BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại biểu Quốc hội: Rút ra bài học kinh nghiệm từ quyết toán ngân sách 

Cập nhật ngày: 02/06/2023 - 10:10

Phát biểu tại phiêu họp chiều 1/6, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, cần nhìn nhận lại việc quyết toán ngân sách để rút ra bài học kinh nghiệm, đặc biệt là về những nội dung tồn đọng kéo dài trong nhiều năm.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, cần nhìn nhận lại việc quyết toán ngân sách để rút ra bài học kinh nghiệm

Chiều 1/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về 4 nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự. Trong đó, có nội dung về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Chấn chỉnh tình trạng chậm thu hồi các khoản tạm ứng

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, cần nhìn nhận lại việc quyết toán ngân sách để rút ra bài học kinh nghiệm, đặc biệt là về những nội dung tồn đọng kéo dài trong nhiều năm, cần có giải pháp chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện chính sách của nhà nước.

Đại biểu cho biết, năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh, quyết toán ngân sách nhà nước đã tăng 17,2% dự toán, chi tăng 0,4% dự toán, dù có những phân tích, đánh giá nguyên nhân trong lập dự toán chưa sát, gây ảnh hưởng đến quá trình điều hành. Tuy vậy, để đạt được kết quả này cũng cần đến nhiều sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Tuy nhiên, khi xem xét báo cáo của Chính phủ, vẫn còn một số vấn đề chưa được xử lý, còn ở mức độ tương đối nghiêm trọng. Cụ thể, một số nội dung giao dự toán còn chậm, bổ sung điều chỉnh vốn nhiều lần, công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo đúng thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật không được thực hiện một cách đầy đủ, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản lớn…

Đại biểu đề nghị rà soát kỹ lại số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản, phân tích các nguyên nhân làm phát sinh lớn số nợ đọng xây dựng cơ bản, có phương án xử lý cũng như làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương khi vi phạm hành vi cấm trong Luật Đầu tư công.

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, về số chi chuyển nguồn, trong báo cáo của kiểm toán đã chỉ ra rất nhiều khoản tạm ứng quá hạn phải thu hồi nhưng nhiều năm qua không thu hồi được, một số bộ, ban, ngành, địa phương cũng báo cáo là nhiều nội dung không thể thực hiện được.

“Chính phủ phải tiếp tục rà soát chi tiết những số chi chuyển nguồn không đúng quy định và thực hiện đúng, nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, không quyết toán các khoản chi chuyển nguồn không đúng quy định này. Đồng thời, phải có giải pháp cụ thể để chấn chỉnh tình trạng chậm thu hồi các khoản tạm ứng từ các niên độ quyết toán của năm 2020 trở về trước” - đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.

Cần tư duy thiết kế lại Luật Đầu tư công

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về quyết toán ngân sách, trước ý kiến của một số đại biểu về giao vốn chậm bổ sung nhiều lần chuẩn bị đầu tư dài, chuyển nguồn lớn…, cần tư duy thiết kế lại Luật Đầu tư công nếu không năm nào cũng sẽ có chung nhận định giải ngân chậm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng hiện nay công tác chuẩn bị đầu tư quá lâu, từ khi có chủ trương đầu tư rồi phê duyệt dự án, thiết kế, phê duyệt thiết kế, tổng dự toán, lập hồ sơ mời thầu, tiến hành đấu thầu, đến đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, phần thi công xây lắp và phần quyết toán lại nhanh.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Quốc hội ủng hộ để thiết kế lại. Đồng thời, cần phải phân cấp mạnh mẽ, khi đó các địa phương mới hăng hái nhận triển khai dự án từ vốn ODA.

Liên quan đến vốn thường xuyên, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội thì Bộ đã phân bổ hết cho các tỉnh/thành phố; phân bổ trọn 1 lần.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị hoàn thiện pháp luật ở một số lĩnh vực như đầu tư công hay ngân sách phải linh hoạt hơn, chủ động hơn. Theo đó có thể giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định các danh mục đầu tư, phân cấp về vấn đề rừng, đất, tách phần đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, sử dụng dự phòng đầu tư công, dùng ngân sách cấp này để chi cho ngân sách cấp khác…

Nguồn kinhtedothi