Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại biểu Quốc hội tranh luận về rút bảo hiểm xã hội một lần
Thứ sáu: 09:14 ngày 24/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, sáng 23/11 là nên giữ hay bỏ rút BHXH một lần. Đây là vấn đề nhạy cảm, tác động lâu dài đến lưới an sinh xã hội nên dự thảo đưa ra hai phương án.

Chỉ được rút phần người lao động đóng

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), rút BHXH một lần là một thực trạng “vô cùng day dứt”, tác động tiêu cực đến đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của người dân. Thực tế, dù các cơ quan, tổ chức đã tích cực tuyên truyền, nhưng rút BHXH một lần vẫn chưa có xu hướng giảm. “Nếu chúng ta không có những quy định triệt để sẽ khó có thể xóa dần tình trạng rút BHXH một lần”, bà Nga nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận Ảnh: Như Ý

Đặt trong bối cảnh đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nữ đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, việc loại bỏ hoàn toàn quy định về rút BHXH như phương án 1 là chưa thực sự phù hợp. Để hạn chế tình trạng này, theo bà Nga, cần trao quyền lựa chọn cho người lao động bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của chế độ BHXH. Cùng với đó, quy định chặt chẽ các điều kiện hưởng để hạn chế tối đa rút BHXH.

Dẫn lại việc người lao động từng không đồng tình với quy định không cho rút BHXH một lần vào năm 2015, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cảnh báo “nếu tiếp tục áp dụng quy định này e rằng người lao động không đồng tình”. Riêng với phương án chỉ cho phép người lao động được giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng số thời gian đóng, ông Tám đặt câu hỏi: Tại sao lại là 50% mà không phải là một tỷ lệ khác? Từ đó, ông Tám đề nghị nên quy định theo hướng, những trường hợp khi hưởng BHXH một lần thì người lao động chỉ được rút phần mình đóng, còn phần người sử dụng lao động đóng thì được nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc họ hưởng khi hết tuổi lao động.

Đồng tình, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, người lao động mà chủ yếu lao động thất nghiệp, công nhân nên lương rất thấp, nếu nhận chỉ có 50% cũng không được bao nhiêu. Cho nên việc cho phép người lao động rút phần mình đóng, còn giữ lại phần của chủ sử dụng lao động là phù hợp. “Tình hình thực tiễn của Việt Nam khác với một số quốc gia trên thế giới, cho nên tùy tình hình thực tiễn mà mình phải áp dụng làm sao cho phù hợp”, ông Hòa nêu quan điểm.

Khó có phương án chỉ toàn ưu điểm

Tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) cho rằng, cả 2 phương án đều chưa thực sự tối ưu. Theo nữ đại biểu đoàn Tiền Giang, nếu thực hiện như phương án 1 sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia BHXH trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực. Bởi một trong những lý do chính khiến người lao động rút BHXH là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế, để lo cho cuộc sống trước mắt. “Quy định như phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia BHXH khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp”, bà Cầm nói.

Còn với phương án 2, nữ đại biểu đoàn Tiền Giang cho rằng, mức rút chỉ 50% trên tổng tích lũy của người lao động là không hợp lý. Vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động cũng là tiền của người lao động. Bên cạnh đó, việc chỉ được rút 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn ngay trước mắt của cuộc sống.

Từ những phân tích trên, đại biểu cần đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu về lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới, để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng BHXH một lần.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, rút BHXH một lần là vấn đề lớn, nhạy cảm; vừa có tính chất chính trị - xã hội, vừa có tính chất chuyên môn rất cao. Bộ trưởng thừa nhận “rất khó đưa ra một phương án tối ưu theo kiểu chỉ có ưu điểm, mà chỉ có thể lựa chọn phương án nào nhiều ưu điểm hơn”. Ông Dung cho biết, Chính phủ và ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu thấu đáo để có giải pháp phù hợp.

Chính sách hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc được áp dụng từ Luật BHXH năm 2006. Điều 60, Luật BHXH năm 2014 đã “siết” lại quy định này, khi bỏ hưởng BHXH một lần với nhóm lao động nghỉ việc chưa tới tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, khi điều luật này chuẩn bị áp dụng, nhiều người lao động phản đối (chủ yếu khu vực phía Nam), nên Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 93/2015, tiếp tục cho hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc.

Nguồn TPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục