trong tổ chức thực thi.

Đồng thời cần có sự đánh giá đối với các cổ đông đang hiện hữu có số vốn cao hơn quy định mới sẽ được giải quyết như thế nào, có thực hiện thoái vốn hoặc quy định không áp dụng hồi tố để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tâm huyết.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Trung - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng việc điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức, tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng, mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết.

Điều này giúp cơ cấu cổ đông của ngân hàng có độ phân tán hơn, lành mạnh hơn, tránh quyền lực quyền tự quyết quá lớn, tập trung vào một cá nhân, từ đó hạn chế các hành vi điều hành hoạt động của tổ chức theo hướng phục vụ cho các công ty sân sau và lợi ích của các cổ đông lớn, ngược lại làm tổn hại đến lợi ích của ngân hàng nói chung và các cổ đông còn lại nói riêng.

Tuy nhiên, đại biểu phản ánh thực tế vẫn có thể tồn tại các cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh Hội đồng quản trị và Ban điều hành nắm cổ phần chi phối và điều hành hoạt động của ngân hàng.

Đánh giá các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn, đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm các quy định, tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân, pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị làm rõ sao lại giảm tỷ lệ sở hữu cố phẩn, cần có đánh giá thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng thời gian qua, hệ quả của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, nhất là cổ đông chiến lược.

Việc hạn chế thao túng hoạt động ngân hàng là cần thiết, cũng cần lưu ý là sự ổn định của cổ đông cũng rất quan trọng. Việc giới hạn cấp tín dụng, luật điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một số ngân hàng không vượt quá 15% đến 20% xuống còn 10-15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng,...

Tương tự, giảm từ 20% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng nhằm mục đích giảm mức độ tập trung rủi ro tín dụng là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng nên giải thích có sức thuyết phục xem thời gian qua đã có rủi ro chưa, hiện nay có xu hướng rủi ro hay không; có các doanh nghiệp đã vay đến mức giới hạn tối đa, luật mới quy định giảm hạn mức cấp tín dụng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp đã vay.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, việc quy định tỷ lệ tối đa sở hữu cổ phần của cá nhân theo hướng giảm so với quy định của luật hiện hành chưa đứng trên khía cạnh kinh tế sẽ làm giảm năng lực đầu tư và hiệu quả sinh lời của dòng tiền, hạn chế việc huy động nguồn vốn từ xã hội vào lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng luôn cần nguồn lực để gia tăng vốn điều lệ của mình nhằm cạnh tranh và bảo đảm hiệu quả kinh doanh, cần cơ chế mở để thu hút cổ đông có tiềm lực tài chính tham gia duy nhất vào việc gia tăng vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng, chứ không thực thi các khía cạnh quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng.

Đại biểu cho rằng, vốn điều lệ của tổ chức tín dụng cần xem xét ở góc độ là khoản đầu tư và yếu tố quản trị từ Ngân hàng Nhà nước về các chỉ số tài chính, cần mở rộng phạm vi cho sở hữu vốn của cổ đông tính trên vốn điều lệ để đảm bảo ít hạn chế về đầu tư cổ phần tại tổ chức tín dụng, nhưng các cổ đông này chỉ thuần túy tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Nguồn baoquocte