Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại biểu tranh cãi gay gắt về mô hình giáo dục đại học
Thứ bảy: 15:13 ngày 08/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một số trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia và Đại học vùng đang muốn ly khai vì phải nuôi bộ máy trung gian quá cồng kềnh.

Sáng 7/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi. 

Mâu thuẫn về mô hình cơ sở giáo dục đại học 

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cho biết hiện còn ý kiến khác nhau giữa Bộ Giáo dục (cơ quan soạn dự thảo) và Ủy ban (cơ quan thẩm tra) về mô hình cơ sở giáo dục đại học. 

Cơ quan thẩm tra đề nghị quy định thống nhất mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm trường đại học và đại học (hệ thống các trường đại học). Hạt nhân cơ bản của hệ thống giáo dục đại học là trường đại học. Khi các trường sáp nhập, kết hợp với nhau hoặc một trường lớn mạnh sẽ hình thành đại học. 

Ông Phan Thanh Bình. Ảnh: Văn phòng Quốc hội. 

Theo ông Bình, quy định theo hướng này rõ ràng, mạch lạc, tạo hành lang pháp lý để kết hợp tiềm năng, lợi thế các trường đại học thành sức mạnh hệ thống, tăng cạnh tranh với các hệ thống đại học quốc tế. “Thực tế khi xây dựng hai Đại học quốc gia đã chứng minh tính đúng đắn của mô hình này khi có cơ chế, nguồn lực phù hợp”, ông Bình nói. 

Cơ quan soạn thảo lại đề nghị quy định hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác. Bộ Giáo dục đánh giá quy định này tường minh, công bằng khi coi tất cả cơ sở giáo dục đại học đều có cơ hội như nhau về lựa chọn mô hình phát triển là đại học. 

Tuy nhiên, ông Bình đánh giá quy định như vậy chưa giải quyết được bản chất vấn đề về mô hình trường đại học bên trong đại học của các đại học hiện nay cả về nội dung và tổ chức. Đồng thời nó có thể làm phức tạp thêm hệ thống khi quy định tất cả cơ sở giáo dục đại học là đại học.

Một số đại học thành viên muốn ly khai

Đại biểu Đinh Văn Nhã cho rằng nếu đọc báo cáo, các đại biểu chắc chắn sẽ ủng hộ đề xuất của cơ quan thẩm tra vì nhìn thấy ưu điểm hơn, nhưng chưa làm rõ bất cập của mô hình Bộ Giáo dục đề xuất. Ông dẫn chứng, hai Đại học quốc gia trước đây được hình thành bằng giải pháp hành chính, đang còn nhiều bất cập. Phương án của Bộ đề xuất ưu thế hơn rất nhiều, bởi theo quy luật tự nhiên. 

Đồng tình với ý kiến của ông Nhã, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói, về ngôn ngữ, tại sao chỉ có Đại học Quốc gia và Đại học vùng được gọi là đại học? Còn những trường rất uy tín, quy mô lớn như Bách khoa, Kinh tế quốc dân... không được gọi là đại học? Vì vậy, nếu theo phương án của cơ quan thẩm tra thì không tạo động lực để các trường vươn lên, khó giải thích khi hội nhập quốc tế. 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Hoàng Phong. 

Hơn nữa, năm 1994-1995, khi thành lập ba đại học vùng và hai đại học quốc gia là sáp nhập cơ học, sau mấy chục năm vận hành tới giờ không phải đều thuận lợi. “Phương án của cơ quan thẩm tra không giải quyết được bản chất mô hình các đại học hiện nay. Phương án của ban soạn thảo phần nào giải quyết được”, ông Đam nói. 

Tranh luận lại, ông Bình nói việc sáp nhập các trường thành tổ hợp đại học đang là xu hướng thế giới để cạnh tranh quốc tế. Nhiều nước như Nhật, Pháp, Philippines... đã làm như vậy. Việc thành lập hai đại học quốc gia không phải là không có kết quả. 

Nhưng nguyên Thứ trưởng Giáo dục Trần Xuân Nhĩ dẫn chứng, hiện một số trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia và Đại học vùng muốn ly khai vì phải nuôi bộ máy trung gian quá cồng kềnh.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng góp ý, các trường cần có cơ hội phát triển như nhau. Mô hình giáo dục đại học phải đảm bảo 4 yếu tố: có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm; bình đẳng về đào tạo và sáng tạo; không phân biệt quy mô, công lập hay tư thục; có cơ hội tiếp cận nguồn lực, cải tiến phục vụ cạnh tranh trong đào tạo. 

“Nói đến Đại học Quốc gia ai cũng nghĩ đến sự hoành tráng. Nhưng không phải trường nào, khoa nào cũng tốt, hơn nữa lại sinh ra bộ máy trung gian quản lý”, ông Nhưỡng nói. 

Ông đề nghị phải phân biệt rõ liên kết cơ học và liên kết mềm khi hình thành đại học. Liên kết mềm do nhu cầu của các trường khi đã hội đủ yếu tố nhân lực, tài chính, học thuật... chứ không phải bằng quyết định của nhà nước. Cần tăng cường tự chủ tạo điều kiện để các trường liên kết chứ không nên bắt buộc.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục