Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu: “Nên thận trọng cân nhắc lùi thêm một kỳ họp để hoàn chỉnh Luật An Ninh Mạng"
Thứ hai: 16:14 ngày 11/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dự kiến ngày 12/6/2018, Luật An Ninh Mạng (ANM) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua. Thời gian qua, nhiều ý kiến phản biện, tranh luận, góp ý Dự án Luật này. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội An Giang trước giờ “ấn nút” thông qua Luật này.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam thường xuyên bị các cuộc tấn công mạng và đây là thực trạng đáng lo ngại về an ninh mạng(ANM) đang diễn ra. Trong khi  việc xử lý của chúng ta còn lúng túng do chưa có hành lang pháp lý cụ thể và đây là cũng là một trong những lý do để Luật An Ninh Mạng ra đời. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Đúng vậy, gần đây nhiều sự cố an ninh mạng liên tục xảy ra như:

• Tháng 7/2016, mạng máy tính sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài và Vietnam Airlines bị hacker Trung Quốc phá hoại.

• Tháng 5/2017 hệ thống máy chủ email của Bộ Ngoại Giao lại bị hacker “lạ" xâm nhập.

• Gần đây nhất tháng 4/2018, kẻ tấn công đã tung lên mạng thông tin cá nhân bao gồm tên, ngày sinh, chứng minh nhân dân, số điện thoại, email và mật khẩu của gần 75 triệu tài khoản người dùng của công ty game và Internet lớn nhất Việt Nam.

Đảm bảo ANM là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà chính phủ Việt Nam cần quan tâm và tiến hành các bước ngay từ bây giờ. Tuy nhiên đảm bảo ANM  không có nghĩa là phải hi sinh phát triển kinh tế và tự do của người dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội An Giang

PV: Băn khoăn lớn nhất của ông tại một số điều khoản của Dự án Luật An Ninh Mạng đang trình Quốc hội và sẽ ấn nút thông qua tới đây là gì?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Băn khoăn nhất của tôi là điều 15, với việc quy định các nội dung có thông tin xấu cần ngăn chặn, gỡ bỏ. Vậy ai sẽ là người quy định, đánh giá nội dung các thông tin được coi là vi phạm? Đây là một cá nhân, một hội đồng hay một cục, vụ của Bộ Công An? Theo luật của Indonesia (điều 15A luật sửa đổi 2017), quy định người quyết định là toà án.

Ngoài ra Điều 26 cũng cần viết rõ ràng hơn, vì nếu chỉ cần một văn bản chung chung của lực lượng bảo vệ ANM thì sẽ có nguy cơ rất lớn bị xâm phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp đã quy định. Cần quy định văn bản của cấp nào, trong hoàn cảnh nào thì các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước phải cung cấp thông tin.

Cũng trong điều 26, mục 4, khoản d về lưu giữ thông tin cá nhân của nguồn sử dụng còn quá chung chung, cần chi tiết cụ thể hơn. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Phillippines, năm 2017 khi quy định phân loại dữ liệu thành 3 cấp: cấp 1 là dữ liệu không nhạy cảm, cấp 2 là dữ liệu bị hạn chế (như hồ sơ tài chính, hồ sơ y tế, hồ sơ giáo dục cá nhân), cấp 3 là dữ liệu mật (như an ninh quốc gia, quân sự quốc phòng, bí mật thương mại, khoa học công nghệ...)

PV: Như ông đã phát biểu, đây là điều luật có thể thay đổi rất nhiều môi trường hoạt động kinh doanh, đầu tư của nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế đang hội nhập rất mạnh mẽ với thế giới, ông có thể lý giải cụ thể hơn?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Đây là một dự luật mới, không chỉ ở Việt Nam mà cũng rất mới so với các nước trong khu vực và trên Thế Giới. Dự luật mới trình quốc hội 1 kì và có rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của rất nhiều chuyên gia trong thời gian vừa qua đã chỉ ra.

Chúng ta cần phải có một Luật An Ninh Mạng để không bị tấn công mạng, nhưng vẫn giữ tốc độ phát triển kinh tế cao, đảm bảo tự do cho người dân, tăng khả năng cạnh tranh và uy tín của Việt Nam trên thế giới.

Tôi cho rằng, để bảo đảm ANM, điều cốt lõi là con người. Chúng ta cần huy động được những chuyên gia tên tuổi tham gia vào việc bảo đảm ANM với các quy chế làm việc và mức thu nhập rõ ràng. Còn Luật An Ninh Mạng nên tập trung vào mục tiêu đảm bảo ANM  cho hệ thống máy tính trọng yếu do nhà nước quản lý, bảo đảm tuyệt đối an ninh quốc gia, các bí mật quân sự, chủ quyền lãnh thổ ...

PV: Thưa ông trong kỳ họp lần này Chính phủ cũng trình Quốc hội Dự án Luật Đặc khu và hiện tại Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội lùi thông qua dự án Luật đặc khu sang kỳ họp thứ 6. Vậy theo ông, có nên kiến nghị lùi Dự thảo Luật An Ninh Mạng không? bởi cũng còn quá nhiều điều phải xem xét và cần thận trọng?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Tôi nghĩ nên thận trong cân nhắc và lùi lại thêm 1 kỳ để hoàn chỉnh bộ luật có ý nghĩa rất quan trong cho sự phát triển của xã hội này.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ rất thẳng thắn của ông!

Điều 26 Dự thảo Luật An Ninh Mạng :

1. Trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này và các thông tin khác có nội dung xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia.

2. Cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải:

a) Thiết lập cơ chế xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản;

b) Xóa bỏ thông tin, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 15 của Luật này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông; lưu vết liên quan để cung cấp cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng;

c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 15 của Luật này khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông; 
d) Lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam;

đ) Thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

3. Chính phủ quy định cụ thể các loại thông tin phải lưu trữ tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam tại điểm d khoản 2 Điều này.

Nguồn SKĐS

Tin cùng chuyên mục