BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương: Văn hoá là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước 

Cập nhật ngày: 01/11/2023 - 00:19

BTN - Đại biểu Phương khẳng định kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm đến phát triển văn hoá thì cũng tự đánh mất mình, việc phát triển kinh tế cũng không có ý nghĩa gì

https://baotayninh.vn/image/fckeditor/upload/2023/20231031/images/169_2023-img-1698739141283-1698739813679-jpg.jpg

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại hội trường.

Trong phiên thảo luận ở hội trường chiều 31.10 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu nhận định, bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình kinh tế xã hội của đất nước trong 9 tháng đầu năm cũng còn những hạn chế, khó khăn, thách thức.

Ba động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) vẫn trong tình trạng phục hồi và tăng trưởng chậm. Mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng trong công tác điều hành, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực này, vẫn còn nhiều nút thắt, chưa thể tháo gỡ ngay.

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, của xã hội trong tình trạng hạn chế, vốn tín dụng tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, song quan trọng nhất, thậm chí mang tính quyết định, là xuất khẩu và tiêu thụ hàng hoá thị trường nội địa còn yếu, theo đó, hạn chế đến quá trình hấp thụ vốn.

Xuất khẩu là một động lực rất quan trọng, tăng trưởng kinh tế nước ta dựa rất lớn vào xuất khẩu. Tuy nhiên, 9 tháng qua, giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa tuy đã có mức tăng trưởng, song nhìn chung chưa đạt như mong muốn. Một mặt do thu nhập người dân còn ở mức thấp; mặt khác tâm lý, thói quen, sở thích của người tiêu dùng chưa được cải thiện nhiều, xu hướng ưa dùng hàng ngoại còn tương đối phổ biến, cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” vẫn chưa có hiệu quả thực chất trên phạm vi cả nước.

Tình trạng ô nhiễm nước ngầm và nước mặt, ô nhiễm đất nông nghiệp, ô nhiễm thuốc trừ sâu, rác thải, rác nhựa; ô nhiễm biển, sông, ao hồ... đang diễn ra nghiêm trọng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống nhân dân, đến sản xuất trong nước, mà còn có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hoá khi đối tác áp đặt hàng rào kỹ thuật mới bởi xu hướng “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức lớn.

Đại biểu Phương cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét thêm 2 vấn đề sau đây:

Thứ nhất: chỉ tiêu tăng năng suất lao động được dự báo là sẽ không đạt trong năm nay, đây cũng là năm thứ ba liên tiếp không hoàn thành chỉ tiêu này. Theo các chuyên gia kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan; tương đương năng suất lao động của Lào (20 nghìn USD). So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc. Đại biểu Phương nhận định rằng điều này phản ánh, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp năng suất lao động của các nước trong khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Do đó, theo đại biểu Phương, việc cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi với kinh tế Việt Nam hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước tiên tiến. Tốc độ tăng năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế; do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình và đề xuất giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn để cải thiện, nâng cao năng suất lao động, từng bước thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới.

Đại biểu Phương nhấn mạnh thêm, cử tri lo lắng khi thời gian qua nổi lên nhiều vụ án mạng nghiêm trọng, hành xử dã man chỉ vì những lý do nhỏ nhặt trong cuộc sống; môi trường văn hoá, thuần phong mỹ tục bị xâm hại; một bộ phận văn nghệ sĩ, người mẫu, người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội xuống cấp về lối sống, đạo đức; mặt trái của công nghệ thông tin, đặc biệt là thông tin xấu độc từ mạng xã hội, blog cá nhân; ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, phim ảnh bạo lực, đồi truỵ đã làm gia tăng tội phạm và nhiều hiện tượng xã hội đáng quan tâm khác.

Đại biểu Phương cho rằng hiện nay, chúng ta đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, nhiều mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế đề cập đầy đủ, rõ ràng; nhưng có nơi, có lúc tính chất “phát triển hài hoà” chưa thực sự hiệu quả, phát triển văn hoá còn chậm so với tốc độ phát triển của kinh tế, chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hoá lành mạnh.

Đại biểu cũng chuyển tải ý kiến cử tri cho rằng việc phát triển kinh tế chưa song hành với văn hoá. Ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu thấu đáo đến vấn đề này, có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hoá, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Đây là yêu cầu bức xúc khi mà những vấn đề về đạo đức đang bị xói mòn, rạn nứt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong xã hội.

Đại biểu Phương đề nghị văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế không chỉ là sự khẳng định tầm quan trọng đối với lĩnh vực văn hoá trong xây dựng con người và phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị nhằm khơi thông sức mạnh của văn hoá, để văn hoá phát triển tương xứng, hài hoà với các lĩnh vực trọng yếu khác.

Song song đó, theo đại biểu, quá trình lãnh đạo, quản lý cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá; xem văn hoá là “đuôi”, là “cái bóng” lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế; xem nhiệm vụ phát triển văn hoá chưa mang tính cấp thiết, không phát triển cũng “chẳng chết ai”; đầu tư cho văn hoá không có lợi nhuận...

Đại biểu Phương khẳng định kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm đến phát triển văn hoá thì cũng tự đánh mất mình, việc phát triển kinh tế cũng không có ý nghĩa gì. Do đó, văn hoá là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước. Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất và nguồn sống cho phát triển văn hoá nhưng phát triển kinh tế chưa bao giờ tách rời khỏi sự nâng đỡ của văn hoá. Phát triển kinh tế trên nền tảng văn hoá, không để mục tiêu kinh tế lấn át hoặc làm xuống cấp văn hoá, văn hoá phải đi cùng và ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển.

 K.C

(lược ghi)