Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Từ Đại hội đến Đại hội
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng
Thứ ba: 14:28 ngày 28/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội từ ngày 5.9 đến ngày 10.9.1960. 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt hơn 500.000 đảng viên trong cả nước, về dự Đại hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III, ngày 5.9.1960 tại Hà Nội

Đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch Đảng đọc lời khai mạc, nêu rõ: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại ý chí sắt đá giải phóng miền Nam của nhân dân cả nước: “Ngày nào mà chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng được miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ - Diệm, thì nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon, ngủ yên”. Người nhấn mạnh: “Miền Bắc giàu mạnh là cơ sở vững chắc của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Báo cáo chính trị do đồng chí Lê Duẩn trình bày đã khẳng định nhiệm vụ cách mạng của cả nước là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và của từng miền là giải phóng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Báo cáo chỉ ra rằng, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam còn lâu dài, gian khổ. Đó không phải là một quá trình giản đơn mà là một quá trình phức tạp kết hợp nhiều hình thức đấu tranh linh hoạt từ thấp đến cao, hợp pháp và không hợp pháp và lấy việc xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng cách mạng của quần chúng làm cơ sở.

Báo cáo chính trị đã trình bày đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đường lối chung trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta là: Đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền thống phấn đấu anh dũng, lao động cần cù của nhân dân ta, đồng thời tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa anh em do Liên Xô đứng đầu, đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới.

Muốn đạt được mục tiêu ấy phải sử dụng chính quyền dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản để thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh, phát triển thành phần kinh tế quốc doanh; thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa bằng cách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa về tư tưởng, văn hoá, kỹ thuật, biến nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hoá và khoa học tiên tiến.

Công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Báo cáo chính trị đề ra nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Trong 5 năm phải ra sức phấn đấu thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Về sự lãnh đạo của Đảng, Báo cáo chính trị đã đúc kết 8 bài học chủ yếu của cách mạng nước ta trong 30 năm qua: Xây dựng Đảng Mác - Lênin, có đường lối đúng, liên minh công nông, mặt trận dân tộc thống nhất, kết hợp các hình thức đấu tranh, tăng cường Nhà nước của nhân dân, lợi dụng mâu thuẫn nội bộ kẻ thù, đoàn kết quốc tế. Đó cũng là những bài học cho giai đoạn cách mạng trước mắt cần được Đảng ta vận dụng sáng tạo.

Đoàn kết, nhất trí trong Đảng là điều kiện cơ bản đoàn kết toàn dân. Tổng kết kinh nghiệm là một phương pháp tốt để nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên, để khắc phục những xu hướng giáo điều chủ nghĩa và kinh nghiệm chủ nghĩa, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng.

Đại hội đã thảo luận và nhất trí với Báo cáo chính trị và các báo cáo khác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sự nhất trí này được thể hiện trong việc thông qua Nghị quyết của Đại hội về đường lối và nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn mới, thông qua Điều lệ (sửa đổi) và Lời kêu gọi của Đại hội.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 47 uỷ viên chính thức và 31 uỷ viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã cử ra Bộ Chính trị gồm 11 uỷ viên chính thức. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đ.H.T (tổng hợp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục