BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại biểu Quốc hội yêu cầu quản chặt lao động nước ngoài

Cập nhật ngày: 21/05/2009 - 07:42

Thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 21.5, đại biểu QH lo lắng tình trạng người nước ngoài đến du lịch và ở lại Việt Nam làm việc, trong khi người lao động trong nước thất nghiệp do suy thoái kinh tế.

Bội chi 8%: quá cao

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Đặng Ngọc Tùng muốn tăng cường quản lý Nhà nước về lao động nước ngoài.

Thảo luận về kinh tế vĩ mô, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng chưa bao giờ chính sách vĩ mô thay đổi quá lớn như năm 2008. Mặc dù nền kinh tế đã có những dấu hiệu "nhích dần lên" nhưng công tác đánh giá những tác động cũng như dự báo và cảnh báo còn chưa tốt.

Về GDP, đại biểu Lịch cho hay đề xuất hạ tăng trưởng GDP năm 2009 còn 5% phải nỗ lực lắm mới đạt được. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, lạm phát không thể ở hai con số.

"Bây giờ nới lỏng tiền tệ, tăng công chi mà lại để lạm phát mười mấy phần trăm là không được. Tôi đề nghị khống chế lạm phát dưới 10%. Nếu điều chỉnh như vậy thì Chính phủ mới nỗ lực, không để tái lạm phát", ông Lịch nói.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nói chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5% là "khó". Ông Cuông và nhiều đại biểu khuyến nghị, nên đề ra chỉ tiêu tăng trưởng năm nay dao động từ 4 - 5% hoặc lạc quan hơn là 4,5 - 5%.

"Định hướng phát triển của Việt Nam đã được chỉ rõ là phải tăng trưởng hợp lý và vững chắc. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả khi chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn, nhưng có khi kiềm lại để hợp lý hơn. Với con số tăng trưởng 5%, liệu đã phải chỉ tiêu hợp lý hay chưa, hay đó chỉ là khả năng mà chúng ta phải phấn đấu quyết liệt mới đạt được?", ĐB Trần Quốc Vượng (Lai Châu) băn khoăn.

Đề cập đến mức bội chi ngân sách Nhà nước, Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, theo nguyên tắc thu đến đâu chi đến đó và chỉ nên chấp nhận bội chi với công trình trọng điểm. Theo ông, chấp nhận bội chi 8% GDP khiến nền kinh tế sẽ "quá tải".

Lo âu chuyện gói kích cầu bị lợi dụng, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng, Chính phủ phải rà soát các doanh nghiệp bị giải thể, hoạt động của các tập đoàn kinh tế... để tránh tình trạng tiền kích cầu không sử dụng đúng mục đích.

Đại biểu Phạm Thị Loan còn lo lắng hơn cho việc chi tiêu gói kích cầu "đang tập trung cho doanh nghiệp "khỏe mạnh" chứ không phải doanh nghiệp thực sự khó khăn". Bà Loan cũng cho rằng mức bội chi 8% GDP mà Chính phủ đưa ra là "quá cao", cần được hạ xuống 6-7% để tránh tái lạm phát.

"Chi cho những việc không cấp bách, chưa gây "cháy nhà chết người" thì nên dừng". Ngoài ra, bà Loan cũng đề nghị xem xét lại việc dùng trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây nhà ở xã hội. "Không nên lạm dụng chính sách tài khóa, nên để thành phần kinh tế khác xây nhà ở xã hội và ưu đãi bằng chính đất đai chẳng hạn".

Lo vấn đề lao động nước ngoài

Không thể giải quyết được khủng hoảng, suy thoái kinh tế nếu không giải quyết tốt vấn đề việc làm, người lao động. Đại biểu Nguyễn Huy Cận (TP.HCM) đã đặt đề bài như vậy khi cho rằng những vấn đề liên quan đến người lao động trong cơn khủng hoảng hiện nay mới chỉ được xem xét ở khía cạnh xã hội.

Ông Cận cho rằng không thể quan niệm theo cách khi nói tới vấn đề lao động chỉ hình dung ra những trung tâm tư vấn, môi giới việc làm. Lao động thực chất yếu tố cực kỳ quan trọng của nền kinh tế.

Chia sẻ với ông Cận, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) lo lắng tình trạng người lao động ở thành phố bị bỏ rơi, doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản trong khi đang có xu hướng một bộ phận người nước ngoài đến du lịch ở lại làm việc mà chưa có kiểm soát. Ông đề nghị tăng cường kiểm soát, quản lý Nhà nước chặt chẽ chất lượng người lao động nước ngoài ở Việt Nam cũng như chính sách ưu tiên tạo việc làm cho người trong nước.

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) cũng lo lắng một bộ phận lớn lao động có tay nghề ở các làng nghề đang bị mất việc trong khi các chính sách đào tạo nghề cho nông thôn chưa được rà soát để thực hiện lồng ghép, tránh lãng phí.

Lý giải ở góc độ vĩ mô, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho hay năm 2008, mặc dù tăng trưởng đạt 6,1 - 6,2% nhưng tổng đầu tư xã hội lại tăng 42% GDP. "Tổng đầu tư xã hội tăng nhưng việc làm lại không đạt kế hoạch. Ở góc độ quản lý kinh tế, nếu không đánh giá được thất nghiệp, việc làm mới thì chúng ta không quản lý được chính sách. Tôi cho rằng vẫn chưa đánh giá đầy đủ vấn đề việc làm và thất nghiệp", đại biểu Trần Du Lịch nói.

Ngày 26 và 27.5 tới, các đại biểu sẽ thảo luận tại Hội trường về các nội dung này. Phiên thảo luận sẽ được truyền hình trực tiếp.

(Theo Vietnamnet)