Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại biểu Quốc hội đề nghị luật hoá tiêu chuẩn, quy chuẩn đường cao tốc
Thứ tư: 08:52 ngày 27/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chiều 26/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu đã tập trung thảo luận dự án Luật Đường bộ. Nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu là tiêu chuẩn, quy chuẩn và ứng dụng khoa học công nghệ.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Phạm Thắng) 

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, hiện Chính phủ đang trình sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc. Qua khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, còn nhiều bất cập trong việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực đường bộ.

"Hiện chúng ta chưa áp dụng nên chưa biết vận hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đường bộ cao tốc có mang lại hiệu quả tích cực hay không? Vì vậy cần đánh giá kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, để làm sao áp dụng vào Luật Đường bộ mang lại hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cũng cho rằng, quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật đường cao tốc là rất cần thiết song cần quan tâm đến điều khoản chuyển tiếp khi áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới. Bởi trên thực tế khi áp dụng quy chuẩn theo dự thảo luật thì một số tuyến đường hiện nay sẽ không còn là cao tốc nữa. Ví dụ, dự thảo luật quy định đường cao tốc là có dải phân cách hai chiều xe riêng biệt nhưng hiện nay có một số tuyến cao tốc không có dải phân cách hai chiều xe thì không còn gọi là đường cao tốc nữa. "Vậy phải quy định việc chuyển tiếp thế nào?", đại biểu nêu vấn đề.

Trong khi đó, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) cho biết, đến thời điểm hiện nay chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn đường cao tốc đã tạo ra nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường cao tốc. Đại biểu đề nghị luật hóa các nguyên tắc bắt buộc trong Luật, sau đó Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mới ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể.

“Tôi đề nghị cần có 6 điểm quy định trong Luật: Bắt buộc phải có dải phân cách cứng; phải có làn khẩn cấp; phải có điểm dừng đỗ; tốc độ các phương tiện di chuyển phải cao nhất trong các cấp kỹ thuật; khổ làn không thấp hơn 3,75m; quy định số làn cụ thể”, đại biểu Lê Hoàng Anh nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, hoạt động đưa đón trẻ, học sinh bằng xe ô tô hiện nay đã rất phổ biến và được nhiều gia đình lựa chọn, vì vậy quy định nội dung này là cần thiết do xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát sinh. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều mô hình có tính chất tương tự như hoạt động đưa đón nhân viên, công nhân của các công ty, doanh nghiệp… Vì vậy, đại biểu cần rà soát thêm để xây dựng quy định thống nhất nhằm quản lý những loại hình hoạt động vận tải tương tự nhau, đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ vận tải.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng bày tỏ quan tâm về dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô được quy định tại điều 80 dự thảo Luật.

Theo đại biểu, trong bối cảnh hiện nay, việc quy định về dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, các quy định tại dự thảo luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý loại hình này hiện nay. Do đó, cần làm rõ hơn nữa, quy định quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo quyền lợi của hành khách và bên cung cấp dịch vụ vận tải, đồng thời tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước đối với loại hình dịch vụ này./.

Nguồn dangcongsan

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục