Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 7.11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 8 và thảo luận Luật Điện lực (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận có 25 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; trong đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực hiện hành. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: giải thích từ ngữ; chính sách phát triển điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; phát triển điện hạt nhân; chính sách ưu đãi phát triển năng lượng sạch; giấp phép kinh doanh điện lực;
Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực; lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực không thực hiện theo đầu tư công và hợp tác công - tư; giá điện; phát triển thị trường điện cạnh tranh; góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tham gia dự án điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng điện; thời điểm thông qua dự án Luật.
Toàn cảnh phiên họp ngày 7.11
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Trần Hữu Hậu, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đồng tình với nhóm có ý kiến: Nếu thông qua trong 1 kỳ họp, việc sửa đổi Luật Điện lực chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đại biểu Trần Hữu Hậu phát biểu thảo luận Luật Điện lực (sửa đổi).
Vì theo đại biểu, nếu sửa đổi khá toàn diện như dự thảo luật, thì với thực trạng hiện tại của ngành điện, rất nhiều nội dung đưa ra chưa tạo được hành lang thông thoáng và căn cứ pháp lý mạnh mẽ để phát triển ngành điện đáp ứng những yêu cầu to lớn của sự phát triển đất nước và nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, hàng loạt những vấn đề đang gây bức xúc, tranh cãi liên quan đến ngành điện như: Giá điện, mua bán điện, phát điện và hòa điện lên lưới của các nhà máy ngoài EVN; bù chéo… rồi ranh giới giữa kinh doanh với thực hiện những nhiệm vụ an sinh xã hội, thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng của nhà nước…. có nhiều nguyên do nhưng có 1 nguyên do căn bản là: “Chúng ta chưa có một thị trường điện cạnh tranh thực sự”. Đại biểu Hậu nhấn mạnh.
Đưa ra 3 cấp độ thị trường điện cạnh tranh hiện nay, cấp độ 1 là: Thị trường phát điện cạnh tranh; cấp độ 2: Thị trường mua, bán điện cạnh tranh và cấp độ 3: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo đại biểu cả 3 cấp độ ấy chỉ là bề nổi của thị trường điện cạnh tranh. Muốn có 1 thị trường điện cạnh tranh thực sự, góp phần quan trọng gỡ những rối rắm hiện nay của ngành Điện, phải thay đổi triệt để theo đúng định hướng mà Đảng và Chính phủ ta đã chỉ rõ: Tách bạch thực sự 3 khâu then chốt của ngành điện là: “phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia”.
“Ngành điện là một ngành đặc biệt, liên quan đến an ninh năng lượng của đất nước. Nhà nước phải nắm vai trò chủ đạo, quản lý và điều hành tổng thể, chặt chẽ, nhưng 3 khâu trên phải tách bạch; đồng thời tách bạch rõ ràng giữa kinh doanh với quản lý nhà nước, giữa kinh doanh với thực hiện chính sách an sinh xã hội”, đại biểu Hậu nhấn mạnh.
Trưởng đoàn ĐBQH Phạm Hùng Thái, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý và các đại biểu tham dự kỳ họp.
Tuy nhiên, đại biểu cũng thông tin, rất tiếc sau 20 năm, trái tim của hệ thống điện quốc gia – tức trung tâm điều độ điện quốc gia mới chính thức tách ra khỏi EVN chuyển về Bộ Công Thương từ 8/2024, còn đang lo ổn định tổ chức, nhân sự và chưa biết đến bao giờ sẽ thực sự ra khỏi “Cái bóng khổng lồ” của EVN.
Đại biểu cũng thông tin thêm, những sửa đổi trong dự thảo lần này chưa có được những quy định pháp lý đủ mạnh để sự thay đổi mang tính quyết định nói trên thành công; giúp cho thị trường điện cạnh tranh vận hành thực sự cạnh tranh, công khai, minh bạch và.... công bằng; góp phần quyết định cho sự phát triển mạnh và bền vững của ngành Điện Việt Nam.
Chính vì thế, đại biểu đề nghị, nếu thông qua tại kỳ họp này thì chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Còn nếu sửa đổi toàn diện thì cần có sự nghiên cứu sâu, xem xét kỹ hơn nên cần qua 2 kỳ họp.
Tố Tuấn – Thanh Trung (tổng hợp)